Tiếp niềm tin cho khát vọng đổi đời

27/03/2013
(VBSP) Hàng ngàn hộ nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất đã thoát nghèo, có vốn “giắt lưng” và tạo việc làm cho không ít lao động địa phương - đó là hiệu quả của tín dụng ưu đãi ở huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Tiep-niem-tin-cho-khat-600

Được vay vốn giải quyết việc làm, anh Quế đầu tư phát triển trang trại

Một trong những hộ ăn nên làm ra từ vốn vay ưu đãi là anh Nguyễn Văn Quế, thôn Nhân Mỹ, xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa.  Anh Quế nhớ lại: Năm 2006, hơn 23ha trang trại này của gia đình tôi là vùng đất hoang, tôi mạnh dạn đấu thầu để mở trang trại. Thời gian cải tạo đất mất 3 năm. Năm 2011, tôi được NHCSXH cho vay 80 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Có thêm vốn, tôi mua con giống, cải tạo ao hồ… Với mô hình trang trại tổng hợp cá - lúa, chăn nuôi gà, vịt, mỗi năm gia đình anh Quế thu về hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. 

Cùng xã với anh Quế, anh Hoàng Văn Thuyết cũng được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có vốn, anh mở dịch vụ phân bón, xát gạo phục vụ bà con địa phương. 

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Hoàng Thị Vui ở thôn Ngọc Tĩnh, xã Thiệu Phú. Chị bị bệnh vôi hoá cột sống, chồng cũng ốm đau triền miên. Hai con chị đang tuổi ăn tuổi lớn. Năm 2008, qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân, gia đình chị được ngân hàng cho vay 15 triệu đồng vốn vay hộ nghèo. Chị dành 8 triệu đồng mua bò, 7 triệu đồng mua lợn về nuôi. “Đến nay, bò đã đẻ được một lứa, cộng với nguồn thu từ nuôi lợn, bước đầu vợ chồng tôi đã có thu nhập…” - chị Vui tâm sự. 

Ông Mai Danh Thức - Giám đốc NHCSXH huyện Thiệu Hoá cho biết: “Năm 2012, thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể, ngân hàng đã giải ngân được 3.504 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm cho 114 khách hàng, 110.497 triệu đồng vốn vay hộ nghèo cho 7.686 hộ vay… Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ”. 

Lan Dương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác