Niềm vui nhỏ ở huyện nghèo
Bên những công trình mới
Khi chúng tôi đến hộ gia đình chị Chẩu Thị Huyến và anh Nguyễn Văn Tấn ở thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm, anh Tấn và con trai đang vui vẻ trát những ô tường cuối cùng cho công trình vệ sinh mới xây. Năm trước, gia đình anh chị đã vay chương trình hộ nghèo đầu tư nuôi trâu, bò, lợn, việc chăn nuôi suôn sẻ mới đủ tiền nuôi 2 con đi học và trả lãi, tích lũy một ít để dành. Năm nay, anh chị quyết định vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây công trình nước sạch, vệ sinh này. “Tính ra, cả công trình này tốn tới 20 triệu đồng, không phải là ít đối với một hộ gia đình nghèo vùng cao như nhà chúng tôi. Nhưng Nhà nước cho vay tiền, với gia đình cũng tích cóp được một chút xây công trình nước sạch, vệ sinh để đảm báo sức khỏe cả nhà” - anh Tấn tâm sự.
Chị Nông Thị Khuyên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Liềm, nơi chị Huyến là tổ viên - kể với chúng tôi: hộ chị Huyến, anh Tấn là hộ gia đình chăm chỉ, chịu khó. Dù ở vùng núi điều kiện khó khăn lại nuôi nhiều con đi học, nhưng đến nay anh chị đã dần dần ổn định được kinh tế gia đình, ngoài bãi có trâu, trong chuồng có lợn, khó khăn đã vơi đi rất nhiều. “Gia đình cũng đang định tích lũy đầu tư xây sửa lại chuồng lợn, chuồng trâu, vì của cải lớn nhất của gia đình nằm ở chỗ này” - anh Tấn chỉ đàn lợn chục con cả to lẫn bé rồi nói về dự định của gia đình.
Nhìn “cơ ngơi” dưới gầm sàn nhà chị Lương Thị Huyên, dân tộc Tày ở thôn Nặm Đít, xã Lặng Căn, ắt nhiều hộ khác sẽ thấy vừa ghen tị vừa khâm phục. Nhà chị Huyên có 300 con vịt, một cặp trâu, mấy chục con lợn, cùng với một máy xát vừa phục vụ bà con trong thôn bản vừa lo làm thức ăn chăn nuôi trong gia đình. Chị Huyên đang vay vốn từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 20 triệu đồng và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 8 triệu đồng, bản thân chị cũng đang đảm nhiệm công tác Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nặm Đít. “Từ đồng vốn chính sách, cùng với nỗ lực của gia đình, chúng tôi đang dần ổn định kinh tế, đồng thời từ kinh nghiệm của chính bản thân, tôi cũng chia sẻ với anh chị em trong tổ cùng sử dụng vốn vay hiệu quả, cải thiện đời sống” - chị Huyên nói.
Đầu tư bền vững cho tương lai
Ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, nhiều người biết bà Ma Thị Tới chồng mất sớm một mình đã nỗ lực vượt qua khó khăn nuôi 3 con ăn học. Bà kể, vừa làm cha vừa làm mẹ, một nách nuôi 3 đứa con, trong khi kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mảnh ruộng nhỏ, mấy con lợn và vài việc làm thuê tùy sức của bà. “Năm 2005, cầm giấy báo nhập học của con trai lớn trên tay mà trong lòng tôi vừa mừng vừa lo, nhưng tôi vẫn quyết tâm cho con mình đi học. Nhưng đến năm 2007, khi cháu thứ hai cũng thi đỗ vào đại học, tôi thực sự ngổn ngang. Đã nhiều đêm tôi thức trắng không ngủ được vì không biết phải làm sao cho cả 2 con có thể được đi học - bà Tới kể - Trong lúc khó khăn đó, gia đình tôi được xét vay vốn chương trình tín dụng HSSV. Nhờ vậy mà năm 2009, khi cháu thứ ba đỗ cao đẳng, mẹ con đùm bọc, đứa lớn giúp đứa bé, cả 3 con tôi đều được đi học”. Mỗi năm, bà hai lần nhận tiền vay của NHCSXH cho con đi học tại Điểm giao dịch xã Thượng Lâm. Đến nay, tổng số tiền vay chương trình tín dụng HSSV lên tới 48.560 nghìn đồng, cùng với số tiền làm thuê dành dụm, các con bà dần ăn học thành công. Hiện tại, con trai đầu và con gái thứ hai của bà đã đi làm ở cơ quan Nhà nước huyện Lâm Bình và đã có tiền lương, đã biết cùng mẹ tiết kiệm chi tiêu nuôi em ăn học và dành dụm trả nợ vay cho NHCSXH. “Đồng vốn chương trình HSSV thực sự đã mở ra cho mẹ con tôi những cơ hội mới cho cuộc sống” - bà Tới chia sẻ.
Từ đồng vốn chính sách mà NHCSXH đưa đến tận tay người dân, nhiều cuộc sống đã được thay đổi, nhiều khó khăn đã được khắc phục, những niềm vui nhỏ được nhen lên, trở thành niềm vui chung trong cuộc sống được đổi thay, vượt qua đói nghèo của cả làng, cả bản.
Hoa Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bổ nhiệm nhân sự Ngân hàng Chính sách xã hội
- » Thanh Hóa hoàn thành bổ sung 637 Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH
- » Hiệu quả thiết thực từ mô hình chòi tránh lũ
- » Đoàn cán bộ của cơ quan quốc gia về quản lý tín dụng An-gie-ri (ANGEM) làm việc tại NHCSXH
- » Nhớ lời Bác dặn: "Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén..."
- » Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm...
- » Triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế
- » Thư chúc mừng của Thống đốc NHNN nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
- » Thoát nghèo, có tích luỹ
- » "Không có vốn ưu đãi, chưa biết khi mô thoát nghèo"