10 năm thực hiện ủy thác: “SÁT CÁNH CÙNG THANH NIÊN VƯỢT KHÓ”
Báo cáo tổng kết do Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên nông thôn thuộc TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hà Văn Chung trình bày tại Hội nghị đã nêu bật những kết quả 10 năm (2003 - 2012) Đoàn TN tham gia hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, trên cơ sở Nghị định 78/2002/NĐ-CP; Văn bản liên tịch số 283/CTLT ngày 4/10/2003, Đoàn TN đã tổ chức thực hiện tốt những nội dung công việc nhận ủy thác; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các công đoạn ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng đi vào nề nếp…
5 được qua hoạt động ủy thác
Trong 10 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Đoàn TN liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Nếu như cuối năm 2003, dư nợ chỉ có vỏn vẹn gần 63 tỷ đồng với duy nhất 1 chương trình tín dụng thì đến cuối năm 2012 dư nợ đã đạt hơn 11.000 tỷ đồng với 18 chương trình, chiếm 10% tổng dư nợ NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Và tính đến hết tháng 6/2013 dư nợ vốn ủy thác qua Đoàn TN đạt gần 11.813 tỷ đồng với hơn 732.000 hộ vay. Đoàn TN các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành sắp xếp, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện, tổ chức Đoàn đang quản lý 22.472 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư. Quy mô Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên hợp lý hơn. Nếu như năm 2003, bình quân 1 Tổ tiết kiệm và vay vốn mới chỉ có 18 thành viên, số dư nợ khoảng 3 triệu đồng/thành viên, thì nay quy mô bình quân 1 tổ đã là 32 thành viên, dư nợ bình quân đạt trên 15 triệu đồng/hộ… Tổ chức Đoàn đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả… Trong những năm đầu thực hiện ủy thác cho vay vốn, tổ chức Đoàn đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng được 46 mô hình điểm tại 46 huyện với dư nợ 132 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, sản xuất đa canh, các mô hình khá hiệu quả và có tác động đến phát triển kinh tế địa phương…
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên nông thôn khẳng định: “Việc thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã giúp Đoàn có 5 cái được: Phong trào sản xuất, kinh doanh trong thanh niên được phát triển; Vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn được củng cố và nâng cao; Cán bộ Đoàn được trang bị thêm kiến thức quản lý kinh tế; Có nhiều mô hình tốt, nhiều thanh niên làm ăn có hiệu quả góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội; Có được thêm kinh phí phục vụ cho các họat động của Đoàn”.
Cùng vượt khó với hội viên
So với 3 tổ chức chính trị - xã hội là Hội PN, Hội ND và Hội CCB, khối lượng tín dụng vốn ủy thác của Đoàn TN vẫn còn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn; hoạt động ủy thác chưa đồng đều; tại nhiều địa phương sự vào cuộc của tổ chức Đoàn đối với hoạt động ủy thác vốn ưu đãi chậm hơn so với các tổ chức chính trị - xã hội khác… Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều kinh nghiệm hay trong đó đáng ghi nhận là nỗ lực công tác của tổ chức Đoàn trong việc cùng đồng hành cùng với thanh niên vượt khó, giảm nghèo. Chị Nguyễn Lương Hồng - Phó bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An chia sẻ: “Tỉnh đoàn Nghệ An có 4 kinh nghiệm tức là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức Đoàn rút trong việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tổ chức triển khai nhanh; coi trọng bình bầu nhất là vị trí Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; đổi mới phương pháp, nội dung tập huấn trong đó chú trọng tới giảng viên…”. Hiện nay, tổ chức Đoàn ở Nghệ An đang quản lý 785 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ đạt hơn 524 tỷ đồng. Anh Lý Văn Thành - Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh nêu kinh nghiệm: “Đoàn tiến hành khảo sát, nắm bắt thực tế rồi mới tiến hành thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cũng có nơi, Đoàn tham gia vào các Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội khác. Khi quy mô tổ lớn thì tách thành lập tổ mới do Đoàn quản lý. Số lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn TN tăng cũng do tiếp nhận thêm từ các tổ chức chính trị - xã hội khác. Kinh nghiệm quản lý của tổ chức Đoàn tỉnh Quảng Ninh là kết hợp vay vốn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên; tập trung quyết liệt giải quyết nợ xấu, giảm nợ quá hạn…”.
Nhằm nâng cao nhận thực, kiến thức, kỹ năng thực hiện các công đoạn, nội dung ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tại nhiều địa phương, tổ chức Đoàn đã coi trọng công tác tập huấn. Đoàn TN tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với chi nhánh NHCSXH tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng ủy thác cho 144 cán bộ Đoàn là Phó bí thư huyện Đoàn, Bí thư, Phó bí thư Đoàn xã. “Từ khi được tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho vay ủy thác không chỉ dư nợ các chương trình tín dụng thông qua tổ chức Đoàn tăng lên mà còn cải thiện được chất lượng tín dụng, nợ quá hạn giảm…”, anh Đỗ Thành Nam - Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị tỉnh Đoàn Phú Thọ cho hay.
Về ý nghĩa của nguồn vốn vay ưu đãi đối với thanh niên, chị Trần Hương Thảo - Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn TƯ Đoàn khẳng định: “Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là thanh niên có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều tấm gương thanh niên đạt giải thưởng Lương Đình Của ban đầu được sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi thông qua tổ chức Đoàn…”.
Tăng vốn gắn với nâng cao chất lượng tín dụng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải đánh giá cao công tác phối hợp của TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc tham gia thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội khác, nỗ lực của tổ chức Đoàn các cấp trong 10 năm qua đã góp phần chuyển tải 118.000 tỷ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ tới hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong đó có 7 triệu hộ khách hàng còn dư nợ; giúp cho hơn 2 triệu hộ thoát nghèo, 3 triệu HSSV được vay vốn đi học; 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường… Tổ chức Đoàn đã phát huy được sức trẻ, nhiệt tình của thanh niên thể hiện qua việc nâng cao năng lực trong bộ máy Ban quản trị; bám sát thực tiễn để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền giúp chính sách, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH gần với cuộc sống, thiết thực với người dân. Phó Tổng giám đốc NHCSXH đề nghị, trong thời gian tới tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục phát huy thế mạnh của hệ thống tổ chức trong việc tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi trong đó quyền lợi của tổ chức, hội viên phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ; tăng cường lồng ghép việc giải ngân vốn ưu đãi với các họat động đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất đến với thanh niên, hội viên; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, điển hình tiên tiến; kiện toàn, củng cố tổ chức, nhất là hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tăng trưởng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi…
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, trong thời gian tới, đề nghị các Tỉnh, thành Đoàn cần xác định việc phối hợp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với NHCSXH là sự gắn bó mật thiết và cần được tập trung vào cho vay hộ nghèo, đồng bào nghèo thiểu số, HSSV, hộ cận nghèo…
Về mục tiêu của Đoàn TN, theo đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng chỉ đạo, trong thời gian tới tổ chức Đoàn các cấp cần chú trọng thực hiện 2 nhóm mục tiêu là không có Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém và phấn đấu nợ đưa nợ quá hạn xuống dưới 1% tổng dư nợ. Để thực hiện được mục tiêu này, đồng chí cũng nhấn mạnh: trong báo cáo đã nêu 7 nhiệm vụ giải pháp, tuy nhiên thời gian tới Đoàn TN các cấp cần tập trung 5 nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Tăng cường hơn nữa số lượng cán bộ Đoàn tham gia, đảm bảo ít nhất có 1 cán bộ chuyên trách và thực hiện tốt các nội dung đã ký kết với NHCSXH. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền tín dụng ưu đãi của Nhà nước tới cán bộ, đoàn viên thanh niên, như thông qua các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa… và giao cho Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn làm tốt công tác tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn có một số mô hình tuyên truyền hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ Đoàn cấp huyện, nhất là Bí thư Đoàn TN cấp xã và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cấp xã. Ít nhất 1 năm tổ chức tập huấn được 1 lần cho đội ngũ cán bộ nguồn để triển khai đến các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; có những mô hình, hình thức phát triển kinh tế hiệu quả để giúp thanh niên được vay vốn phát triển, ưu tiên đối tượng thanh niên nông thôn. Đồng thời, từ Trung ương đến cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra định kỳ để qua đó kịp thời phát hiện uốn nắn góp phần thực hiện tốt chương trình phối hợp và mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên…
Tại Hội nghị, Ban tổ chức cũng đã công bố Quyết định tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngân hàng; Bằng khen của Thống đốc NHNN; Quyết định vinh danh của NHCSXH cho các tập thể, cá nhân thuộc TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Bài và ảnh Công Xuân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN
- » Tăng mức cho vay đối với HSSV lên 1.100.000 đồng/tháng
- » Bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN Việt Nam
- » Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bố trí vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
- » Sức bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Nga Thái
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013
- » Cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Cách làm thiết thực giảm hộ nghèo, tăng hộ khá
- » 10 NĂM HỘI CCB VIỆT NAM THỰC HIỆN ỦY THÁC CHO VAY VỐN ƯU ĐÃI: Cựu chiến binh vững tin trên "mặt trận" giảm nghèo
- » 55 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo