Một mô hình đặc thù

20/04/2013
(VBSP) Trong 10 năm qua, bên cạnh việc tập trung huy động nguồn lực tài chính và hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách, NHCSXH còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiên trì thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xóa nghèo, mà kết quả nổi bật nhất là 618 Phòng giao dịch cấp huyện trong cả nước đã tích cực tổ chức giao dịch theo lịch cố định hàng tháng tại xã, phường để giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện để người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
11657

Hiện NHCSXH có gần 11 Điểm giao dịch xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con có vốn kịp thời để sản xuất

Công tác giao dịch lưu động là cách thức giao dịch ngay tại địa bàn dân cư đã được NHCSXH tỉnh Lai Châu chủ động triển khai từ buổi đầu thành lập (4/2003) đến nay. ngân hàng trực tiếp đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo và gia đình đồng bào các dân tộc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới vào ngày giao dịch cố định trong từng tháng.

Tính đến thời điểm này, mạng lưới giao dịch của NHCSXH tỉnh Lai Châu đã phủ kín 103/103 xã, phường trong toàn tỉnh. Các buổi giao dịch lưu động là công việc thường xuyên của người cán bộ tín dụng chính sách vùng cao. Ở các địa bàn có số xã thuộc vùng xa nhiều như huyện Than Uyên, Phong Thổ, mỗi tháng anh chị em ở Tổ tín dụng lưu động đã đi cơ sở giao dịch tới 20 ngày. Tại xã đặc biệt khó khăn như Ta Mít, Nậm Sổ của người Mông, cách phố huyện Than Uyên tới 45 - 50km, cán bộ tín dụng đi giao dịch bằng xe máy, vào mùa mưa lũ, thường phải ở lại đến hôm sau mới hoàn thành công việc. Ở mỗi NHCSXH cấp huyện, thị xã, số lượng cán bộ nhân viên, tính từ Giám đốc, trung bình chỉ có 9 - 10 người; mỗi lần đi giao dịch lưu động ít nhất phải bố trí 3 người làm việc ở 3 vị trí tín dụng, kế toán, thủ quỹ. Để thực hiện chủ trương tiết kiệm và tăng cường mỗi cán bộ chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc, hầu hết 9 NHCSXH cấp huyện ở Lai Châu đã sắp xếp cán bộ tín dụng kiêm lái xe, cán bộ tín dụng có thể làm được kế toán, thủ quỹ và ngược lại trong mỗi chuyến đi giao dịch lưu động tại xã, phường. Là tổ chức tín dụng mang tính chất đặc thù phục vụ công cuộc xóa nghèo, nên những ngày đi giao dịch của NHCSXH là những lần về với dân, giao vốn đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Ngày giao dịch cố định hàng tháng tại xã xa nhất huyện là trùng với ngày nghỉ, (thứ bẩy hoặc chủ nhật), NHCSXH huyện biên giới Mường Tè, vẫn duy trì nguyên lịch giải ngân, thu lãi, họp bàn với nhân dân như thường lệ. Trước ngày giao dịch lưu động cán bộ tín dụng vùng cao Lai Châu đã luôn chuẩn bị chu đáo để mọi thao tác nghiệp vụ diễn ra nhanh gọn, thuận lợi tại trụ sở UBND xã trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Anh Hoàng Văn Thái - Tổ trưởng Tổ tín dụng của NHCSXH huyện Than Uyên đi giao dịch tại xã Mường The, đã chủ trì cuộc họp tổng hợp tất cả các nội dung trong tháng như kết quả hoạt động tín dụng, tình hình hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, của từng Hội Nông dân, Phụ nữ, hay Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Còn cán bộ kế toán lo chuẩn bị các giấy tờ liên quan đối với từng hộ dân để tiến hành giao dịch chính xác, dễ dàng.

Cùng với việc trải rộng mạng lưới, doanh số giao dịch tại điểm giao dịch lưu động đã tăng nhanh chóng. Nếu vào năm 2009, doanh số hoạt động tại Điểm giao dịch chỉ đạt 41% thì đầu năm 2013 đã là 91,7%. Ông Lê Xuân Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu cho biết, để thực hiện giao dịch lưu động an toàn và hiệu quả, việc tổ chức mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở trong công tác bình xét hộ nghèo vay vốn, chuẩn bị cơ sở vật chất như địa điểm giao dịch, hòm thư góp ý, bảng tin công khai các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi… cho dân biết. Hiện tại, NHCSXH tỉnh vùng cao biên giới Lai Châu thực hiện giao dịch với gần 80 nghìn khách hàng và có hơn 40 cán bộ tín dụng làm việc, trung bình mỗi cán bộ quản lý nguồn vốn của 2 nghìn khách hàng. Bởi vậy, tính chất công việc luôn cần đến khả năng bao quát, tổ chức công việc, lòng nhiệt tình và tinh thần để đưa vốn ưu đãi về kịp thời, thuận lợi với người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo ông Lò Văn Phằn - Chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ thì suốt 10 năm qua, các chương trình cho vay vốn ưu đãi của NHCSXH đã được thực hiện với những thủ tục đơn giản gồm đơn xin vay vốn kèm chứng minh thư nhân dân gửi tới Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bản sau khi được Ban xóa nghèo xã bình xét công khai, phê duyệt là người dân được nhận tiền vay ngay tại ngày giao dịch cố định trong tháng tại trụ sở UBND xã sở tại. Việc trả lãi, hàng tháng và việc trả nợ gốc khi đến hạn cũng được thực hiện trong các buổi giao dịch lưu động của NHCSXH ở địa bàn dân cư.

Đúng là giao dịch cố định tại xã, phường hàng tháng là việc làm mới mẻ, thuận lợi của NHCSXH, đã và đang mang lại nhiều tiện ích, đưa nhanh vốn về với dân nghèo và các đối tượng chính sách.v

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác