Tỷ lệ hộ nghèo miền Trung - Tây Nguyên cao gấp 1,8 lần cả nước

13/09/2013
(VBSP News) Ngày 12/9, tại TP. Huế, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo thực hiện chính sách giảm nghèo khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
NHCSXH huyện Tiên Phước (Quảng Nam) giao dịch với hộ vay ở xã Tiên Cảnh

NHCSXH huyện Tiên Phước (Quảng Nam) giao dịch với hộ vay ở xã Tiên Cảnh
                                                                                                                                                                                       Ảnh: Ngọc Minh

Theo ông Ngô Trường Thi - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đặc điểm nghèo đói nổi bật nhất của các tỉnh trong khu vực có sự phân hóa: Do thiếu điều kiện sinh kế để tạo ra thu nhập; do tập quán chi tiêu không có thói quen tích trữ; chi phí lớn từ các hủ tục lạc hậu Hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 17,39% (gấp 1,81 lần so với bình quân của cả nước), khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng. Tại nhiều huyện và nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%.

Ông Ngô Trường Thi nhấn mạnh, hiện nay, trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có 42/92 huyện nghèo được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nhưng còn chồng chéo, manh mún, thiếu đồng bộ. Một số chính sách chưa xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, chưa phù hợp thực tiễn, hiệu quả còn thấp. Sự gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học, thu hút đầu tư còn hạn chế, nguồn lực thực hiện chính sách dàn trải, chưa đủ mạnh.

Để cải thiện điều kiện sống cho đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhiều đại biểu cho rằng, không nên thiết kế chính sách mang tính ngắn hạn gắn với chương trình, dự án. Thay vào đó là xây dựng các chính sách hỗ trợ theo đối tượng, với các mục tiêu cụ thể, phù hợp với đặc thù từng khu vực; chính sách cần tập trung hỗ trợ cho hộ gia đình, bảo đảm đủ mức để chuyển biến thật sự.

Có đại biểu nêu ý kiến, cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất đối với hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, hoặc đẩy mạnh tính chiến lược và lâu dài của chính sách đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Hữu Bắc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác