Xóa nghèo qua kênh tín dụng ưu đãi
Ngân hàng muốn nhanh, nhưng…
Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 9,6% cuối năm 2012 và dự kiến còn 7,8% vào cuối năm 2013. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Những thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng dưới sự chỉ đạo của NHNN. Đặc biệt là sự tham gia tích cực của NHCSXH (VBSP) trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; sự hưởng ứng của các Ngân hàng thương mại trong hoạt động an sinh xã hội và cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Khi nói tới các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nguồn vốn của VBSP. Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho biết, với người dân nông thôn nếu chỉ trồng lúa không thì khó thoát nghèo. Khi có sự hỗ trợ từ nguồn vốn của VBSP, người dân nông thôn đã phát triển sản xuất, chăn nuôi tốt hơn để nâng cao đời sống.
Nguồn vốn cho vay của VBSP còn ít, nhưng hiệu quả cao
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), so với nhiều chương trình mục tiêu khác, nguồn vốn cho vay của VBSP còn ít nhưng hiệu quả rất cao. Ví dụ, với một tỉnh miền Trung còn khó khăn như Quảng Bình thì nguồn vốn VBSP càng có ý nghĩa quan trọng.
Đặc biệt, theo nhiều đại biểu Quốc hội, sau cơn bão số 11 gây thiệt hại nặng ở các tỉnh miền Trung vừa qua, nhiều người dân có mong muốn VBSP cho vay bổ sung để khôi phục lại sản xuất.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc VBSP cho biết: chúng tôi đã có chỉ đạo các chi nhánh, Phòng giao dịch của VBSP tại các tỉnh bị thiệt hại về bão lũ, phải thống kê chính xác tình hình thiệt hại về vốn vay VBSP, kết hợp với chính quyền sở tại để làm các bộ hồ sơ xử lý rủi ro kịp thời theo đúng quy định. Sau đó, sẽ tìm mọi cách để bố trí thêm vốn cho khu vực bị bão lụt, để các đối tượng vay vốn của VBSP được tiếp tục có vốn, củng cố sản xuất, ổn định đời sống. “Việc xử lý rủi ro các khoản nợ do bão lũ còn phụ thuộc vào số liệu đánh giá của địa phương. VBSP muốn nhanh mà tự mình làm không được. Vì hoạt động của VBSP đã xã hội hóa từ công tác cho vay, thu hồi nợ, đến vấn đề xử lý rủi ro” - ông Nguyễn Văn Lý băn khoăn.
Một người lo không đủ
Sự trăn trở của ông Lý cũng như nhiều cán bộ VBSP khi tôi có dịp được đi thực địa với họ trong các chuyến công tác có lẽ chính là chất xúc tác để VBSP hoạt động hiệu quả. Số liệu thống kê của VBSP cho thấy, tính đến ngày 30/9/2013, tổng dư nợ của ngân hàng đạt trên 118.461 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 33%/năm. Hiện có 7,1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, với dư nợ bình quân 16,8 triệu đồng/hộ.
Tuy thời gian qua tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, nhưng theo đánh giá của Vụ Tín dụng (NHNN) tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo của cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Vì vậy, VBSP đã, đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn cho chương trình xóa nghèo.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, một trong những khó khăn lớn của VBSP khi triển khai các chương trình tín dụng chính sách vẫn là nguồn vốn. NHNN đã hướng dẫn các Ngân hang thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối, duy trì số dư tiền gửi tại VBSP bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng VND.
Lãnh đạo Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, NHNN đã yêu cầu VBSP chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp để tăng nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng hiệu quả đồng vốn, đẩy vòng quay tín dụng nhanh hơn để vốn ra và quay lại ngân hàng nhanh hơn.
Do đó, VBSP cần rà soát, chỉnh sửa quy trình tín dụng hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế cho vay nhằm nâng cao chất lượng tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách, cơ chế tín dụng ưu đãi của Nhà nước… Song, như chúng tôi đề cập ở trên, sự xã hội hóa trong hoạt động của VBSP khiến ngân hàng “muốn nhanh phải… từ từ”.
Đơn cử, hiện vẫn có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách, làm ảnh hưởng tới việc VBSP hỗ trợ vốn kịp thời cho các đối tượng này. Nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Một vấn đề khác đang khiến hiệu quả đồng vốn của VBSP chưa cao là sự chênh lệch giữa nhu cầu vay và mức cho vay. Chẳng hạn, theo quy định hiện nay, mức cho vay tối đa với hộ nghèo là 30 triệu đồng/hộ. Mức này được chúng ta đưa ra cách đây 6 năm, khi đó với số vốn này người dân có thể đầu tư cho “dự án” sản xuất nhỏ. Nhưng giờ số vốn này trở nên quá ít.
“Trên thực tế, bình quân dư nợ hiện nay của VBSP mới đạt trên 15 triệu đồng/hộ. Với mức hơn 15 triệu đồng cách đây 6 năm, người dân có thể mua trâu bò, đầu tư sản xuất. Nhưng đến nay mức vay này là thấp” - Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý chia sẻ.
Theo TBNH
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NAYOBY BANK học tập kinh nghiệm tại các địa phương
- » Đoàn cán bộ cấp cao Ngân hàng Chính sách Lào (NAYOBY BANK) thăm và làm việc tại VBSP
- » Đoàn cán bộ cấp cao NAYOBY BANK chào xã giao Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT VBSP
- » Dân nghèo mong đợi chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh thiên tai
- » HĐQT NHCSXH họp phiên thường kỳ Quý III/2013
- » Hỗ trợ lãi suất là chính sách ưu việt
- » Giúp nhau dùng vốn hiệu quả
- » Sơ kết thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với lực lượng CCB
- » Mục tiêu năm 2014: Ổn định kinh tế vĩ mô
- » NHCSXH tổ chức khóa đào tạo cho cán bộ trong diện quy hoạch chức danh Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh