Vay vốn ưu đãi hộ cận nghèo: Người dân kiến nghị giảm lãi suất

29/08/2013
(VBSP News) Sau hơn 4 tháng thực hiện Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có hơn 26 nghìn hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi. Phấn khởi, nhưng hầu hết các hộ kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, giảm lãi suất ưu đãi...
Giải ngân vốn hộ cận nghèo tại Điểm giao dịch xã Tiên Cảnh

Giải ngân vốn hộ cận nghèo tại Điểm giao dịch xã Tiên Cảnh

Cũng như các chương trình tín dụng ưu đãi khác, chính sách cho vay vốn đối với hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện nhanh. Vốn ưu đãi bước đầu đã giúp chính quyền địa phương an tâm đối với công tác giảm nghèo bền vững; động viên hộ cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Không còn “bơ vơ”

Cuối năm 2012, gia đình ông Bùi Văn Quyên, dân tộc Mường, ở thôn 5, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My ra khỏi diện hộ nghèo. “Vợ chồng tôi đang lo không có tiền để trồng nốt mấy ha rừng thì tháng 6 vừa qua, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng vốn hộ cận nghèo”, ông Quyên cho hay. Vợ chồng chị Phạm Thị Quý, anh Huỳnh Thắng Lợi ở thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, gần như nhân đôi niềm vui khi tiếp cận được nguồn vốn vay hộ cận nghèo. Cuối tháng 6/2013, NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, vợ chồng chị mua 1 con bò đang có thai. Về với vợ chồng chị Quý mới hơn 1 tháng thì bò đẻ…

Bà Triệu Thị Chăm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Giang bộc bạch: “Khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo rất “chông chênh”, nhiều trường hợp chỉ hơn nhau vài bụi chuối mà một đằng được nhiều ưu đãi, một đằng chẳng có gì. Chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn khiến bà con phấn khởi lắm…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước, huyện Phú Ninh bày tỏ: “Cho hộ cận nghèo vay vốn không chỉ dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm bởi có thêm cơ sở cho việc giảm nghèo bền vững hơn”. Hầu hết những hộ có nhu cầu vay vốn cận nghèo đều kiến nghị Chính phủ bố trí thêm vốn để cho vay ở mức tối đa.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 5, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, cho biết: “Tôi được vay 15 triệu đồng, nhưng phải mượn thêm 5 triệu đồng nữa mới mua được con bò. Thời buổi nuôi heo, nuôi gà lỗ triền miên, người ta quay ra nuôi bò cho chắc ăn nên giá bò giống cũng tăng”.

Cần giảm lãi suất

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương ở Quảng Nam cho rằng, kiến nghị của hộ cận nghèo là chính đáng và Chính phủ cần sớm xem xét, giải quyết.

Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho biết: “Nhu cầu vay hộ cận nghèo rất lớn. Bên cạnh việc giải ngân vốn theo kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi đã chủ động xin ý kiến và được Trung ương đồng ý điều chuyển 20 tỷ đồng vốn tới hạn thu hồi từ Chương trình cho vay HSSV trên địa bàn sang cho vay hộ cận nghèo”.

Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Thanh là người có thâm niên làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 5 Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn gần 10 năm nay, cho biết: “Từ trước tới nay, khi triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, bà con ai cũng ưng mức lãi suất. Chỉ có chương trình cho vay hộ cận nghèo là bà con kêu mức lãi suất cao”.

Bà Triệu Thị Chăm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trà Giang lý giải: “Bà con so bì, hộ nghèo vay thì lãi suất 0,65%/tháng còn hộ cận nghèo tới 0,845%, trong khi nhiều trường hợp sự khác nhau giữa 2 đối tượng là rất khó phân biệt”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang, chính vì lãi suất khá cao nên mặc dù có nhu cầu nhưng nhiều hộ vẫn chưa vay. “Ở đây, 95% đồng bào làm nông - lâm nghiệp nên phải cân nhắc khả năng trả lãi. Ở Trà Giang mới chỉ có 5 hộ tiếp cận được nguồn vốn vay hộ cận nghèo với tổng tiền là 90 triệu đồng”, ông Bích cho biết.

Phương Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác