Quản lý vốn vay hộ nghèo - cách làm hay ở xóm Khánh Hoà

07/06/2013
(VBSP News) Xóm Khánh Hoà, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên) hiện có trên 90 hộ dân, trong đó: 90% số dân làm nông nghiệp. Là xóm cách trung tâm TP. Thái Nguyên 1,5km nên ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân ở đây đã biết mở thêm nhiều nghề phụ để tăng thu nhập như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, đi làm thêm (thợ xây; cày bừa, hái chè thuê...). Vì thế đời sống của người dân đã có nhiều cải thiện so với những năm trước.
Nhờ được NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho vay 30 triệu đồng, gia đình chị Lý Thị Thư xóm Khánh Hòa đã mua dược trâu để phục vụ sản xuất nông nghiệp

Nhờ được NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho vay 30 triệu đồng, gia đình chị Lý Thị Thư xóm Khánh Hòa đã mua dược trâu để phục vụ sản xuất nông nghiệp

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hạnh - Chi hội trưởng nông dân, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Khánh Hòa cho biết: trong xóm cũng còn một số hộ nghèo, thường “rơi” vào những gia đình có hoàn cảnh éo le như: có người tàn tật; ốm đau, bệnh tật triền miên; tâm thần… tuy họ cũng làm lụng ngày đêm nhưng cuộc sống vẫn còn thiếu thốn, vất vả. Làm thế nào để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo vươn lên trong cuộc sống luôn là sự trăn trở của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể nơi đây. Vì vậy, khi có chương trình cho vay vốn của NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm được thành lập và đứng ra nhận uỷ thác với ngân hàng để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, giúp họ có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Trong quá trình triển khai thực hiện, tổ luôn bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH, cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể  ở địa phương để triển khai công việc có kết quả cao.

Khác với nhiều nơi, các hộ nghèo được vay vốn NHCSXH có thể đầu tư vào trồng chè, chăn nuôi cây gì, con gì phù hợp với nhu cầu của mỗi gia đình. Còn ở đây, đã thành nề nếp, tất cả các hộ nghèo được vay vốn đều phải cam kết mua ít nhất 1 con trâu. Nếu tiền vay chưa sử dụng hết thì đầu tư nuôi lợn, gà (những năm gần đây, mức vay của mỗi hộ tối đa được vay đến 30 triệu đồng; mua một con trâu nghé chỉ hết khoảng 18 đến 20 triệu đồng; 1 con trâu cày được có giá từ 25 đến 30 triệu đồng). Con trâu của mỗi hộ gia đình có thể sử dụng làm trâu sinh sản; lấy sức kéo, phân bón; thậm chí nếu là trâu đực cũng có thể bán làm trâu thương phẩm (ví dụ khi mua ban đầu chỉ có 18 triệu đồng/con; nuôi một thời gian, gia đình có thể bán được 30 triệu đồng; sau khi bán, gia đình lại phải mua tiếp một con nghé thế vào; phần chênh lệch bán trâu thương phẩm trang trải các sinh hoạt thường ngày của gia đình; hoặc dành để trả nợ). Từ cách làm trên, đồng vốn đầu tư ban đầu của ngân hàng luôn được bảo toàn. Hàng tháng, đại diện Tổ tiết kiệm và vay vốn đến các hộ kiểm tra ít nhất một lần, nếu hộ nào nuôi trâu thương phẩm để bán chưa mua kịp thời là đôn đốc, nhắc nhở mua ngay.

Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ nghèo vay vốn có điều kiện trả được nợ khi đến hạn với số tiền lớn như vậy trong vòng 3 năm, tổ còn vận động các hộ vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm hộ nghèo. Theo quy định của tổ, mỗi tổ viên cứ vay 1 triệu đồng thì mỗi tháng gửi 10 nghìn đồng để tiết kiệm. Sau 3 năm, số tiền gốc phải trả chỉ còn lại 1/3; vì đã có thêm khoản tiền tiết kiệm bù vào. Từ tháng 4/2010 đến 13/3/2013, Tổ đã có tổng số tiền tiết kiệm lên đến gần 64,5 triệu đồng. Trong tháng 4/2013, đã có 2 tổ viên rút tiền để trả nợ gốc ngân hàng, nên số tiền còn lại là hơn 51 triệu đồng.Trong quá trình sinh hoạt tổ, các tổ viên thường xuyên được phổ biến thông tin về hoạt động vay vốn và lồng ghép tuyên truyền kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra tổ viên còn được tham gia các lớp tập huấn về trồng chè, chăn nuôi do xã tổ chức.

Có đến các gia đình hộ nghèo chúng tôi mới cảm nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước thật ý nghĩa. Ví dụ như hoàn cảnh của gia đình chị Lý Thị Thư, nhà có 2 con gái, 1 cháu vừa học hết lớp 12; 1 cháu tuy đã 23 tuổi nhưng lại mắc bệnh tâm thần từ mấy năm nay. Gia đình chị phải chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Nhà đã neo người, lại phải mất một người thường xuyên chăm sóc con; chồng chị quanh năm đi làm thuê, ai mướn việc gì làm nấy mà cũng không đủ tiền thuốc thang cho con. Năm 2011, nhờ được vay vốn từ NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng (lãi suất 0,65%/tháng) anh, chị đã dùng số tiền này mua một cặp trâu mẹ, con. Đầu năm nay con nghé đã được bán nên chị đã có điều kiện trả nợ cho ngân hàng được 8 triệu đồng; số tiền còn lại đã giúp chị thêm tiền thuốc thang cho con.

Chị Ngô Thị Láp thì cho hay: Chồng tôi bị ung thư mới mất năm ngoái. Trước đó, do phải chữa bệnh cho chồng nên bao nhiêu tiền của đều tập trung vào đó. Nhà tôi có 8 sào ruộng; 2 sào trồng táo và 5 sào đất trồng rau các loại. Nhưng do không có trâu cày kéo những năm trước đều phải thuê công cày (cứ 180 nghìn đồng/sào mỗi vụ) nên hạt thóc thu về trừ chi phí chẳng còn bao. Đã thế lại không có phân bón nên cây lúa, cây rau trồng ra cho thu hoạch kém. Năm 2012, tôi được vay 20 triệu đồng mua trâu, nhờ đó đã giúp gia đình không phải thuê công cày bừa, lại có điều kiện đi cày thuê thêm; cây lúa, cây màu có phân bón nên được chăm sóc tốt hơn nên cuộc sống đỡ vất hơn.

Hiện nay, tổ có 27 tổ viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 7 hộ vay vốn hộ nghèo; 5 hộ vay vốn HSSV; 14 hộ vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 1 hộ vay theo diện hộ đặc biệt nghèo, với tổng dư nợ trên 345 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, nên bình quân mỗi năm có từ 2 hộ thoát nghèo trở lên; con em các gia đình hộ nghèo có điều kiện tiếp tục theo học tại các trường chuyên nghiệp; những gia đình có hoàn cảnh éo le có thể mua sắm thêm phương tiện để phục vụ sản xuất; cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng đã ổn định hơn.Với những cố gắng của tổ, trong dịp tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Khánh Hòa được UBND TP. Thái Nguyên và NHCSXH tỉnh khen thưởng.

Theo Báo Thái Nguyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác