Vốn… cứu nguy

20/04/2013
(VBSP) “Khủng hoảng kinh tế thế giới không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, mà nó còn len lỏi vào tận thôn xóm. Sản phẩm làm ra không xuất khẩu được... May mà NHCSXH kịp thời cứu nguy, cho vay 500 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm. Vốn vay tuy không nhiều, nhưng chúng tôi cầm cự được trong lúc khó khăn. Bà con nông dân vẫn có việc làm!”
11656

Một loại sản phẩm của Thành Hoá

Đó là những lời “gan ruột” của ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thành Hóa, chuyên sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, từ nguyên liệu “nhà quê”, như: cói, bèo tây, bẹ chuối, soong mây, tre, nứa… xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Doanh nghiệp Thành Hóa thành lập từ năm 2001, giữa một vùng quê nghèo xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Trước đây, có hơn 200 lao động làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp, nhưng do khủng hoảng kinh tế hiện chỉ còn 150 người chuyên thu gom, hoàn chỉnh sản phẩm, đóng gói bao bì xuất khẩu; tiếp quản nguyên vật liệu mua từ các nơi chuyển về. Ông Khuyến cho biết, mỗi năm doanh nghiệp mua 7 - 8 trăm tấn cói từ Nga Sơn (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình); 6 - 7 ngàn tấn nứa tươi từ miền Tây Thanh Hóa (về ngâm 3 tháng trước khi đưa vào sản xuất), bẹ chuối hột mua từ Đồng Nai, soong mây mua từ Quảng Nam - Đà Năng… Hai năm nay, hàng bị tồn kho, xuất khẩu chậm. Giữa lúc đang khó khăn tiền vay của NHCSXH đã kịp thời cứu nguy cho doanh nghiệp, chủ yếu mua nguyên vật liệu sản xuất. Không sôi động, nhộn nhịp như những năm trước, nhưng về cơ bản vẫn đảm bảo việc làm cho khoảng trên 5.000 lao động nông thôn ở 60 cơ sở “vệ tinh”, nằm rải rác ở 3 huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn… Bà con nông dân tham gia sản xuất, gia công tại nhà các loại sản phẩm, như làn cói, đĩa cói, hộp cói; hộp bẹ chuối, khay bẹ chuối, đệm chuối; đồ nội thất văn phòng, gia đình làm từ mây, tre đan, như thùng đựng rác phòng khách, thùng đựng đồ giặt… Tất cả các loại sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Họ thích các sản phẩm của doanh nghiệp Thành Hóa vì nguyên liệu gần gủi với thiên nhiên. Hai năm nay có phần giảm, còn những năm trước bình quân doanh nghiệp xuất khẩu đạt doanh số trên 3 tỷ đồng/ tháng. Ngoài việc góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang về giá trị không nhỏ cho doanh nghiệp từ những nguyên vật liệu bỏ đi và rẻ tiền.

Để có được những người thợ tại gia từ những làng quê, hàng năm doanh nghiệp phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề chế biến cói, mây tre đan, thêu ren, mành trúc xuất khẩu; đồng thời mở các lớp dạy nghề may, tin học cho người có nhu cầu. Tỷ lệ học viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm tương đối cao, thu nhập bình quân đạt 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Quan trọng hơn, việc tổ chức đào tạo nghề cho bà con sẽ góp phần sử dụng được nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động ở những nơi bị thu hồi đất, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Doanh nghiệp tư nhân Thành Hóa đã và đang trở thành địa chỉ đào tạo nghề uy tín, hiệu quả tại địa phương.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Yên Khánh: “Doanh nghiệp Thành Hóa đã trả lời được câu hỏi lớn là suy thoái kinh tế nhưng phải đứng vững để tìm lối ra, đảm bảo cho người lao động có việc làm, lưu thông được hàng hóa, duy trì đời sống cho người lao động”. Chưa dừng lại đây, Giám đố Phạm Đăng Khuyến đang có dự định cho những năm tới, tìm cách mở mang hàng xuất khẩu từ rơm rạ…!

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác