NHCSXH quận Ba Đình: Cây “gậy” của người khiếm thị
Tại Hội Người mù quận Tây Hồ, với nghị lực phi thường, cộng với nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH, nhiều người khiếm thị đã vượt lên số phận, trở thành những lao động có ích cho gia đình và xã hội.
Tự khẳng định mình
Những người khiếm thị chúng tôi gặp ở quận Tây Hồ có nhiều hoàn cảnh khác nhau, do dị tật bẩm sinh, bị tai nạn lao động, trong đó: nhiều người đang khá thành đạt, nhưng khi đến với Hội Người mù, họ đều chung một mục đích: tiếp tục được phấn đấu, cống hiến và trở thành người có ích cho gia đình - xã hội.
Sinh viên khiếm thị Bùi Quang Lâm, quê Phú Thọ, hiện đang theo học tại khoa Quản trị kinh doanh - Viện Đại học Mở cho biết, gia đình Lâm rất nghèo, cả bố và mẹ đều bị khuyết tật, bố hỏng tai, mẹ hỏng mắt bẩm sinh. Bản thân Lâm tuy ham học nhưng do mắt kém nên càng học lên cao, càng không theo kịp bạn bè. Lâm xúc động kể: “Năm học cấp 3, nhà trường đã ưu tiên cho em ngồi chỗ tốt nhất, được đóng bàn riêng, ngồi gần bảng nhưng mắt em vẫn không thấy chữ. Do không thể đồng hành với các bạn cùng trang lứa nên em phải tự học ở nhà, tự kiếm tiền nuôi bản thân và học đại học từ xa. Ngoài ra, em còn theo học nghề bấm huyệt massage tại Trung tâm Phục hồi chức năng (Hội Người mù Việt Nam) và đã được nhận vào làm việc tại Hội Người mù quận Tây Hồ gần 2 năm nay, với mức lương bình quân 3 - 4 triệu đồng/tháng”.
Một mảnh đời khác là chị Hoàng Thì Thuỷ, người Tày, quê Thái Nguyên, bị hỏng mắt vì di chứng chất độc da cam, nhưng do ham học nên khi nghe tin ở Hà Nó có trường phổ thông trung học dành cho người khiếm thị, chị và gia đình khăn gói về xuôi. Sau đó, chị cũng đi học nghề massage, bấm huyệt và vào hội làm việc được gần 1 năm. Do mới vào nghề nên lương của chị mới ở mức 2,3 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài trường hợp của chị Thúy, Lâm, tại Trung tâm Phục hồi chức năng còn có nhiều người khiếm thị do tai nạn lao động, phần lớn đã có gia đình, vì vậy, họ càng hăng say làm việc, nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Quang Hiển, Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ cho biết: “Hội là nơi tập hợp những người thiệt thòi trong cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội, tạo việc làm phù hợp cho người khiếm thị, nhằm giúp họ tự đứng vững trong cuộc sống. Cái khó của chúng tôi là làm cách nào để phát triển ngành nghề phù hợp với người khiếm thị, nhất là khi trình độ của họ còn ở mức thấp; chưa có trường dạy nghề dành riêng cho người khiếm thị. Hiện nay, chúng tôi vẫn phải tự đào tạo nghề cho họ, mỗi năm 1 - 2 lớp, bình quân 10 người/lớp”.
Theo ông Hiển, thời gian qua, hội đã kết hợp với trường Y học Dân tộc Tuệ Tĩnh mở lớp massage, tẩm quất; kết hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đào tạo các nghề làm tăm tre, chổi đót; trồng trọt, chăn nuôi; chăm sóc cây cảnh. Những hội viên làm tăm, chổi đót hiện có thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/người/tháng, tiêu thụ được 65 nghìn gói tăm/năm và 3.417 cây chổi các loại. Hiệu quả nhất vẫn là nghề massage, bấm huyệt. Hội có 10 người đang tham gia thường xuyên vào công việc này, tổng doanh thu đạt 291,3 triệu đồng/năm, lương bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Có người làm việc tại Hội 2 - 3 năm đã tích luỹ được kinh nghiệm và mở cơ sở làm ăn riêng.
Bạn đồng hành
Theo ông Hiển, ngoài việc phát huy nội lực, tự khẳng định mình, người khiếm thị ở quận Tây Hồ còn luôn có một người bạn đồng hành, một cây “gậy” chống, đó là NHCSXH quận Ba Đình.
Phải khẳng định, để hội có cơ sở và phát triển ổn định như hiện nay có phần đóng góp rất lớn từ NHCSXH quận Ba Đình. Cụ thể, năm 2010, dư nợ vay từ NHCSXH trên địa bàn đạt 135 triệu đồng/11 hộ; năm 2011 đạt 285 triệu đồng/18 hộ; 2012 - 2013 đạt 385 triệu đồng/20 hộ. Nguồn vốn vay thường được bà con sử dụng vào các việc như trồng cây cảnh (đào, quất), hội viên có nhà mặt đường thì tổ chức buôn bán nhỏ…, song dù kinh doanh gì thì tất cả sau 1 năm đều phải thu hồi vốn.
Đánh giá về hoạt động vay vốn của Hội Người mù quận Tây Hồ, ông Hoàng Liên Sơn - Giám đốc NHCSXH quận Ba Đình cho biết: “Là tổ chức hội đặc thù nên khi được vay vốn của NHCSXH, lãnh đạo Ban chấp hành Hội Người mù luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức quản lý đồng vốn; tích cực hướng dẫn hội viên, trong đó có những người không biết chữ, làm thủ tục vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả; đặc biệt là chưa bao giờ để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Trong 8 năm gần đây, số vốn hội vay ngày càng tăng, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người khuyết tật, giúp họ phát triển kinh tế gia đình và bảo đảm an sinh xã hội”.
Được biết, nguồn vốn tín dụng được giao năm 2013 của quận Tây Hồ là 55.908 triệu đồng, tăng 3.850 triệu đồng so với năm 2012, trong đó: nguồn vốn do NHCSXH cấp là 27.298 triệu đồng. Qua chấm điểm và đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn có 83 tổ đạt loại tốt (chiếm 98,8%); 1 tổ đạt loại khá (chiếm 1,2%).
Bước sang năm 2013 , ngay từ đầu năm, NHCSXH quận Ba Đình đã tiếp tục tổ chức giao dịch lưu động tại 100% phường trên địa bàn. Tỷ lệ giải ngân, thu nợ thu lãi tại cơ sở đạt trên 99% tổng giao dịch.
Dương Thu Hiên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ở Cao Bằng đạt 1.282 tỷ đồng
- » Làm tốt công tác ủy thác cho vay học sinh, sinh viên
- » Hiệu quả cánh đồng mẫu lớn ở Vân Sơn
- » Cựu chiến binh Lộc Bình thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tăng cường tín dụng cho vùng Tây Nguyên - Đồng vốn đã đến với đồng bào
- » 8.481 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Quảng Ngãi được vay vốn
- » Thoát nghèo giữa vùng đất
- » Ðể giảm nghèo thật sự bền vững
- » Vùng cát trắng, gió Lào đang từng bước đổi thay
- » Một chương trình có nhiều đối tượng thụ hưởng