Phát huy hiệu quả công tác an sinh xã hội

09/08/2013
(VBSP News) Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, thời gian qua NHCSXH đã tăng cường nguồn vốn, tập trung cho vay các chương trình tín dụng chính sách ở 62 huyện nghèo. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tại các huyện nghèo hàng năm đều lớn hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước.
Nhờ nguồn vốn của NHCSXH nhiều hộ nghèo xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) được vay vốn ưu đãi làm nghề phụ, cho thu nhập ổn định

Nhờ nguồn vốn của NHCSXH nhiều hộ nghèo xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) được vay vốn ưu đãi làm nghề phụ, cho thu nhập ổn định

Thắm đẫm nghĩa tình
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho biết: Trong giai đoạn 2009 - 2012, NHCSXH đã cho vay các chương trình tín dụng chính sách ở 62 huyện nghèo gần 11.600 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2013 là 1.196 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đến 30/6/2013 tại 62 huyện nghèo đạt 9.200 tỷ đồng với trên 470 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó có hai chương trình tín dụng được thực hiện tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Thứ nhất, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại các huyện 30a với mức cho vay tối đa là 5 triệu đồng/hộ, thời hạn vay ưu đãi lãi suất tối đa là hai năm với mức lãi suất 0% để hỗ trợ cho hộ nghèo có vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề.

Thứ hai, chương trình cho vay đi xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và dân tộc thiểu số lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo. Mức cho vay áp dụng cho từng thị trường theo qui định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đến 30/6/2013, doanh số cho vay theo chương trình xuất khẩu lao động đạt 172 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 84 tỷ đồng và dư nợ đạt 88 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, trong 5 năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Với phương châm: Mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ, ưu tiên cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mở rộng địa bàn đến vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí trọng điểm về an ninh quốc phòng, đa dạng hóa hình thức và nội dung tài trợ, tài trợ trực tiếp đến đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy tối đa hiệu quả của công tác an sinh xã hội.

Hưởng ứng, tham gia các chương trình, phong trào thực hiện chính sách an sinh xã hội, từ năm 2008 - 2012, cán bộ, công nhân viên trong hệ thống NHCSXH đã ủng hộ người nghèo, xã nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, khắc phục hậu quả thiên tai… với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt Công đoàn NHCSXH đã vận động đoàn viên ủng hộ tiền lương để thực hiện chương trình “Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ” tại các tỉnh trong cả nước. Công tác an sinh xã hội tại các đơn vị luôn được chú trọng, 100% các chi nhánh trong toàn hệ thống NHCSXH ký thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo đó người lao động được bảo đảm về việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân của người lao động trong những năm qua đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình, phong trào thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với cộng đồng, đoàn viên Công đoàn NHCSXH còn quan tâm giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong học tập, công việc và đời sống, đặc biệt khi gặp khó khăn, hoạn nạn; hỗ trợ đoàn viên Công đoàn bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn; xây dựng “Mái ấm Công đoàn”… với số tiền hàng tỷ đồng.

Đồng hành cùng vùng khó

Trong công tác thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân ở các huyện nghèo, trong 4 năm qua NHCSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, trong đó có chương trình cho vay hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay HSSV và cho vay giải quyết việc làm với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH, cùng với việc tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các huyện nghèo, NHCSXH đã tăng cường đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc cho NHCSXH tại các huyện nghèo, thông qua chính sách khuyến khích về tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ đến công tác tại các NHCSXH huyện nghèo.

Trong 4 năm gần đây, NHCSXH đã tăng cường 175 cán bộ, thực hiện luân chuyển, điều động 9 cán bộ về làm cán bộ lãnh đạo NHCSXH huyện, mở 37 lớp với 1.650 lượt cán bộ, viên chức được đào tạo, đào tạo lại. Áp dụng một số chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức làm việc tại 62 huyện nghèo, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức 5.750 buổi học với 61.850 lượt học viên là cán bộ hội cấp xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ chuyên trách của Ban giảm nghèo xã tham gia. Đầu tư xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình trụ sở làm việc NHCSXH tại các huyện nghèo có trụ sở làm việc khang trang, đảm bảo an toàn trong hoạt động… Nhờ có nguồn kinh phí của NHCSXH giúp đỡ mà con em nhân dân các dân tộc xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), Bản Già, huyện Bắc Hà (Lào Cai), Mường Nhé (Điện Biên)… đã được ngồi học trong những lớp học khang trang.

Thông qua sự đồng hành cùng vùng khó, thực hiện an sinh xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng đã góp phần đáng kể, thiết thực giúp một bộ phận dân cư, cộng đồng trong 62 huyện nghèo của cả nước cải thiện được nơi ăn ở, sinh hoạt, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm. Cũng nhờ đó mà người dân ở các huyện nghèo đã nâng cao nhận thức, kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất; cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh và giáo viên ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang còn nhiều khó khăn, góp phần nhanh thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết 30a của Chính phủ đã đề ra.

Viết Tôn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác