Mở đường cho ước mơ lớn

03/05/2013
(VBSP) Với việc hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế trang trại, những năm qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã giúp hàng ngàn gia đình có thêm của ăn của để.

Ông Trần Hiến - Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Hà cho biết: “Đơn vị đang thực hiện 6 chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi, trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo là 70.655 triệu đồng với 4.783 hộ vay; và 124.269 triệu đồng cho 5.689 hộ vay vốn học sinh, sinh viên.

Có vốn mở trang trại

Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Duyên ở thôn An Lão, xã Thanh Khê kể: “Năm 2010, gia đình tôi để NHCSXH huyện cho vay 15 triệu đồng. Tôi đầu tư 8,5 triệu đồng mua lợn giống, số tiền còn lại xây dựng chuồng trại. Hiện, gia đình tôi có 5 con lợn nái và 2 đàn lợn thịt, mỗi năm thu 2 lứa, mỗi lứa bán được 7 triệu đồng”. Ngoài ra, với 7 sào vườn, chị trồng hàng chục cây chuối, 300 gốc quất và ổi, cho thu nhập quanh năm. Riêng quất, thời điểm cao nhất như dịp tết Quý Tỵ vừa qua giá tới 50 nghìn đồng/kg quất quả. Mỗt năm, vườn quất đem về cho chị 70 - 80 triệu đồng.

Cũng vay vốn ưu đãi để phát triển trang trại như chị Duyên ở thôn An Lão còn có chị Trần Thị Dần. Năm 2011, gia đình chị được vay 25 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, chị đầu tư trồng ổi, quất gần như hết toàn bộ diện tích 2ha đất canh tác của gia đình. “Khó khăn nhất của tôi là vốn thì đã được NHCSXH cho vay. Giờ gia đình tôi chỉ còn tập trung chăm sóc vườn quất, ổi” - chị Dần cho hay.

Có tiền cho con đến trường  

Nói đến các hộ cải thiện được cuộc sống từ đồng vốn NHCSXH cho vay ở thôn An Lão, không thể không nói tới gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh. Kể về giai đoạn khó khăn của gia đình, anh Mạnh bùi ngùi: “Năm 2007, con đầu bước vào trường cao đẳng, lúc đó lo tiền ăn hàng ngày đã khó, nói gì đến tiền cho con đi học. May mà tôi được chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cho vay 20 triệu đồng”.  Có tiền, anh Mạnh dành một phần cho con đóng học phí, một phần đầu tư làm trang trại. Với mô hình tổng hợp VAC gồm hơn 100 con lợn thịt, hàng ngàn con gà, ngan và 2 ao cá, hàng chục gốc chuối… mang về cho gia đình anh nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm, khiến anh yên tâm lo cho con cái học hành. Đến nay, con đầu của anh Mạnh đã ra trường độ hơn 2 năm. Anh đã trả nợ ngân hàng hơn 5 triệu đồng và đang chuẩn bị trả hết nợ vào đợt tới, khi ngân hàng về xã giao dịch.

Chống mất sớm, chị Bùi Thị Bình ở thôn Xuân An, xã Thanh Khê một mình nuôi đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Niềm vui lớn đến khi đứa con gái duy nhất đỗ Đại học Luật Hà Nội chị phải chạy vạy khắp nơi lo tiền cho con đóng học phí. Được xét thuộc diện vay vốn học sinh, sinh viên, chị Bình như “bắt được vàng”. Với 20 triệu đồng vay được, chị đầu tư trồng vải và chăn nuôi. Giờ đây, chị không còn phải lo tiền đóng học cho con nữa.

Ông Trần Hiến cho biết, nhờ ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể trong việc giải ngân, thu hồi nợ, giám sát việc sử dụng vốn của các hộ vay, nên tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ chiếm 0,04% so với tổng dư nợ.

Lê Lan Dương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác