“Thực hiện nhiệm vụ từ cái tâm với cộng đồng”

05/06/2013
(VBSP News) Chị Hoàng Thị Thơ - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Khá, xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang) tâm sự với chúng tôi như thế. Trong hành trình của đồng vốn chính sánh ở huyện miền núi xa xôi này, nỗ lực của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là đóng góp quan trọng để vốn chính sách phát huy được hiệu quả.
Chị Hoàng Thị Thơ đang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với hộ vay vốn

Chị Hoàng Thị Thơ đang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với hộ vay vốn

Tiên phong để tổ viên theo

Chị Hoàng Thị Thơ là một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn có “thâm niên”, với thời gian đảm trách công việc này từ năm 2004 đến nay. Nà Khá là một thôn còn khó khăn ở xã Năng Khả, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mang tính tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ. “Khi mới thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Khá, Tổ chỉ có 20 tổ viên đều là hộ nghèo - chị Thơ nhớ lại - lần đầu bình xét, 7 tổ viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, chủ yếu để mua trâu bò sinh sản kết hợp cày kéo sản xuất nông nghiệp”.

Hồi đầu, tiếp xúc với giấy tờ sổ sách và những quy định về tiền tệ - ngân hàng, chị Thơ không tránh khỏi ngại ngùng, nhưng được NHCSXH huyện tập huấn, cùng với nỗ lực học hỏi, kỹ năng ghi chép sổ sách, hạch toán các phát sinh trong tổ của người Tổ trưởng chịu khó này đã nhanh chóng “lên tay”. Giờ, hoạt động trong tổ đã “vào khuôn khổ”, các tổ viên đều cam kết và nghiêm túc trả lãi theo tháng và tiết kiệm đúng kỳ hạn. Đến nay, tổng số tiền vay các chương trình do Tổ đang quản lý là gần 1,7 tỷ đồng với 58 hộ còn dư nợ. “Đàn trâu bò tăng lên, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Nà Hang. Các hộ dân đã đầu tư để mua sắm tư liệu sản xuất, đầu tư con giống, nhờ chịu khó làm ăn và biết cách hạch toán lỗ, lãi mà nhiều hộ đã thoát nghèo và thoát nghèo bền vững…” - chị Thơ kể.

Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là 80,4%, đến cuối năm 2012 giảm xuống còn 14,17%. “Ngoài việc là Tổ trưởng tận tình, chị Thơ còn là người nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi để hội viên học tập. Ví dụ như, khi su hào, cải bắp bắt đầu được đưa về trồng vụ đông ở đây nhiều hộ còn băn khoăn, thăm dò, gia đình chị Thơ tiên phong trồng có hiệu quả đã khích lệ cả thôn trồng rau, đem lại hiệu quả kinh tế” - chị Nông Thị Phượng, tổ viên trong tổ kể.

Cùng nhau học kinh nghiệm sản xuất

Để đồng vốn chính sách thực sự đi vào đời sống, phát huy được hiệu quả, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà mỗi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Na Hang “nằm lòng”, đó là cùng các hội viên, tổ viên học tập kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi theo thời vụ, nêu gương để hội viên học tập những hộ sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chị Bàn Thị Phương - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Lục, xã Đà Vị, một xã đa phần là bà con dân tộc Mông, Dao - hiện đang quản lý dư nợ 635 triệu đồng với 45 hộ đang có dư nợ kể: nhờ đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nhiều gia đình đã vượt qua đói nghèo và thoát nghèo bền vững như hộ chị Triệu Càn Ấy, Vi Thị Kim, Bàn Tiến Sênh…

Còn ở thôn Nà Đồn - một thôn khó khăn của xã Thanh Tương, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập từ tháng 6/2004. Tám năm qua, đến nay tổng dư nợ Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Đồn đang quản lý hơn 1 tỷ đồng, với 48 hộ vay. “Đến nay, nhiều hộ đã thoát nghèo như hộ Dương Thi Tiếp, Nông Thị Lèn, Hoàng Thị Yêu, Đặng Thị Lai Chinh… Nhiều em học sinh vay vốn chương trình học sinh, sinh viên đã học xong và tìm được việc làm đúng ngành nghề như con em các hộ Ma Thanh Quang, Ma Thị Tượng, Bế Thị Quế…” - chị Trương Thị Thuận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Đồn cho biết.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Tá - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Thôm Luông chia sẻ: “Tổng số đàn trâu bò của thôn nhờ vay vốn NHCSXH đã tăng từ 60 con lên đến 95 con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 85% năm 2006 xuống còn trên 60% năm 2012…

Ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Na Hang, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn càng xác định rõ hơn họ đang thực hiện trách nhiệm của mình từ cái tâm với cộng đồng, với quan niệm đóng góp của mình có ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống của bà con làng xóm. “NHCSXH đang tiếp tục đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn, rà soát củng cố lại để nâng cao năng lực hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc quản lý công tác và kiểm tra các hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả” -  ông Nông Ngọc Lân, Giám đốc NHCSXH huyện Na Hang cho biết.

Theo Báo PLVN

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác