Một chương trình có nhiều đối tượng thụ hưởng

12/05/2013
(VBSP) Để tăng nhanh tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và số hộ gia đình có công trình vệ sinh phù hợp với tiêu chuẩn, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62 về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đồng thời giao cho NHCSXH thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi này.

Chỉ sau một năm triển khai cho vay, cùng với các chương trình tín dụng hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đã được NHCSXH tích cực triển khai thực hiện. Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay, tổ chức tập huấn tới tất cả cán bộ, viên chức, đồng thời phối hợp với Bộ NNo&PTNT ký văn bản liên tịch để phân định rõ trách nhiệm của các bên khi thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong chỉ đạo, điều hành theo hệ thống của mình, nhằm phục vụ tốt việc cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Theo đó, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2004 đến 2005 thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh như Sơn La, Hải Dương, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang. Giai đoạn 2 từ năm 2006 đến nay, thực hiện mở rộng cho vay ra tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Điểm riêng biệt của chương trình tín dụng ưu đãi này là đối tượng được thụ hưởng khá đông đảo, bao gồm các hộ dân cư trú hợp pháp tại khu vực nông thôn, không phân biệt hộ nghèo hay hộ không nghèo, gia đình chưa có nước sạch và công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện, tổng dư nợ cho vay của chương trình này không ngừng được tăng lên, cụ thể năm 2004 dư nợ đạt 122 tỷ đồng, năm 2005 là 327 tỷ đồng (tăng 205 tỷ đồng). Sang giai đoạn 2 (2006 - 2010) đã tăng nguồn vốn cho vay lên đến 8.820 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng nguồn vốn huy động từ ngân sách Trung ương, địa phương, viện trợ quốc tế và nhân dân đóng góp. Đặc biệt hai năm 2011 và 2012, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho NHCSXH cho vay đã tăng gần gấp 2 lần so với bình quân giai đoạn 2006 - 2010 (1.760 tỷ đồng/năm). Với tổng dư nợ 10.631 tỷ đồng cùng với nguồn vốn thu nợ quay vòng qua các năm, đến nay toàn hệ thống NHCSXH đã cho vay 15.954 tỷ đồng với 2.658 ngàn lượt khách hàng vay vốn, xây dựng hơn 4,2 triệu công trình, trong đó gồm 2,196 triệu công trình nước sạch  và 2,045 triệu công trình vệ sinh.

Theo đánh giá của Bộ NNo&PTNT, đơn vị được Chính phủ giao làm chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Kết quả của chương trình đã cho thấy có sự đóng góp quan trọng của NHCSXH không chỉ việc tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho chương trình và tỷ lệ nguồn vốn ưu đãi chiếm cao nhất trong tổng nguồn vốn huy động phục vụ chương trình, mà đã tạo được ý thức tham gia đóng góp của người dân, giảm tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các tổ chức quốc tế.

Thực tế cho thấy với việc vay vốn ưu đãi để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các mô hình cấp nước sạch như khoan giếng, xây bể lọc nước, lu chứa nước đã giúp cho các hộ gia đình ở địa bàn nông thôn rộng lớn trên toàn quốc được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, giảm bớt khó khăn do bà con phải đi lấy nước rất xa khu dân cư, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi. Trước đây người dân không có đủ tiền để lắp đặt đường ống từ trục chính vào nhà, nay thông qua việc cho vay tới các hộ gia đình mà nhiều công trình cấp nước tập trung đã được đưa vào sử dụng và phát huy hết công suất cấp nước, mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng sống của người dân. Đặc biệt, với việc sử dụng vốn vay ưu đãi xây dựng hơn 2 triệu công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn như nhà tắm hoặc nhà tiêu kèm bể biogas, xử lý nước thải, rác bẩn tại khu vực nông thôn đã góp phần khắc phục nạn ô nhiễm môi trường, bảo vệ chất lượng các nguồn nước, làm cho cảnh quan nông thôn thêm “xanh - sạch - đẹp” đang xuất hiện ở nhiều làng, xã và tăng cường đảm bảo sức khoẻ nhân dân.

Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song nguồn vốn chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân vùng nông thôn để làm công trình nước sạch và vệ sinh; mức cho vay tối đa với một công trình là 4 triệu đồng, trong khi giá cả về nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao, do đó đã không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đạt chất lượng. Cùng với đó, một số công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nhiều làng quê đã sử dụng lâu ngày bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia, do vậy nhiều hộ dân đã vay trả hết nợ và có nhu cầu vay lại, vay thêm để xây dựng mới, cải tạo, nâng cao các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhưng vẫn chưa có cơ chế được vay lại vốn ưu đãi.

Nhằm tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được Chính phủ phê duyệt, NHCSXH tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống triển khai thực hiện giải ngân cho vay chương trình giai đoạn 2012 - 2015; mặt khác phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, cho vay đúng đối tượng, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc và lãi tạo nguồn vốn cho vay quay vòng.

Thanh Hằng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác