Nhiều hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn tín dụng chính sách

10/04/2013
(VBSP) Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm hoạt động chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh diễn ra cuối tuần qua, ông Lê Huy Dân - Giám đốc chi nhánh cho biết, hoạt động của đơn vị trên địa bàn trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện tốt công cụ tài chính trong việc cung cấp tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Tính đến hết năm 2012, tổng nguồn vốn tín dụng tại chi nhánh thành phố đạt 2.477 tỷ đồng, tăng 2.365 tỷ đồng (gấp 21 lần) so với thời điểm bắt đầu hoạt động năm 2003. Tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt 5.743 tỷ đồng, bình quân cho vay 574 tỷ đồng/năm. Tổng doanh số thu nợ đạt 3.659 tỷ đồng, bình quân 365 tỷ đồng/năm, chiếm 63,7% tổng doanh số cho vay, cho thấy việc cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện khá tốt.

Từ xóa nghèo…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận đánh giá, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giúp hộ nghèo thành phố tạo công ăn việc làm, từng bước có thu nhập, vươn lên thoát nghèo và hạn chế tái nghèo. Cụ thể, đã tạo thêm hơn 171 nghìn việc làm mới, hỗ trợ cho hơn 28 nghìn hộ gia đình bị thu hồi đất có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định nơi ở mới, hơn 61 nghìn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập… “Song hiệu quả và chất lượng tín dụng vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Làm sao để mỗi đồng vốn đến tay hộ nghèo thực sự giúp những gia đình này thoát khỏi cảnh khó khăn, sinh viên không vì hoàn cảnh khó khăn tài chính mà phải bỏ học, nhưng đồng thời vẫn phải thu hồi vốn hiệu quả cho Nhà nước”, ông Thuận nói. Chính vì vậy, mới đây NHCSXH và UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Đề án củng cố nâng cao tín dụng chính sách”, trên cơ sở đó đảm bảo một số chỉ tiêu về nợ quá hạn, lãi tồn đọng, củng cố nâng cao nghiệp vụ các Tổ tiết kiệm và vay vốn…

Ông Lê Huy Dân khẳng định, quan trọng vẫn là chất lượng tín dụng và hướng đến xóa nghèo bền vững. Vì vậy, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị theo hướng hỗ trợ, tư vấn thêm cho hộ nghèo, chính sách vay vốn về phương cách sử dụng vốn hiệu quả, tìm hướng sản xuất, kinh doanh, xây dựng kinh tế hộ gia đình từ những đồng vốn được vay chứ cố gắng không để xảy ra tình trạng “tiền vào nhà khó”, rồi trở thành nợ khó đòi do bản chất cho vay những đối tượng khó khăn về tài chính luôn có mức độ rủi ro cao.

… đến thoát nghèo bền vững

“Ông Lê Huy Dân - Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong điều kiện kinh tế suy giảm hiện nay, nguồn thu của thành phố cũng đang gặp khó khăn, vì vậy ngân sách thành phố sẽ phải chịu áp lực lớn nếu bố trí vốn cho hộ nghèo theo tiêu chuẩn thành phố khi Trung ương rút vốn về (từ cuối năm 2012 TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia mà chi còn 38.632 hộ nghèo theo chuẩn thành phố, chiếm tỷ lệ 2,12%) do khoản thiếu hụt này nên NHCSXH thành phố đã trình Chính phủ và được phê duyệt nguồn vốn cho vay đối với hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia trên địa bàn và cho vay hộ nghèo theo chuẩn thành phố đến năm 2015″.

Bà Hồ Thị Thanh Thúy, thuộc đối tượng hộ nghèo tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thu nhập của gia đình bà trước đây rất bấp bênh, chủ yếu từ chăn nuôi và làm ruộng. Trong khi gia đình bà phải nuôi 3 con ăn học nên thiếu trước hụt sau, nhiều khi phải đi vay bên ngoài với lãi suất rất cao nên cuộc sống càng khó khăn. Kể từ khi được Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Quy Đức hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ vay vốn NHCSXH để mua heo giống chăn nuôi, cho con cái theo học đại học cũng như cải thiện môi trường nước sạch, gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn. Theo bà Thúy, cái được lớn đối với gia đình bà là có thể đảm bảo cho mấy đứa con được theo học đầy đủ. “Đây sẽ là cơ hội giúp gia đình và thế hệ sau có thể thoát nghèo thực sự”, bà Thúy nói.

Tương tự, bà Lê Thị Hồng ấp An Bình, xã Thới Đông, huyện Cần Giờ cho biết, ngoài việc được NHCSXH cho vay vốn để mua thêm con giống thả nuôi, sản xuất, kinh doanh, gia đình còn được duyệt vay vốn cải tạo ao hồ. Từ 5 triệu đồng vay ban đầu, sau 3 tháng, gia đình bà đã thu hoạch có lãi 20 triệu đồng, liên tiếp sau ba bốn vụ đều có lãi từ 10 - 15 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, gia đình bà Hồng còn được Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn cách thức làm ăn và Hội Nông dân xã hỗ trợ công tác tập huấn về khoa học, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đây mới chính là điều những người nông dân cần hơn cả thảy nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn được vay.

Theo bà Cao Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, với đặc thù của một huyện ngoại thành chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nên một bộ phận không nhỏ người dân Củ Chi vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Chương trình xóa nghèo, tạo việc làm rất có ý nghĩa, song cũng đặt ra một bài toán lớn cần giải quyết. Thời gian qua, huyện đã chú trọng sử dụng nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để góp phần phát triển làng nghề truyền thống, cho vay thực hiện dự án chương trình sản xuất, kinh doanh thu hút lao động nghèo tạiđịa phương, chăn nuôi bò, heo, cá, trồng trọt cây hoa màu, cây ăn quả… “Tỷ lệ hộ nghèo tại Củ Chi năm 2009 là 28,4% đến cuối năm 2012 giảm xuống còn 7,93%, góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo trên toàn địa bàn thành phố” - bà Gái cho biết.

Nắm bắt được mong mỏi này từ những hộ nghèo, gia đình chính sách, mục tiêu mà chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh đặt ra từ nay đến năm 2020 ngoài việc đạt được những chỉ tiêu, con số (dư nợ tăng trưởng bình quân năm đạt 5%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%…) còn đặt ra yêu cầu phát triền tốt các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường…

Tuyết Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác