Cách làm thiết thực giảm hộ nghèo, tăng hộ khá

12/07/2013
(VBSP News) Quận 5 vừa trở thành quận thứ hai của TP. Hồ Chí Minh hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo giai đoạn 3, không còn hộ nghèo có thu nhập từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống. Ðể đạt được mục tiêu về trước thời hạn hai năm, quận 5 đã có nhiều cách làm hay.
Chị Ðiền Thị Của (phường 5, quận 5) nhờ được vay vốn mua dụng cụ sửa xe trên đường Bùi Hữu Nghĩa đã thoát nghèo

Chị Ðiền Thị Của (phường 5, quận 5) nhờ được vay vốn mua dụng cụ sửa xe trên đường Bùi Hữu Nghĩa
đã thoát nghèo

Lộ trình phù hợp nội lực

Bà Lou Hàn Cánh - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 5 nhớ lại: Năm 2008, quận đã khảo sát và đưa vào chương trình 1.659 hộ nghèo (chiếm 4% tổng số hộ dân) với 7.533 nhân khẩu có mức thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống. Chúng tôi xác định phải chia thành nhiều giai đoạn để xóa nghèo cho từng nhóm đối tượng hộ nghèo vì không phải ai cũng có hoàn cảnh giống nhau. Quận đã chỉ đạo 15 phường khảo sát, phân loại nắm chắc mức sống, điều kiện sống, lao động việc làm của hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức họp giao ban giữa quận và 15 phường nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để có hướng chỉ đạo phù hợp.

Theo bà Cánh, dựa vào nội lực có sẵn là các nguồn quỹ, quận giải ngân cho rất nhiều dự án vay vốn làm ăn có tính khả thi cao. Tuy rất lo về kết quả trả nợ nhưng với suy nghĩ “nếu không cho vay, lấy gì để họ thoát nghèo”, cho nên chỉ trong hai năm đã có 1.766 lượt hộ được vay với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng từ quỹ xóa nghèo và phần lớn làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, nội lực cũng có hạn, lãnh đạo Quận ủy và UBND quận quyết định tiết kiệm ngân sách để làm vốn cho một số hộ (chưa đủ điều kiện đi vay) vay tín chấp. Chỉ trong năm 2012 và sáu tháng đầu năm 2013, số tiền mà quận tiết kiệm cho người nghèo vay lên đến 300 triệu đồng. Nhờ tuyên truyền, các phường “bắt chước” cấp trên, huy động nhiều nguồn vốn trong dân cho nhiều lượt hộ vay thêm, phong trào cứ thế ùn ùn đi lên. Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường 8 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết: Phong trào tiết kiệm chi để cho bà con nghèo vay lan tỏa lớn lắm. Năm 2009, số tiền cho vay ở phường trung bình là 10,21 triệu đồng/lượt hộ và đến năm 2013 là 12,25 triệu đồng/lượt hộ vay.

Phó Chủ tịch UBND quận 5 Trương Canh Ba kể: Ngoài Quỹ xóa nghèo là chủ lực, chúng tôi tận dụng tất cả các loại quỹ, giải ngân ngay cho tất cả các trường hợp cần giải ngân. Nhất là các dự án tạo nhiều việc làm hoặc các trường hợp vay để học hành phấn đấu vượt lên nghịch cảnh… vì chỉ có tạo thêm việc làm, bổ sung kiến thức văn hóa thì các hộ gia đình mới thoát nghèo bền vững. Cụ thể, theo ông Trương Canh Ba, Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi đã giải ngân cho 190 hộ vay với số tiền 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 350 lao động; Quỹ cho hộ nghèo vay của NHCSXH (Quỹ 316) đã giải ngân cho 636 hộ nghèo với số tiền hơn 13,708 tỷ đồng; Quỹ cho vay học sinh, sinh viên đã giải ngân cho 853 trường hợp, với số tiền hơn 5,632 tỷ đồng…

Những người nghèo hạnh phúc

Năm 2008, ông Lai Kiến Xuân (417/9 An Dương Vương, phường 3, quận 5) được vay 10 triệu đồng từ Quỹ xóa nghèo. Do gia đình có 9 nhân khẩu, ông Xuân bàn với vợ con dùng số tiền vay mở quán cơm tấm bình dân. Cứ thế mỗi người mỗi việc từ bán buôn, giao nhận thịt chả, rửa chén, xắt ớt, nướng thịt…, đến năm 2012, quán cơm bé nhỏ ngày nào đã phát triển vượt bậc. Gia đình ông Xuân thoát nghèo và nâng mức thu nhập lên 75,3 triệu đồng/người/năm. Ðồng thời, ông mở rộng kinh doanh và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động khác trong phường. Lần hồi, từ bỏ ngôi nhà thuê, ông Xuân mua được căn nhà riêng để an cư.

Cũng nghèo như ông Xuân, nhưng anh Lê Kha (380/2, lầu 1 Trần Phú, phường 7, quận 5) còn là thương binh hạng 4/4. Thấy gia cảnh anh khó khăn và các con lại chăm học, UBND phường đã tạo điều kiện cho các con anh nhận học bổng, riêng anh còn được giới thiệu việc làm thêm phù hợp sức khỏe. Khi đứa con lớn của anh ra trường, địa phương đã bàn với Trường mầm non Sơn Ca nhận cháu vào làm việc. Giờ thì gia đình anh đã có hai nguồn thu nhập ổn định, tuy không giàu có nhưng đã thoát nghèo. Anh cho rằng mình là người hạnh phúc. Các năm qua, anh Kha đã vận động, đề xuất chăm lo học bổng cho 100% số học sinh, sinh viên nghèo của địa phương. Anh bảo, hạnh phúc của anh cần được sẻ chia cho nhiều người!

Còn bà Dương Thị Thái (980/1/5 Võ Văn Kiệt, phường 6, quận 5) đã tham gia tổ tự quản giảm nghèo của phường từ khi tổ thành lập. Nhờ có tổ tự quản nắm bắt hoàn cảnh của bà và đề xuất, bà Thái đã được vay nguồn vốn xóa nghèo của NHCSXH để buôn bán sữa đậu nành. Trả hết nợ cũ, lại được vay nợ mới, bà Thái cặm cụi buôn bán tảo tần, dành từng đồng vốn chăm chút cho con thi vào đại học. “Giờ thì cháu đã có việc làm thêm phụ tôi, gia cảnh hai mẹ con đã hết nghèo, lại thêm việc bán sữa ngày càng thuận lợi, cảm ơn chính quyền chăm lo người nghèo như tôi”, bà Thái xúc động.

“Nối mạng” giúp đỡ hộ nghèo

Quận 5 có 57 tổ tự quản giảm nghèo tại 15 phường với 1.675 thành viên. Các tổ tự quản đều được tập huấn hàng năm, duy trì tốt chế độ sinh hoạt định kỳ mỗi quý. Thông qua sinh hoạt của các tổ tự quản giảm nghèo, đã góp phần quản lý được hộ nghèo (100% số hộ nghèo tham gia sinh hoạt tổ), nắm bắt hoàn cảnh và đề xuất chăm lo giúp hộ nghèo tham gia hoạt động cộng đồng, thể hiện tình làng nghĩa xóm giúp nhau, người có kinh nghiệm sản xuất hỗ trợ giúp đỡ người khó về phương cách làm ăn để vươn lên cùng vượt nghèo. Ðồng thời, kịp thời thông tin tình hình biến động liên quan về công tác giảm nghèo để có biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, giúp đỡ, củng cố nhằm bảo đảm cho hoạt động của tổ tự quản được liên tục và hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch UBND quận 5 Trương Canh Ba cho biết: Thực hiện chương trình ứng dụng phần mềm tin học trong quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo do thành phố triển khai, quận và 15 phường đã sử dụng phần mềm trong quản lý hộ, thường xuyên cập nhật và thực hiện các chính sách hỗ trợ chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương. Qua đó, chúng tôi thống kê có 49 lao động nghèo có nhu cầu tìm việc, 26 lao động có nhu cầu học nghề. Vì thế, chúng tôi liên hệ Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương để đào tạo nghề phổ thông cho họ, song song đó chỉ đạo các phường trích quỹ đóng học phí cho họ hơn 125 triệu đồng. Ðây là giải pháp phù hợp với tình hình lao động nghèo trên địa bàn quận và mang lại hiệu quả trong việc đa dạng hóa các ngành nghề, giúp các hộ nghèo có thêm cơ hội học nghề và tìm việc làm dễ dàng hơn.

Theo bà Lou Hàn Cánh, ngoài nỗ lực của quận, các phường cũng chủ động liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu việc làm cho 443 lao động nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, với các hộ có người bệnh, mất sức lao động, có con còn nhỏ đang đi học, thiếu lao động…, quận đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc tập trung chăm lo cho các hộ này thông qua các hình thức như: vận động các nhà hảo tâm trợ cấp thường xuyên hằng tháng hoặc đỡ đầu suốt đời; tặng quà các dịp lễ, Tết; trợ cấp đột xuất lúc ốm đau, khó khăn… Tổng kinh phí chăm lo từ đầu kỳ đến nay là 4,142 tỷ đồng. Trong ba năm (2011 - 2013), quận đã vận động bảo hộ trực tiếp cho 119 lượt hộ nghèo đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ một triệu đồng/hộ/tháng, tặng 376 thẻ bảo hiểm y tế, 1.150 phần quà với tổng kinh phí hơn hai tỷ đồng. Ngoài ra, còn vận động các tôn giáo bảo hộ cho 343 lượt hộ nghèo, cận nghèo khó khăn với tổng số tiền hơn hai tỷ đồng.

Minh Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác