Tín dụng hộ cận nghèo “cứu” người dân bãi ngang

20/08/2013
(VBSP News) Nghi Xuân là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Tĩnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,97%, hộ cận nghèo là 16,76%. Chính vì vậy, khi tiếp nhận Chương trình vay vốn hộ cận nghèo của Chính phủ, cả chính quyền và người dân địa phương đều "thở phào nhẹ nhõm" bởi giờ đây đã có lối ra cho việc thoát nghèo bền vững, đồng thời cũng là điểm tựa để làm giàu chính đáng.
Tín dụng hộ cận nghèo giúp người dân có điều kiện cải tiến ngư cụ

Tín dụng hộ cận nghèo giúp người dân có điều kiện cải tiến ngư cụ

Không còn lo “đứt” bữa

Mặc dù nằm trải dài men theo bờ biển và chân núi Hồng Lĩnh, nhưng bà con huyện Nghi Xuân vẫn khó có thể làm giàu vì biển mặn mòi, không nhiều tôm, cá, rừng nghèo và khí hậu khắc nghiệt. Chưa kể vùng đất duyên hải miền Trung chỉ giàu nắng và gió này còn thiếu phù sa màu mỡ nên việc phát triển nông nghiệp cũng hết sức khó khăn. Vì vậy, khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bà con đã chuyển hướng sang nuôi bò cày kéo và vỗ béo.

Chị Phan Thị Xuân ở tổ 10, thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ tâm sự, trước đây gia đình làm ăn tương đối tốt, tuy không khấm khá nhưng cuộc sống cũng ổn định. Thế nhưng cách đây hơn một năm, phát hiện chồng bị ung thư, chị phải bán 2 con bò để chạy chữa. Song, số phận vẫn không mỉm cười với căn nhà bé nhỏ của chị. Sau một thời gian dốc hết tiền chữa trị, chồng chị vẫn không qua khỏi, gia đình lại sa vào cảnh túng quẫn. Vào lúc kế sinh nhai hàng ngày chưa có 1ối thoát thì Nhà nước cho vay vốn đối với hộ cận nghèo. Không riêng chị mà hàng trăm hộ gia đình khó khăn khác trong xã đã thực sự tìm thấy niềm hy vọng. Tháng 6/2013, khi NHCSXH huyện Nghi Xuân bắt đầu cho hộ cận nghèo vay vốn, được ưu tiên vay 30 triệu đồng và đầu tư mua 2 con bò, ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị Xuân còn trồng thêm các loại cây công nghiệp ngắn ngày, vì vậy, đàn bò có thêm nguồn thức ăn phong phú. Hiện, gia đình chị đã trả hết nợ và còn tham gia gửi tiền tiết kiệm (mỗi tháng 30 nghìn đồng) qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Có thể nói, trường hợp của chị Xuân khá điển hình trong phát triển kinh tế bởi phần lớn người dân ở đây đều tận dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế biển, một trong những nghề truyền thống, phù hợp với điều kiện ít ruộng đất ở địa phương. Ông Nguyễn Nhớ ở thôn Yên Ngư, xã Yên Mỹ là một trong những hộ đầu tiên được vay vốn hộ nghèo từ năm 2007, lúc đầu nguồn vốn vay chỉ được 5 triệu đồng, đủ mua sắm thuyền thủ công, chài lưới ven bờ. Nếu biển động kéo dài 1 tuần thì đời sống rất khó khăn và “đứt” bữa là chuyện thường tình. Song, nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, thu nhập gia đình ông Nhớ ngày càng tăng. Cuối năm 2012, gia đình ông đã thoát nghèo. Rất may, tháng 6/2013, ông tiếp tục được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo để đầu tư thuyền lưới rê (thuyền máy) đánh cá trích trên bãi ngang. Có thuyền chắc chắn, hai bố con ông ra khơi từ 19 giờ và trở về lúc 2 đến 3 giờ sáng, ngày nhiều được 1 đến 1,5 tạ, ngày ít cũng được vài cân. “Tuy vất vả nhưng cũng khấm khá hơn ngày chạy thuyền mộc rất nhiều”, ông Nhớ vui vẻ nói. Vì vậy, để thoát nghèo bền vững, gia đình ông vẫn rất cần nguồn vốn lớn hơn mới có thể sắm thuyền lớn ra khơi xa, đánh bắt các loại hải sản có giá trị như: ngao, sứa, mực, ghẹ… có thêm nguồn thu từ biển thì cuộc sống mới ổn định được.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân cho biết, hội có 325 hộ cận nghèo, tổng dư nợ là 701 triệu đồng. Chủ yếu các hộ dùng nguồn vốn này để mua sắm ngư cụ, tập trung cho việc đánh bắt cá và khai thác hải sản vùng bãi ngang. Qua hai tháng triển khai cho vay, bà con rất phấn khởi, bởi nguồn vốn ưu đãi không những giúp họ qua cơn “giáp hạt” mùa biển động mà còn là điểm tựa vững chãi để thoát nghèo, vượt khó làm giàu từ biển bạc.

Khai thác hiệu quả nguồn vốn

Tính đến ngày cuối tháng 7/2013, tổng dư nợ cho vay hộ cận nghèo của huyện Nghi Xuân đạt trên 13,7 tỷ đồng, trong đó có 4,1 tỷ đồng được điều chỉnh từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo thu hồi quay vòng sang. Đây chính là kết quả từ sự chỉ đạo kịp thời của huyện Nghi Xuân và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; sự nhanh nhạy của chính quyền các xã, thị trấn, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc tuyên truyền kịp thời đến bà con vay vốn hộ nghèo trước đây, nay thoát nghèo, đến hạn trả nợ, hoặc sắp đến hạn trả nợ, thu xếp trả cả gốc lẫn lãi để NHCSXH có thêm nguồn vốn tiếp tục cho vay hộ cận nghèo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quang Trung - Giám đốc NHCSXH huyện Nghi Xuân cho biết: “Chương trình cho vay vốn hộ cận nghèo của Thủ tướng Chính phủ ra đời rất đúng lúc, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế, bà con vừa thoát nghèo rất dễ tái nghèo. Vì vậy, nguồn vốn này thực sự là niềm vui, nguồn sống của những hộ cận nghèo. Hiện, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, chúng tôi đang thiếu nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo. Trong khi chờ nguồn vốn của Nhà nước, NHCSXH huyện tiếp tục làm tốt công tác thu hồi vốn cho vay hộ nghèo nay đã thoát nghèo, động viên họ trả nợ trước hạn, để tiếp tục cho vay theo nguồn hộ cận nghèo, giải quyết phần nào khó khăn trước mắt”.

Được biết, từ nay đến cuối năm 2013, ngoài những dự định như đã nói ở trên, NHCSXH huyện Nghi Xuân sẽ tiếp tục củng cố chất lượng hoạt động ủy thác, các Điểm giao dịch xã. Củng cố tổ chức, Tổ tiết kiệm và vay vốn theo chỉ đạo của Giám đốc NHCSXH tỉnh. Thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch tài chính năm 2013. Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch NHCSXH tỉnh giao năm 2013. Dự kiến năm 2014, tiếp tục mở rộng quy mô tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách; vốn đầu tư phải đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định. Gắn hoạt động tín dụng chính sách với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xoá nghèo của địa phương; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn hiệu quả. Dự kiến, cho vay hộ nghèo năm 2014 đạt trên 2,6 tỷ đồng và hộ cận nghèo 19,08 tỷ đồng.

Bài và ảnh Dương Thu Hiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác