Trò nghèo thoát cảnh “đứt gánh giữa đường”

10/07/2013
(VBSP News) Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã tiếp sức cho hơn 22 nghìn học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh, sinh viên thoát cảnh “đứt gánh giữa đường”.
Nhiều nông dân ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được vay vốn giải quyết việc làm

Nhiều nông dân ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được vay vốn giải quyết việc làm

Thanh toán qua thẻ ATM

Hòa Bình có 10 huyện và 1 thành phố, địa bàn rộng, có những xã cách trung tâm thành phố, huyện cả trăm km, nên việc giao dịch gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục, một mặt NHCSXH tỉnh, huyện động viên, điều động cán bộ trẻ phụ trách các xã; mặt khác, phối hợp với các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Công Thương làm thẻ ATM cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thanh toán, chuyển tiền qua tài khoản thẻ ATM, hạn chế thanh toán tiền mặt, nhằm tiết kiệm chi phí, công sức đi lại của các tổ viên. Nhờ cách làm này mà công tác giải ngân, cũng như thu lãi đúng thời gian, tiến độ.

Để nắm bắt nhu cầu của người dân, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân… lên danh sách các đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, đồng thời hướng dẫn họ làm thủ tục. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát, giám sát nên chưa xảy ra tình trạng cho vay sai đối tượng.

Ông Nguyễn Phúc Vị - Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho biết, ngân hàng chủ yếu cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm và cho vay vốn đối tượng học sinh, sinh viên với tổng số gần 100 tỷ đồng. “Hiện ở Kỳ Sơn rất nhiều gia đình có 2 - 4 học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi. Nếu không có chương trình này họ khó có thể nuôi con ăn học tới nơi, tới chốn” - ông Vị tâm sự.

Không để trò nghèo bỏ học

“Quan điểm của ngân hàng là không để học sinh, sinh viên nghèo phải bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí” - ông Vũ Đình Đoài.

Ông Vũ Đình Đoài - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay, đã có hơn 22 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập. Cũng theo ông Đoài, quan điểm của ngân hàng là không để học sinh, sinh viên nghèo phải bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí. Gia đình bà Nguyễn Thị Đón, thôn Giếng thuộc diện nghèo, nhưng cả hai con của bà đều học rất giỏi. Thương con, hai vợ chồng cố gắng vay mượn cho con ăn học. Đứa lớn học hết đại học năm thứ nhất thì đứa thứ hai vào đại học. “Nuôi một con đi học đại học đã là quá sức với gia đình tôi. Tôi đang tính cho cháu bảo lưu kết quả, thì được NHCSXH cho vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Nhờ đó, không cháu nào phải nghỉ học. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay vốn giải quyết việc làm” - bà Đón cho hay.

Chị Đinh Thị Thao ở xóm Thông, xã Hợp Thịnh cũng được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên cho 2 con đi học, vừa qua chị được vay thêm vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chị phấn khởi: “Nói thật, trước đây gia đình tôi không dám nghĩ sẽ nuôi được hai con học đại học. Cái giếng, bể nước sạch là xa xỉ đối với gia đình tôi. Bây giờ đã có nước sạch dùng, các cháu chỉ còn hơn 1 năm nữa là ra trường, chắc cũng nhanh trả hết nợ thôi”…

Việt Tùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác