Hộ cận nghèo ở Quảng Nam được vay vốn ưu đãi

20/09/2013
(VBSP News) Tháng 3 vừa rồi, NHCSXH tỉnh Quảng Nam - dải đất hẹp "chưa mưa đã thấm", nằm giữa miền Duyên hải miền Trung - đã đi qua một chặng đường 10 năm đầy gian khó, thử thách và cũng đã thu hái nhiều kết quả trong cuộc chiến chống đói nghèo, vì an sinh xã hội.
Chị Phạm Thị Quý ở thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo để nuôi bò

Chị Phạm Thị Quý ở thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước vay 30 triệu đồng
từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo để nuôi bò

10 năm qua, trên mảnh đất này có tới 400 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở 244 xã, phường thuộc 18 huyện, thành phố trong toàn tỉnh được vay vốn từ NHCSXH.
10 năm qua, với tổng dư nợ của 12 chương trình tín dụng ưu đãi đạt gần 3.000 tỷ đồng, NHCSXH tỉnh Quảng Nam không những chỉ chung tay, góp sức cùng giúp đỡ 63 nghìn hộ dân thoát cảnh nghèo túng mà còn trở thành đơn vị có quy mô hoạt động đứng thứ 5 toàn quốc, xứng đáng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Nhìn lại chặng đường 10 năm đã đi qua, những người làm tín dụng chính sách nơi xứ Quảng miền Trung rất đỗi tự hào phấn chấn về sự nỗ lực, đoàn kết, thi đua đạt thành tích của tập thể và bản thân mình, song trong lòng họ vẫn băn khoăn, trăn trở về thực trạng tại các làng quê còn khá nhiều gia đình không có đủ điều kiện tín chấp, thế chấp lập hộ sơ vay vốn Ngân hàng thương mại cũng như chưa tiếp cận được tới nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, bởi theo phân loại những gia đình ấy không thuộc diện hộ nghèo, mới chỉ là hộ cận nghèo mà thôi.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dinh - một trong số ít người làm nhiệm vụ quản lý nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nhiều năm nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tâm sự với chúng tôi: “Đến giờ này tất cả 240 cán bộ, nhân viên từ Hội sở chi nhánh đến Phòng giao dịch NHCSXH ở tất cả 9 huyện miền núi biên giới cùng 9 huyện đồng bằng ven biển, chưa có ai tự bằng lòng hay tận hưởng niềm vui trọn vẹn bởi một lẽ sâu xa nơi quê hương yêu dấu vẫn còn 51 nghìn hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,18% tổng số hộ. Đây là những hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn, vừa mới thoát nghèo mà xứ Quảng chúng tôi ví như “bà con họ mạc thân thích” hoặc tựa hồ “có nhà liền kề, chung tường, sát vách” với hộ nghèo. Trên thực tế người nghèo được khá nhiều chương trình, dự án đầu tư nên tâm lý họ không muốn ra khỏi danh sách thoát nghèo; trong khi đó, hộ cận nghèo có mức thu nhập sát với hộ nghèo, chỉ hơn hộ nghèo đúng có 1.000 đồng, lại chẳng được hưởng lợi ích gì về chính sách hỗ trợ, ưu tiên, do vậy có rất ít cơ hội thoát nghèo bền vững và nguy cơ trở lại sống chung với hộ nghèo được coi là chuyện thường ngày ở nông thôn”.
Giám đốc Nguyễn Quang Dinh cho biết thêm, đúng vào thời điểm NHCSXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành nhiệm vụ trên chặng đường 10 năm đầu cuộc hành trình của tín dụng ưu đãi thì Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ cận nghèo ban hành đã được đông đảo nhân dân vui mừng đón nhận và cán bộ tín dụng chính sách trên địa bàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực triển khai chương trình mới nhằm giúp hộ cận nghèo trong toàn tỉnh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.
Trên chặng đường đi tiếp, do xác định đúng tầm quan trọng của Quyết định 15 và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng cấp trên, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp với Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thành phố, từ đó yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương triển khai nội dung chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo đến các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với việc tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền thông qua tại các Điểm giao dịch xã/phường và các cơ quan truyền thông đại chúng về Quyết định số 15, NHCSXH ở 18 huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với chính quyền xã, phường, rà soát hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để giải ngân. Đối với những hộ đang có dư nợ từ chương trình cho vay hộ nghèo nay đã thoát nghèo và những gia đình vay vốn tín dụng HSSV đến thời hạn trả nợ, NHCSXH tỉnh Quảng Nam tiến hành thu hồi nợ để sử dụng tạm thời nguồn vốn này chuyển qua chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định. Tính đến cuối tháng 8/2013, gần 20 tỷ đồng từ công tác thu hồi nợ của một chương trình tín dụng ưu đãi đã được chuyển cho vay hộ cận nghèo, góp phần nâng tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của NHCSXH tỉnh Quảng Nam đạt 75 tỷ đồng. Trong hơn 5 tháng cho vay hộ cận nghèo - một số huyện trên địa bàn Quảng Nam cũng có mức dư nợ cao như Quế Sơn là 13,4 tỷ đồng; Núi Thành và Bắc Trà My, mỗi nơi đều cho vay xấp xỉ 8 tỷ đồng, ở huyện Điện Bàn đã giải ngân được gần 10 tỷ đồng với 497 hộ. Còn 218 hộ cận nghèo tại 16 xã, thị trấn thuộc huyện trung du Tiên Phước cũng đã tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH thuận lợi, kịp thời, bằng mức vay cao nhất là 30 triệu đồng/hộ để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, heo nái. Hầu hết hộ cận nghèo vùng quê Tam Phước, huyện Phú Ninh - một trong 11 xã điểm đầu tiên của cả nước về xây dựng Nông thôn mới rất phấn khởi được nguồn vốn chính sách tiếp sức mạnh đã cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, hoàn trả lãi, nợ đúng kỳ hạn để tạo vốn quay vòng cho những hộ có nhu cầu vay vốn vào đợt sau. Đến nay, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành trước thời gian chỉ tiêu cho vay hộ cận nghèo năm 2013 và đang xúc tiến xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình tín dụng năm mới đối với hộ cận nghèo.
Như vậy, chủ trương chính sách mới của Nhà nước về cho vay ưu đãi hộ cận nghèo, nhiều hộ ở tỉnh Quảng Nam phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Ngay từ khi ra đời, chủ trương này đã không chỉ có riêng sự triển khai tích cực của NHCSXH từ tỉnh đến huyện, thành phố mà còn cuốn hút các cấp uỷ, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cùng tham gia chỉ đạo, thực hiện chương trình tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo. Ông Trần Quốc Hùng - Bí thư Đảng uỷ xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn cho biết: “Những năm qua nhờ sự hỗ trợ đầu tư của các chương trình, dự án, trong đó phải kể đến vai trò điểm tựa của NHCSXH, nhiều hộ nghèo ở xã thuần nông Điện Tiến đã thoát nghèo nhưng không bền vững. Vì vậy, khi gặp phải rủi ro về thiên tai dịch bệnh, mùa màng thất bát, nhiều hộ dân lại lâm vào cảnh cận nghèo, thậm chí lại tái nghèo nữa. Việc mở thêm chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ chính là cách thức giúp đỡ họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với thành tích, kinh nghiệm thu được trong 10 năm hoạt động của NHCSXH cùng với quyết tâm chiến thắng đói nghèo của tập thể lãnh đạo, nhân dân trong xã, tin chắc sẽ giúp đỡ các hộ cận nghèo tiếp cận vay vốn ưu đãi nhanh chóng và sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, ông Bí thư Đảng uỷ xã cũng cho rằng, mức cho vay 30 triệu đồng với hộ cận nghèo bằng mức cho vay đối với hộ nghèo là thấp. Mặt khác, trong thời điểm hiện nay, các Ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất cho vay, mà lãi suất cho hộ cận nghèo vay bằng 130% lãi suất cho hộ nghèo vay thì sẽ là cao. Đó chính là tâm tư của các hộ cận nghèo, là kiến nghị từ những làng quê nghèo gửi đến các cấp, các ngành có trách nhiệm xem xét điều chỉnh để cho chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước thật sự đi vào đời sống nhân dân và được thực hiện có kết quả. 

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác