Mục tiêu năm 2014: Ổn định kinh tế vĩ mô

22/10/2013
(VBSP News) Một trong các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm, GDP bình quân đầu người khoảng từ 2.200 đến 2.300 USD vào năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và nhiệm vụ năm 2014 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày sáng nay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đề cập nhiều nội dung quan trọng.
Báo cáo nhận định, trong gần 3 năm qua, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu lần này được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929 - 1933. Nhiều nước công nghiệp phát triển đã điều chỉnh mạnh chính sách để bảo hộ sản xuất trong nước.
Ở Việt Nam, những hạn chế yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng với mặt trái của chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhu cầu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường sống và bảo đảm quốc phòng an ninh ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.
Trước diễn biến đó, Đại hội XI đã kịp thời điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội…
Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Chính phủ đã quản lý, điều hành quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế tình hình.
Kinh tế cơ bản ổn định và có bước phục hồi

233

Báo cáo những kết quả đạt được trong 3 năm qua và việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý ngân sách, chống thất thu và tiết kiệm chi. Thị trường trong nước tiếp tục phát triển. Hàng tồn kho giảm mạnh. Môi trường kinh doanh được cải thiện. Do đó, kinh tế đã có bước phục hồi.
Năm 2011 tăng trưởng GDP đạt 6,24%, năm 2012 chỉ đạt 5,25%; năm 2013 tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54%), cả năm ước tăng khoảng 5,4%. Bình quân 3 năm, GDP tăng khoảng 5,6%/năm.
Trong 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Hệ số ICOR giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 - 2013.
Về tái cơ cấu kinh tế đã đạt kết quả bước đầu khi Đề án tổng thể được phê duyệt và thực hiện. Về tái cơ cầu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Về tái cơ cấu tài chính, tín dụng thì trọng tâm là các Ngân hàng thương mại. Trong đó đã triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và bảo đảm an toàn. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại. Đã cổ phần hóa bốn Ngân hàng thương mại Nhà nước. Chủ động xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng.
Ba đột phá chiến lược được triển khai đồng bộ và đã đạt được một số kết quả. Văn hóa, xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân có bước cải thiện. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về công tác phòng chống tham nhũng, gần 3 năm qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.
Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% vào năm 2014 - 2015
Năm 2014 Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013 là nội dung nổi bật trong báo cáo sáng nay của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội.
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm, GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 - 2.300 USD vào năm 2015. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 31 - 32% GDP. Giải quyết việc làm cho 3,0 - 3,2 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5 - 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 42%.
Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; phát triển văn hóa xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hồng Minh - Đặng Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác