“Nhờ đồng vốn chính sách, bản làng tôi đã thay đổi”

21/05/2013
(VBSP News) Đó là tâm sự của ông Giàng A Sùa, 46 tuổi, dân tộc Mông bản Thèn Pá, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu).
Ông Giàng A Sùa phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH vừa được tổ chức tại Hà Nội

Ông Giàng A Sùa phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH vừa được tổ chức tại Hà Nội

“Tả Lèng là xã đặc biệt khó khăn của Lai Châu. Bà con dân bản nơi tôi sinh sống hiện nay 100% là người dân tộc Mông, trình độ dân trí thấp, đời sống vô cùng khó khăn - ông Sùa nói - Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và NHCSXH, các hộ khó khăn trong bản đã được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Tam Đường, Lai Châu”. Theo ông Sùa, điều này là vô cùng quan trọng ở địa phương, bởi trước đây bà con bản ông rất thiếu vốn, muốn mua con trâu cày, con trâu sinh sản hay muốn phát triển kinh tế, khai phá ruộng nương thì lại không có vốn, trong khi đó việc vay được vốn của Ngân hàng thương mại đối với người dân tộc thiểu số nghèo không hề dễ dàng.

Gia đình ông Giàng A Sùa có 5 khẩu. Những năm trước đây, khi các con còn nhỏ, gia đình ông sinh sống chủ yếu bằng nghề kiếm củi và hái rau rừng. Nhà ở có 3 gian nhà tranh, bố mẹ ông cũng nghèo khó và đông con nên ông cũng chỉ được bố mẹ chia cho hơn nghìn mét vuông ruộng nương, không có trâu bò, không có dụng cụ cày cấy, không có vốn đầu tư vào sản xuât, chăn nuôi. Vì vậy, cuộc sống của vợ chồng ông lúc nào cũng nghèo khó, vất vả, không đủ ăn, không đủ mặc, con cái nheo nhóc, ốm đau…

“Từ khi có Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg) và 10 năm nay có NHCSXH giúp đỡ thì nhân dân nghèo chúng tôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi mà không phải thế chấp tài sản, chỉ cần tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn ngay tại nơi bản tôi sinh sống là được NHCSXH cho vay vốn” - ông kể.

Đầu tiên, năm 1995 gia đình ông vay 1,5 triệu đồng từ NHNg, dùng số tiền đó mua được một con ngựa sinh sản, sau 3 năm ông bán 1 con ngựa con và trả hết nợ. Năm 2007, ông bán con ngựa mẹ và dùng số tiền đó mua được 8.000m² đất nương đồi để trồng ngô. Năm 1999, ông tiếp tục được NHNg cho vay 5 triệu đồng, mua được một con trâu sinh sản để có sức cày kéo phục vụ gia đình, và từ ngô thu hoạch được ông phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm. Đến năm 2005, từ thu nhập của gia đình do chăn nuôi, trồng ngô, ông đã trả hết nợ gốc, lãi. “Đến nay, con trâu mẹ được vay từ nguồn vốn vay NHNg đã đẻ ra thêm 2 con nghé nay đã to cày được ruộng, nương” - ông khoe.

Năm 2008, gia đình ông vẫn còn thuộc diện hộ nghèo và được NHCSXH huyện Tam Đường cho vay 20 triệu đồng để khai hoang được 4.000m² ruộng nước bậc thang và từ năm 2006 - 2009 khai hoang được 18.000m² đất đồi để trồng chè. “Khi vào vụ làm cỏ và chăm sóc chè, tôi thường phải thuê từ 20 - 30 lao động là bà con dân bản để phụ giúp gia đình chăm sóc đồi chè. Số tiền vay 20 triệu đồng này, năm 2010 tôi trả nợ được 10 triệu đồng và tháng 1/2013 tôi trả 10 triệu đồng” - ông Sùa cho biết.

Ông bày tỏ: “Tôi thật sự cảm động, bởi từ nguồn vốn nhỏ 1,5 triệu đồng vay lần 1 đến 5 triệu đồng vay lần 2 của NHNg, rồi đến 20 triệu đồng vay của NHCSXH, gia đình tôi đã thực sự được “cởi trói” khỏi cảnh nghèo khó, vất vả, mang lại cuộc sống ổn định, con cái có cơm ăn áo mặc, được học hành. Từ năm 2010 đến nay, gia đình tôi đã thực sự thoát nghèo một cách bền vững”.

Từ việc biết cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả kinh tế, năm 2009 ông  Giàng A Sùa đã được mọi người trong bản tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản. Đến nay, ông đang quản lý 39 tổ viên với 4 chương trình tín dụng, dư nợ quản lý là gần 590 triệu đồng, cả tổ không có tổ viên nào nợ quá hạn, tiền lãi trả đầy đủ vào ngày 18 hàng tháng và nhiều tổ viên đã có tiền gửi tiết kiệm tại NHCSXH. “Nhờ có đồng tiền của Chính phủ và sự phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ NHCSXH, trong 10 năm qua, bản tôi đã có rất nhiều hộ thoát khỏi cảnh đói nghèo, kinh tế của bà con dân bản khấm khá hơn, bản làng đã thay đổi rất nhiều” - ông Giàng A Sùa nói.

Bùi Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác