Phát triển hàng thủ công xuất khẩu

26/03/2013
(VBSP) Phường Tân Khánh thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An có một nghề thủ công truyền thống là làm nón lá dừa. Trước đây, chỉ vài ba hộ dân làm lẻ tẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu bán quanh vùng. Nhưng vài ba năm lại đây, nghề này phát triển khá mạnh bởi được hỗ trợ vốn ưu đãi hàng chục tỷ đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh Long An, địa phương tìm được thị trường tiêu dùng ở các thành phố lớn cũng như xuất khẩu nón lá dừa sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc...

Bên cạnh các hộ làm hàng thủ công truyền thống với quy mô vừa phải, hiện nay phường Tân Khánh có trên 30 hộ sản xuất nón lá dừa quy mô lớn, có lượng xuất khẩu đạt từ 10 đến 15 vạn chiếc/năm. Nghề truyền thống này đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho 4.500 lao động tại chỗ thường xuyên. 

Đơn cử như cơ sở làm nón xuất khẩu của hộ nhà chị Trần Thị Thìn ở khu phố Nhơn Hậu 1 đã thu hút hơn 100 lao động gia công, mỗi người thực hiện một công việc. Chị Thìn trước đó chuyên buôn bán nhỏ nhưng từ năm 2008 được vay 20 triệu đồng của NHCSXH, chị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua nguyên liệu, đào tạo nghề cho bà  con thân thích ở phường làm nón là dừa. Với phương châm “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” hồi mới thành lập, cơ sở của chị Thìn mỗi ngày chỉ làm ra 200 - 300 chiếc nón/ngày, chủ yếu phục vụ khách du lịch miệt vườn, sau nâng dần lên hơn 1000 chiếc/ngày. Số lao động được đào tạo biết nghề, thành thạo nghề cũng tăng từ 10 - 15 người lên đến 40 - 50 người, và rồi hàng trăm người như hiện nay. Mới đây, nhờ mở rộng sản xuất, hàng hóa tiêu thụ nhanh, chị Thìn đã hoàn trả hết nợ cũ cho ngân hàng; đồng thời, lập dự án chuyển hướng sản xuất làm nón là dừa xuất khẩu và được NHCSXH cho vay kịp thời 150 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ ngành nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh ở nông thôn. Cùng với cơ sở nghề thủ công của chị Thìn, các hộ làm nón lá dừa với quy mô lớn ở phường Tân Khánh như chị Dịu Hướng, anh Phả, bà Thoa… cũng được hỗ trợ vay vốn ưu  đãi từ 100 - 200 triệu đồng để chủ động vào vụ thu mua nguyên liệu bông dừa. Chị Dịu Hướng, một chủ tổ hợp làm hàng thủ công xuất khẩu có tiếng ở vùng ngoại ô thành phố Tân An phấn khởi cho biết: “Cơ sở của tôi có 58 thợ làm nón xuất khẩu thường xuyên. Người mới vào nghề mỗi ngày làm được 20 - 30 chiếc nón, người lành nghề làm ra từ 60 - 80 chiếc, mỗi chiếc nón gia công, thợ thủ công được trả 5 nghìn đồng, tính ra ngày công của thợ trung bình là 100 -120 nghìn đồng, người có tay nghề, năng suất cao có thể thu nhập tới 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Thật lòng mà nói, người thợ thủ công ở nơi đất chật người đông này có thu nhập ổn định và nghề truyền thống của địa phương chúng tôi được phát triển mạnh và tham gia cả trong lĩnh vực xuất khẩu nữa là nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp, trong đó: thiết thực nhất là được nguồn vốn của NHCSXH hỗ trợ kịp thời, làm đòn bẩy vững chắc cho người thợ thủ công thoát nghèo bền vững, làm ăn ngày càng thịnh vượng.

 

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác