Na Son phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

26/04/2013
(VBSP) Là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Điện Biên Đông, Na Son có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 55% dân số. Nhằm giúp người dân trên địa bàn xóa nghèo, thời gian qua, các tổ chức hội, đoàn thể của xã Na Son đã tích cực tín chấp với NHCSXH huyện Điện Biên Đông cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
1

Vốn vay đã phát huy hiệu quả

Ông Quàng Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, hoạt động tín dụng trên địa bàn xã đạt được những kết quả tích cực. Tổng dư nợ của toàn xã đạt gần 7 tỷ đồng với hơn 600 hộ được vay vốn từ nhiều chương trình, dự án của NHCSXH như: vay vốn hộ nghèo, xuất khẩu lao động, tạo việc làm, hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, vay vốn học sinh, sinh viên… Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, không ít gia đình trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, toàn xã có 17 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên có dư nợ nhiều nhất. Hiện tại, Hội Nông dân quản lý 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư nợ hơn 1,7 tỷ đồng vốn NHCSXH. Từ các chương trình vay vốn đã kịp thời giải quyết việc làm, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa nghèo. Để sử dụng vốn vay hiệu quả, các Tổ tiết kiệm và vay vốn vừa theo dõi, giám sát mục đích sử dụng vốn và hướng dẫn các hội viên phát triển kinh tế, đôn đốc thu nợ, thu lãi đúng kỳ hạn…

Ông Lò Văn Lún - Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Son cho biết: Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hội viên đã đầu tư tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên. Trong xã xuất hiện nhiều hơn các mô hình kinh tế chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, gia cầm, các mô hình kinh tế tổng hợp, vườn - ao - chuồng - rừng… đem lại nguồn thu khá ổn định. Với việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả nên tình trạng nợ quá hạn giảm nhiều so với những năm trước. Đơn cử như gia đình ông Quàng Văn Thự, bản Na Phát B vốn là hộ nghèo. Từ 15 triệu đồng tiền vay của NHCSXH huyện Điện Biên Đông, ông Thự đã đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Cùng với kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi từ các lớp tập huấn do chính quyền cơ sở phối hợp với Trạm Thú y huyện Điện Biên Đông tổ chức, đến nay, gia đình ông đã phát triển đàn trâu, bò lên hai chục con. Thu nhập từ bán trâu, bò mỗi năm không chỉ giúp gia đình ông Thự thoát đói nghèo mà còn là hộ điển hình trong làm kinh tế ở địa phương.

Với quyết tâm cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình, năm 2011, anh Lường Văn Tiệp, bản Noọng Chuông B đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Sau khi học xong định hướng, anh Tiệp được NHCSXH huyện Điện Biên Đông kịp thời cho vay 20 triệu đồng để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Có việc làm ổn định sau khi đi xuất khẩu lao động, hằng quý anh Tiệp gửi tiền về cho gia đình đầu tư con giống vật nuôi để phát triển kinh tế hộ.

Ông Quàng Văn Sương cho biết thêm: Người dân được tiếp cận nguồn vốn vay và được hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả đã góp phần tích cực trong việc xóa nghèo tại địa phương. Thời gian tới, xã Na Son tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức hội, đoàn thể ủy thác vay vốn. Tăng cường quản lý nguồn vốn và hướng dẫn người dân đầu tư vốn làm kinh tế, đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích. Cùng với đó là tích cực phối hợp với các ngành chức năng huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo để các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.

Gia Kiệt - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác