Gian nan đường đưa vốn đến huyện nghèo

07/06/2013
(VBSP News) Đường đến huyện Tân Uyên (Lai Châu) - một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước rất khó khăn với những khúc cua tay áo, một bên là chân núi, một bên là vực sâu. Thi thoảng chúng tôi lại gặp những đống đá lở từ trên núi lăn xuống nằm chềnh ềnh giữa đường làm ùn tắc giao thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến giao thương hàng hóa cho vùng này bị cản trở. Điều kiện học hành, trình độ dân trí của nguời dân còn thấp nên cái nghèo cứ đeo bám bà con người Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Lào, Giáy và Tày ở Tân Uyên.
Cán bộ VBSP và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thăm một hộ vay vốn ở xã Trung Đông

Cán bộ VBSP và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thăm một hộ vay vốn ở xã Trung Đông

Nhiều năm qua, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước liên tục được đưa đến huyện nghèo Tân Uyên, chăm giúp bà con có “cần câu” để họ “câu cá”, trong đó có nguồn vốn của NHCSXH (VBSP). Để thực hiện nhiệm vụ xóa nghèo, sau khi chia tách từ huyện Than Uyên, đến tháng 8/2011 VBSP huyện Tân Uyên cũng được thành lập với 9 cán bộ, nhân viên. Với ý định ghé thăm cán bộ ngân hàng nghèo ở Tân Uyên trong chốc lát, rồi tiếp tục lên đường đến TX. Lai Châu, nhưng câu chuyện hấp dẫn về hành trình đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các cán bộ VBSP huyện Tân Uyên cứ níu kéo chúng tôi.

Giám đốc VBSP huyện Tân Uyên Nguyễn Văn Thương cho biết, huyện Tân Uyên được thành lập ngày 30/10/2008, có 90.326,75ha diện tích tự nhiên và 42,221 nhân khẩu, gồm 9 xã và một thị trấn. Tính bình quân, cứ mỗi cán bộ của VBSP phải phụ trách một xã. Một người phụ trách một xã nghe ra tưởng là ít, so với miền xuôi một cán bộ ngân hàng phải phụ trách vài ba xã, nhưng ở miền núi này, giao thông khó khăn lắm. Chẳng hạn như xã Nậm Sỏ, xã Tà Mít (trong vùng ngập Thủy điện Sơn La), cán bộ thường xuyên phải đi giải ngân bằng xuồng. Riêng thời gian đi vào trong các xã này đã phải mất gần một ngày trời. Nếu gặp trời mưa thì phải ở trong đó vài ba ngày mới quay ra được. Cán bộ ngân hàng gặp nguy hiểm trên đường đi giải ngân, thu nợ, thu lãi đã không còn xa lạ ở Tân Uyên. “Gần Tết năm 2011, trên đường vào xã Nậm Sỏ, do phải tránh một người dân đi xe máy mà chiếc xe Suzuki Vitara của VBSP Tân Sơn đã lao xuống vực, rất may cán bộ tín dụng chỉ bị chấn thương nhẹ” - ông Nguyễn Văn Thương cho biết.

Ngồi trên chiếc xe “đồng phục” Suzuki Vitara của hệ thống VBSP đã rệu rã vì phải leo núi, vượt đèo nhiều càng thấu hiểu sự vất vả vì đường sá của các cán bộ VBSP. Sau vài câu chuyện về giải ngân vốn vay ở vùng cao với ông Nguyễn Văn Thương, xe đã vượt qua hơn 10km đưa chúng tôi đến xã Trung Đồng, Tân Uyên. Tiếp chúng tôi là cán bộ 2 tổ chức hội, đoàn thể đang quản lý ủy thác vốn VBSP. Bà Hoàng Thị Mây - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Đồng cho biết, tổng dư nợ từ vốn vay VBSP của xã là gần 13 tỷ đồng; trong đó: vốn ủy thác qua Hội Cựu chiến binh là gần 6 tỷ đồng và Hội Phụ nữ là 6,8 tỷ đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tòng Văn Nguyên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cho biết, xã Trung Đồng có 1.168 hộ, trong đó có 594 hộ nghèo. “Như các anh thấy đấy, người dân ở đây chỉ trông chờ vào chăn nuôi và vài nương chè, nên cuộc sống còn khó khăn. Tuy nhiên, gần đây đời sống người dân có khá hơn, khi có nguồn vốn ưu đãi của VBSP. “Được vay vốn ưu đãi bà con phấn khởi lắm, nên nhiều người phải nỗ lực sản xuất, chăn nuôi, đề đồng vốn sinh sôi nảy nở” - ông Nguyên kể. Theo phản ánh của các tổ chức hội, đoàn thể của xã Trung Đồng, hiện nay có rất nhiều hộ dân muốn vay vốn. “Chúng tôi phải đi điều tra, đưa phiếu khảo sát thu nhập, đến từng thôn, bản bình xét để đưa ra hộ nghèo chính xác nhất. Đảng ủy và chính quyền xã đã có chỉ đạo phải làm nghiêm túc việc bình xét cho vay, đảm bảo đối tượng được vay vốn là đúng” - bà Hoàng Thị Mây cho biết thêm.

Đến thăm hộ anh chị Lò Thị Hường và Tòng Văn Dung ở bản Bút Dưới chúng tôi mới cảm nhận hết hiệu quả từ tín dụng ưu đãi. Cách đây 5 năm, gia đình chị Hường thuộc diện hộ nghèo và được hưởng một số chính sách vay vốn của VBSP như cho vay 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo; 8 triệu đồng chương trình cho vay làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ; và vay 5 triệu đồng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn không tính lãi. Với những đồng vốn này, gia đình chị Hường đã dựng được nhà ở và có tiền mua được hai nghé con về nuôi. Đến nay, gia đình đã bán được mấy lứa trâu, trả hết nợ ngân hàng và nằm trong danh sách đã thoát nghèo của bản Bút Dưới. Chị Hường cho biết, hiện nay chị cũng giành dụm mỗi tháng gửi 20 - 50 nghìn đồng chương trình tiết kiệm người nghèo của VBSP, để ngân hàng có thêm nguồn vốn cho hộ gia đình khác vay.

Rời nhà chị Hường trời đã sẩm tối khói hấp lan tỏa trên những mái nhà của người dân bản Bút Dưới khiến những vị khách nơi xa như chúng tôi thấy ấm lòng. Ông Tòng Hải Phong - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bút Dưới cho biết, ở bản này có 47 tổ viên vay vốn VBSP, ai cũng sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh Nghiêm Chí Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác