Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên - cầu nối của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên
Dư nợ vay vốn học sinh, sinh viên thông qua Hội Cựu chiến binh đến nay đạt hơn 80 tỷ đồng với 3.964 hộ vay tăng gấp 3,5 lần so với 5 năm trước đây đã tạo điều kiện giúp đỡ 5.373 học sinh, sinh viên yên tâm thực hiện ước mơ của tuổi trẻ nơi giảng đường đại học, cao đẳng… Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cũng được các cấp Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên duy trì thường xuyên với nhiều hình thức như: kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và phối hợp kiểm tra tăng cường trách nhiệm của cán bộ hội từ cơ sở đến huyện, tỉnh trong chỉ đạo, triển khai các nội dung của chương trình vay vốn, qua đó kịp thời phát hiện những trường hợp sai sót như cho vay sai đối tượng, hay một vài sinh viên có biểu hiện bỏ học, sử dụng tiền vay học tập để chơi bời, nghiện hút, để từ đó có những biện pháp chấn chỉnh, ngăn ngừa kịp thời. Vốn vay học sinh, sinh viên do Hội Cựu chiến binh quản lý đã tăng cao qua từng học kỳ, đạt tỷ lệ 36% vốn của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thông qua các hội, đoàn thể. Song song đó, Hội Cựu chiến binh Thái Nguyên còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban thường vụ Hội các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn đối với các gia đình vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đôn đốc các hộ trả nợ, nộp lãi đúng thời hạn, khi có gia đình học sinh, sinh viên đề đạt nguyện vọng nộp lãi hàng tháng hay trả dần nợ gốc trước thời hạn đều được Hội Cựu chiến binh động viên khuyến khích và đề xuất với NHCSXH tại địa bàn giải quyết.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Bình Nguyên cho biết, Hội Cựu chiến binh huyện Đại Từ là một trong những cấp hội làm tốt công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên, như tiến hành bình xét công khai, dân chủ đúng đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Hội đã phối hợp với NHCSXH, chính quyền cơ sở thực hiện đồng bộ các văn bản liên tịch được ký kết, tập trung tuyên truyền có hiệu quả những chế độ, chính sách mới của Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Hội cũng coi trọng công tác tổ chức, củng cố chất lượng hoạt động mạng lưới hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, coi đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Nhờ vào Hội Cựu chiến binh làm cầu nối nên đến nay, NHCSXH huyện Đại Từ đã giải ngân đạt 100% kế hoạch giúp hơn 4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có điều kiện phấn đấu học tập dưới mái trường đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề. Chính sách tín dụng học sinh, sinh viên đã thực sự là “cứu cánh” đối với các em có hoàn cảnh nghèo khó như trường hợp em Ma Thị Hường ở xóm Hồng Bàng, xã Trung Lương. Gia đình em là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Kỳ thi đại học năm 2010 em vui mừng nhận được liền 2 giấy báo trúng tuyển đại học, nhưng bố mẹ em lại rất lo lắng chưa biết “chạy” đâu ra tiền học phí để em nhập trường. Được Hội Cựu chiến binh xã động viên khuyến khích, NHCSXH giúp đỡ kịp thời, cộng thêm quyết tâm của gia đình, hiện nay em Ma Thị Hường đang là sinh viên giỏi năm thứ 3 Trường đại học Y Thái Nguyên. Còn chị Dương Thị Thu, dân tộc Tày ở xóm Thẩm Trung, xã Trung Lương vốn là hộ nghèo nhờ được vay hơn 50 triệu đồng của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên mà đã chăm lo cho cả 3 cô con gái học Đại học ở Thái Nguyên và Hà Nội. Hiện 2 cháu là Hoàng Thị Ngọc Bích và Hoàng Thị Bích Thuỳ đã ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định, giúp bố mẹ hoàn trả 2/3 số nợ ngân hàng vào dịp trước Tết nguyên đán Quý Tỵ.
Thực tế ở huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung cho thấy phương thức cho vay của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thông qua các cấp hội, đoàn thể làm uỷ thác và không chỉ tiến hành công khai, minh bạch mà còn giảm được rủi ro, thất thoát, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng, xã hội, của từng gia đình học sinh, sinh viên. Tuy vậy, ở tỉnh miền núi này vẫn còn một số xã vùng cao, vùng sâu chưa thực hiện đầy đủ việc khảo sát, điều tra bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc xác nhận cho các đối tượng có khó khăn đột xuất về tài chính làm thủ tục vay vốn ở các cơ sở hội, đoàn thể, chính quyền còn thực hiện khác nhau, có nơi làm quá chặt, ngược lại có nơi lại lỏng lẻo, nể nang xác nhận không đúng nên tạo áp lực về nguồn vốn cho vay.
Để nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, năm 2013 Hội Cựu chiến binh các cấp ở tỉnh Thái Nguyên coi trọng công tác thống kê chính xác số lượng gia đình học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn để đề xuất xét duyệt, bổ xung, xử lý, thu hồi vốn những trường hợp sai phạm trong bình xét cho vay và sử dụng vốn vay sai mục đích, không đạt hiệu quả.
Nguyễn Phúc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Huyện nghèo xuất khẩu lao động không đạt mục tiêu?
- » Hà Tĩnh: Tín dụng ưu đãi góp sức giảm nghèo
- » Xứng danh được dân bản tin yêu
- » Nên cơ nghiệp từ món vay nhỏ
- » Tín dụng chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội ở Nghệ An
- » Thành công nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm
- » Nước sạch về tận nhà
- » “Bóng hồng” một lòng với sự nghiệp xóa nghèo
- » Làm giàu giữa rừng
- » Tấm gương tâm huyết & năng động