Kinh nghiệm quản lý vốn vay ưu đãi ở bản người Dao

15/05/2013
(VBSP News) Xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất (TP. Hòa Bình) có 160 hộ dân với trên 700 nhân khẩu. Xóm có 4 dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Dao chiếm 90%. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ làm nương rẫy, trồng mía, ngô, trồng rừng, chăn nuôi gia súc nhưng sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Mặt khác, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt còn hạn chế nhưng bù lại bà con nơi đây cần cù, chịu khó.

Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Chụa được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 do tổ chức Hội Phụ nữ quản lý. Tổ có 54 hội viên đang có quan hệ vay vốn từ NHCSXH với tổng dư nợ 1.533 triệu đồng, thực hiện 4 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo; HSSV; nước sạch và vệ sinh môi trương nông thôn; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Trong những năm qua, Tổ không phát sinh nợ quá hạn, lãi tồn đọng ít, các tổ viên chấp hành tốt việc trả nợ, trả lãi khi đến hạn. Ngoài ra, các hộ còn dành dụm tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn hàng tháng, đến nay Tổ có số dư tiền gửi tiết kiệm 9 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Bình - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Chụa cho biết: Trong những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã đem lại đời sống ngày một tốt hơn cho người dân. Điển hình như hộ anh Bàn Tiến Thọ, hộ anh Nguyễn Hương Hợi, từ gia đình hộ nghèo được vay vốn 25 triệu đồng/hộ để chăn nuôi bò sinh sản, đến nay đã có 2 - 3 cặp bò mẹ và bê con, gia đình có phân để trồng mía, tạo thêm được việc làm. Hộ chị Triệu Thị Thao, anh Triệu Tiến Hòa thuộc gia đình khó khăn được vay vốn cho con đi học đại học đến nay các cháu đã ra trường có việc làm ổn định, có thu nhập và đang bắt đầu trả nợ hay như hộ anh Triệu Quý Thương từ nguồn vốn vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 30 triệu đồng để trồng trên 2ha mía, bương, luồng, đến nay kinh tế gia đình ổn định đem lại thu nhập khá, nhiều năm được Hội Nông dân TP. Hòa Bình công nhận gia đình làm kinh tế giỏi và còn nhiều hộ gia đình khác sử dụng vốn vay hiệu quả, đang tự chủ vươn lên xóa nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Trao đổi về kinh nghiệm quản lý tổ, bà Bình chia sẻ: Để có được kết quả trên, tôi đã cùng với các thành viên trong Ban quản lý Tổ, cán bộ của Hội Phụ nữ xã vận động các hộ vay vốn NHCSXH, hướng dẫn họ cách sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm chi tiêu để tích luỹ thu nhập trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn. Thường xuyên nhắc các hộ về kế hoạch trả nợ gốc để tạo cho họ có ý thức, trách nhiệm với đồng vốn vay, ban quản lý không tự đặt ra các qui định của tổ mà mọi quy định của Tổ đều đưa ra họp bàn thống nhất, công khai việc vay vốn của từng gia đình, việc thu nộp lãi, tiết kiệm của các hộ vay được ghi chép rõ ràng, giải thích cho hộ vay phải nộp lãi đủ theo từng tháng để dễ theo dõi và tránh nhầm lẫn. Ngoài ra còn phải kể đến sự quan tâm, quản lý sát sao và hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, các biểu mẫu, bảng kê thu nộp lãi, biên lai hàng tháng, hồ sơ vay vốn dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ theo dõi cho Tổ trưởng và các hộ vay, tránh được sự lạm dụng vốn của Ban quản lý Tổ. Để nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đúng địa chỉ thực sự là động lực để thúc đẩy xoá nghèo tại xã, trước hết phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền, các đoàn thể chính trị đối với hoạt động đầu tư nguồn vốn tại từng địa bàn. Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn phải nắm bắt được nhu cầu vay vốn của từng đối tượng để đề xuất với các cấp hướng đầu tư vốn thích hợp, không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ viên trong việc vay trả ngân hàng. Ngoài ra, việc đầu tư nguồn vốn cần phải được các ban, ngành kiểm tra, đánh giá hiệu quả trong từng năm để từ đó có chỉ đạo phù hợp.

Hải Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác