Thoát nghèo từ trồng cà phê giống mới

26/04/2013
(VBSP) Kể từ khi cây cà phê giống mới Katimo xuất hiện đã làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê phía Nam vùng đất Tây Nguyên. Ngày nay, nông dân thoát nghèo, làm giàu từ loại cây này ở tỉnh Lâm Đồng không phải hiếm lạ nữa.
5

Niềm vui được mùa cà phê

Đã ngót 10 năm mới có dịp trở lại xã Xuân Trường - Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, nằm ở độ cao nhất thuộc ngoại ô TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng. Đường đi lối lại ở khắp 8 thôn làng đã được mở rộng, bê tông hóa hết. Núi đồi bát ngát màu xanh, hứa hẹn mùa vụ năng suất, ấm no.

Chị Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường phấn khởi cho biết: Hơn 7 năm về trước đời sống bà con nông dân chúng tôi chỉ nhìn vào cây lúa, bắp, sắn nên thiếu thốn lắm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Nhưng khi cây công nghiệp như chè, cà phê xuất hiện, đặc biệt từ 2008, nhờ dự án vay vốn tín dụng chính sách hỗ trợ, các vườn cây cà phê giống mới Katimo phát triển mạnh, năng suất cao như luồng gió mát làm khởi sắc làng quê.

Theo chị Thu Trúc, hiện nay xã Xuân Trường vay NHCSXH đạt tổng dư nợ hơn 18 tỷ đồng với 6 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó: cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm đã tập trung nguồn vốn phát triển cây cà phê được 394ha. Nhờ cà phê giống mới quả tròn to, sai trĩu cành, có hương thơm dịu, được khách hàng trong, ngoài nước ưa dùng đã góp phần giảm hộ nghèo trong xã chỉ còn 56 hộ nghèo trên tổng số 1.860 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu những hộ thoát nghèo làm giàu bằng nguồn vốn vay của NHCSXH từ cà phê, Phó Chủ tịch xã Xuân Trường nói ngay: Số hộ trước kia nghèo khổ, nay có thu nhập hàng năm từ 200 triệu - 500 triệu đồng, trong xã có đến con số hàng trăm rồi, nhiều hộ còn lập phương án vay thêm vốn ưu đãi lập trang trại thâm canh 50 -70 ha cà phê giống mới.

Chúng tôi ngược lên thôn Trung Sơn, xã Xuân Trường hỏi thăm gia đình ông Triệu Bảo Ninh, một nông dân người Hoa đạt danh hiệu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trồng cà phê cấp tỉnh thì được người dân cho biết, ngôi nhà nào mới xây xong và có vườn cà phê rộng nhất bao quanh đó chính là nhà ông Ninh.

Dẫn khách thăm trang trại cà phê rộng 8ha được trồng theo tiêu chuẩn Việt GAP, ông Ninh kể: Trước đây gia đình tôi ở thị trấn Đơn Dương thuộc vùng núi thấp, năm 2002, thực hiện việc tách hộ, dãn dân, tôi đã cùng vợ con lên đây lập nghiệp. Hồi đó kinh tế gia đình khó khăn nên chỉ quanh năm trồng bắp, cấy lúa nương để có đủ lương thực sinh sống. Đến năm 2005, khi cây cà phê xuất hiện, tôi gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân và được bình xét vay 11 triệu đồng vốn ưu đãi và trồng được 0,5 ha cà phê giống Katimo. 3 năm sau đó, thấy cà phê phát triển mạnh, giá bán lại cao, ông Ninh vay tiếp NHCSXH trồng thêm 2 ha cà phê. Sau thời gian đầu tư chăm sóc, hồi hộp chờ đợi thành quả lao động và cây đã không phụ lòng người, những quả chín sai trĩu cành đầu tiên đã giúp gia đình ông Ninh dần dà cải thiện đời sống, thoát  cảnh nghèo khó và trả được nợ ngân hàng.

Sau khi tích cóp được vốn liếng, ông Ninh tiếp tục đầu tư tiền mua đất và trồng cà phê theo mô hình trang trại lên đến 8 ha. Cùng với đó, khi cà phê giống Katimo của Tây Nguyên xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước khó tính khác, ông và các hộ nông dân trong xã Xuân Trường đã áp dụng trồng theo phương pháp công nghệ tiên tiến (Viet GAP), thực hiện mọi công đoạn chăm sóc, thu hoạch đều ghi chép rõ ràng, giúp cho cà phê sai quả, có hương thơm dịu, nên đã đạt năng suất cao và bán được giá, nhờ vậy mỗi năm ông Ninh có lãi 300 - 400 triệu đồng.

Theo ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cho biết: Cà phê là một cây trồng trọng điểm của tỉnh nhưng do suất đầu tư ban đầu khá lớn, như tiền mua đất, cây giống, phân bón… Do đó, chúng tôi quan tâm giải ngân để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách kịp thời, phát triển loại cây trồng này. Việc cho vay phát triển vườn cà phê giống mới của NHCSXH Lâm Đồng sẽ được bổ sung, tăng vốn ưu đãi để góp phần xoá nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Tùng Lâm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác