Tín dụng ưu đãi góp phần xóa nghèo bền vững ở Bình Định

02/12/2013
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Bình Định đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tích cực góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm 2013, NHCSXH tỉnh Bình Định đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương giao, tham mưu cho Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện phân bổ kế hoạch cho các huyện, xã, thôn ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện. Chi nhánh đã phân bổ, điều chỉnh kế hoạch 14 đợt với số tiền tăng gần 131 tỷ đồng; trong đó: hộ cận nghèo tăng gần 103 tỷ đồng; Dự án phát triển lâm nghiệp (WB3) tăng 50 tỷ đồng; Chương trình NS&VSMTNT tăng 7,5 tỷ đồng. Chi nhánh cũng đã củng cố, kiện toàn 2.353 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chọn 55 Điểm giao dịch xã để nhân rộng mô hình mẫu…

Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Định, tính đến cuối tháng 11/2013, dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.200 tỷ đồng. Trong số này, cho vay hộ nghèo có dư nợ cao nhất với 791 tỷ đồng; cho vay HSSV 761 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 210 tỷ đồng; cho vay trồng rừng 110 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 109 tỷ đồng. Qua 11 năm thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh, đã có trên 381.000 lượt hộ được vay trên 4.000 tỷ đồng (bình quân mỗi khách hàng vay 10,7 triệu đồng); trong đó có trên 48.874 hộ đã thoát nghèo, hơn 36.000 hộ cải thiện đời sống; hơn 28.512 lao động có việc làm mới và hơn 42.000 HSSV được vay vốn học tập.

Ông Nguyễn Đình Sơn cho biết: trong thời gian tới, chi nhánh sẽ triển khai đồng bộ 10 giải pháp, trong đó đẩy mạnh việc giải ngân cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi; tiếp tục điều tra, rà soát nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phân công cán bộ thực hiện sửa sai, củng cố lại các mặt yếu kém… Chi nhánh sẽ tham mưu cho chính quyền chỉ đạo các xã, thôn, nhất là việc tích cực huy động vốn từ dân cư và các Tổ tiết kiệm và vay vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra công tác cho vay HSSV… nhằm tăng hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi hơn nữa.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác