Đồng vốn nhỏ giúp dân sống khỏe hơn
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Hiếu ở thôn Tân Quang, xã Liễu Đô trong lúc gia đình đang làm công trình phụ. Anh Hiếu cho biết vợ chồng anh ra ở riêng từ năm 2007 nhưng chưa có điều kiện làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh khép kín. Nước giếng gia đình chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt giũ, còn nước ăn chủ yếu là nước mưa. Nhà tắm thì tạm bợ, tuềnh toàng...
Có đủ 3 công trình
Năm 2012, gia đình anh Hiếu được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn xét cho vay 8 triệu đồng để xây nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Cùng với tiền của nhà, vợ chồng anh đã xây công trình khép kín nhà tắm, nhà vệ sinh và công trình nước sạch. “Từ nay, gia đình tôi không còn phải lo lắng về nước ăn không đảm bảo vệ sinh nữa. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm các công trình này như phao cứu sinh đối với các hộ nghèo vùng cao như gia đình tôi. Tuy nhiên, hiện nay giá nguyên vật liệu tăng cao, với mức vay 8 triệu đồng nhiều hộ không thể làm được. Chúng tôi mong tăng mức cho vay lên 10 triệu đồng” - anh Hiếu bày tỏ.
Bên công trình nước sạch, nhà vệ sinh đẹp đẽ, bà Lý Thị Lực thôn Kha Bán, xã Liễu Đô phấn khởi cho biết: “Trước kia, mọi sinh hoạt của gia đình từ ăn uống đến tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước giếng. Nguồn nước không đảm bảo, nên mọi người rất hay bị bệnh đường ruột. Năm 2011, được ngân hàng cho vay 8 triệu đồng cộng với số tiền dành dụm được gia đình tôi mua được téc nước, làm nhà tắm và nhà vệ sinh. Giờ có nước sạch, công trình vệ sinh nên mọi sinh hoạt của gia đình tiện lợi lắm”.
Tiếp cận vốn dễ dàng
Huyện Lục Yên có 23 xã, 1 thị trấn với 298 thôn, bản, trong đó có 280 thôn, bản thuộc vùng khó khăn. Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến từng hộ dân trên địa bàn huyện được triển khai từ năm 2006. Từ khi triển khai, chương trình này đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp các ngành, người dân, nhất là các hộ ở vùng nông thôn. Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã khoan giếng, lắp đặt đường ống nước dẫn nước sạch ở các công trình cấp nước tập trung về phục vụ sinh hoạt. Đối với các hộ chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nguồn vốn này cũng đã góp phần hỗ trợ cho họ cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới công trình. Tính đến tháng 9/2013 doanh số cho vay đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường trong toàn huyện trên 20 tỷ đồng, với trên 3.500 lượt hộ được vay vốn, tương đương với trên 5.000 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Giang - Phó giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên cho biết: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cùng các hội, đoàn thể tích cực triển khai đến các hộ dân có nhu cầu vay vốn xây dựng công trình nước sạch và khu vệ sinh hợp tiêu chuẩn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, thay đổi các hành vi để nâng cao sức khỏe gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Tuy nhiên, nhiều hộ cho rằng với mức vốn vay tối đa 8 triệu đồng/hộ thì không đủ chi phí để làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Để tiếp tục phát huy tác dụng, hiệu quả của chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn nữa, Nhà nước cần tăng cường nguồn vốn, tăng mức cho vay vốn đối với các hộ gia đình.
Triệu Huấn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An
- » Phát động Cuộc vận động “Ngân hàng Việt Nam với Trường Sa thân yêu” và Ủng hộ đồng bào miền Trung
- » THÔNG CÁO BÁO CHÍ
- » Ngành Ngân hàng hỗ trợ tỉnh Hải Dương khắc phục hậu quả vụ cháy tại Trung tâm thương mại
- » Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt thân mật phụ nữ làm kinh tế giỏi
- » Quảng Nam: Không ngừng nâng chất lượng tín dụng
- » Tiếp tục đẩy mạnh chương trình tín dụng cho HSSV
- » Cần sửa đổi Đề án 1956
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình làm việc tại tỉnh Lạng Sơn: CHO VAY NÔNG DÂN LÀ RẤT TIN TƯỞNG
- » Hộ cận nghèo ở Quảng Nam được vay vốn ưu đãi