Giảm chính sách “cho không”, tăng hỗ trợ sản xuất
Tại Thông báo 195/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững yêu cầu các địa phương nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt về giảm nghèo để phấn đấu thi đua, các nơi học tập lẫn nhau.
Các địa phương cần lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương và có kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo
Trong quá trình xây dựng chính sách, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương cần lưu ý việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững phải bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các chính sách còn hạn chế, có vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo.
Chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, định hướng giảm nghèo trong thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình, phân loại đối tượng và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm 2011 - 2012, ngân sách Nhà nước đã bố trí gần 24.000 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên. Kết quả là 29 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Mỗi năm, ngân sách Trung ương bố trí gần 6 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho hơn 4 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số. Từ năm 2010 đến nay, đã có 1,087 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, trong đó: lao động thuộc hộ nghèo chiếm 10,7%, cận nghèo chiếm 5,2%; lao động người dân tộc thiểu số chiếm 20,5%. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 40 nghìn người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, từ đó vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, trong 2 năm qua đã có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt. Tính đến hết năm 2012, có 1,9 triệu hộ gia đình được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên cho 2,3 triệu con em đi học, với dư nợ vốn khoảng 36 nghìn tỷ đồng. |
Tin và ảnh Phương Hiển
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Quảng Ninh: “Bà đỡ” nghề rừng ở Ba Chẽ
- » NHNN ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông với Báo Lao động
- » Đẩy mạnh đổi mới công nghệ ngân hàng; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành; Phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử
- » NHNN khai mạc Hội thảo - Triển lãm Banking Việt Nam 2013
- » Chính sách tín dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội
- » Vui đón nước sạch về bản
- » Kinh nghiệm quản lý vốn vay ưu đãi ở bản người Dao
- » Giảm nghèo vượt chỉ tiêu
- » Hương Sơn nuôi hươu truyền thống
- » Kết quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn Nhĩ Thượng