Một thập kỷ đồng hành giúp người nghèo vươn lên

20/04/2013
(VBSP) Nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động của NHCSXH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, Nguyễn Văn Bình (ảnh) đã trả lời phỏng vấn báo chí.

11650

Phóng viên: Xin Thống đốc đánh giá về thành tích nổi bật 10 năm qua NHCSXH đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách như thế nào?

Trả lời: Trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, NHCSXH đã thực sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, đóng góp tích cực cùng với toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, NHCSXH đã khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quan trọng trong sự nghiệp xóa nghèo, được Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập NHCSXH năm 2002, đến nay đã tròn 10 năm NHCSXH đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách. Những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy, NHCSXH đã và đang triển khai thực hiện rất tốt và rất thành công các chương trình tín dụng chính sách, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với thời điểm mới thành lập (năm 2003), tổng dư nợ đạt gần 114 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 16 lần. Về chính sách đầu tư cho vay, được mở rộng từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu, đến nay đã có trên 20 chương trình tín dụng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn ủy thác đầu tư của nước ngoài và ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các chương trình được tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chế độ; tiền vốn được giao trực tiếp cho người thụ hưởng ngay tại xã trước sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, của chính quyền và nhân dân, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai và dân chủ.

Trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động; hơn 98 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 88 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…

“Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay và thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng chính sách, NHCSXH đã tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn để phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Công tác thu hồi nợ của NHCSXH đạt kết quả cao, doanh số thu nợ của NHCSXH đã bảo đảm được hơn 50% doanh số cho vay ra hàng năm; các khoản nợ quá hạn tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị cho vay trước đây về cơ bản đã được thu hồi; tỷ lệ nợ xấu giảm qua các năm… Trước đây, mặc dù người dân nghèo cũng được Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để cải thiện đời sống nhưng do họ chưa biết cách làm ăn, nên đồng vốn không được sử dụng hiệu quả. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Từ khi NHCSXH ra đời đã phối hợp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội tập huấn, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách làm ăn để sử dụng đồng vốn sao cho có hiệu quả nhất. Kết quả là rất nhiều hộ vay đã trả được nợ cho NHCSXH đầy đủ, đúng hạn và đã thoát nghèo. Điều này lý giải vì sao trong khi tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác là 2 con số, nhưng tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH chỉ chưa đầy 2%/tổng dư nợ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nói đến giảm nghèo không thôi thì chưa đủ, mà phải làm sao để giảm nghèo được một cách bền vững. Và để làm tốt công tác này thì cần phải có nguồn vốn. Trong những năm qua, bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, NHCSXH cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành để đưa ra được những phương thức huy động vốn hiệu quả, góp phần tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách. NHCSXH đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn không lãi hoặc nguồn vốn có giá rẻ, tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, từ chính bản thân người nghèo; nhận tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tài chính, tín dụng; nhận vốn ủy thác trong và ngoài nước, đặc biệt là của ngân sách địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh…

Để có được kết quả như ngày hôm nay, NHCSXH đã nhanh chóng xây dựng hệ thống mạng lưới giao dịch từ Trung ương đến địa phương, hoàn thiện các quy chế, chính sách có liên quan đến tín dụng ưu đãi, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân được dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Với những cố gắng không mệt mỏi trong sự nghiệp xóa nghèo, an sinh xã hội nên NHCSXH đã nhận được sự tin yêu, đồng tình và giúp đỡ của nhân dân. Có thể nói, NHCSXH đã vận hành một mô hình tổ chức tín dụng đặc thù đạt hiệu quả cao, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của đất nước.

Phóng viên: Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 có đề cập đến nguồn vốn hàng năm phải cấp đủ để đáp ứng nhu cầu cho đối tượng được vay. Vậy giải pháp cho vấn đề này ra sao, thưa Thống đốc?

Trả lời: Trong Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, một mục tiêu cơ bản quan trọng mà NHCSXH sẽ phải thực hiện là đảm bảo 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng do NHCSXH cung cấp. Hàng năm, dư nợ tăng trưởng bình quân 10%. Mới đây nhất Chính phủ ban hành thêm chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo và tiếp tục giao cho NHCSXH là đơn vị phục vụ. Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với NHCSXH là phải có nguồn vốn lớn, ổn định. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ mọi biện pháp, để đảm bảo được một phần nguồn vốn hoạt động cho NHCSXH.

Thứ nhất, NHNN sẽ tạo điều kiện để NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp có thời hạn dài như vốn ODA, vốn tài trợ từ các nhà đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội để thực hiện kênh tín dụng chính sách.

Thứ hai, tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng Nhà nước, tổ chức tín dụng đã cổ phần nhưng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối duy trì mức tiền gửi 2% tại NHCSXH.

Thứ ba, có cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng trong toàn ngành quan tâm đầu tư trái phiếu NHCSXH.

Và cuối cùng, NHNN sẵn sàng đứng ra tái cấp vốn để NHCSXH đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay.

Xin cảm ơn Thống đốc!

Hải Tú Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác