Tín dụng chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội ở Nghệ An
Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách?
Trả lời: Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngày 04/10/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH, trên cơ sở tổ chức lại NHPVNNg, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, nhằm tập trung mọi nguồn lực tài chính đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Cùng với các địa phương trong cả nước chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An được thành lập và khai trương đi vào hoạt động từ ngày 09/4/2003.
Trong 10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của HĐQT NHCSXH Việt Nam, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, hoạt động của chi nhánh đã đạt được một số kết quả nổi bật:
Thứ nhất, tranh thủ và tập hợp được nguồn vốn lớn từ Trung ương tới địa phương. Đến ngày 31/12/2012, tổng nguồn vốn 5.731 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm 36,1%. Trong đó tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương chiếm tới 98%, nguồn vốn địa phương chỉ 2%.
Thứ hai, triển khai kịp thời, có hiệu quả 10 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay 8.700 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 728.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư vào sản xuất, cải thiện đời sống. Đến nay, tổng mức dư nợ đạt 5.724 tỷ đồng. Nhờ đó, đã giúp cho 62.000 hộ nghèo thoát nghèo, 119.000 hộ nghèo cải thiện cuộc sống, tạo việc làm cho 209.000 lao động, 170.000 sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 7.164 lao động được đi xuất khẩu lao động; 69.486 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn, xây dựng trên 90 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhằm cải thiện môi trường tại khu vực nông thôn; 26.388 hộ được vay vốn làm nhà ở theo chương trình 167… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh theo các giai đoạn thay đổi chuẩn nghèo từ 14,79% năm 2002 xuống còn 7,6% năm 2005 và từ 26,7% năm 2006 xuống còn 14,54% năm 2010 và từ 22,6% năm 2011 xuống còn 15,61% cuối năm 2012.
Thứ ba, cùng với tăng trưởng về quy mô, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, bảo tồn và phát triển vốn: Tỷ lệ thu hồi vốn đạt trên 99% (doanh số thu nợ 10 năm 3.194 tỷ đồng, bằng 36,1% tổng doanh số cho vay). Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,41% tổng dư nợ.
Thứ tư, xây dựng hệ thống mạng lưới tổ chức từ tỉnh đến cơ sở hoạt động có hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh gồm Hội sở chi nhánh, 20 Phòng giao dịch cấp huyện, 480 Điểm giao dịch tại xã và hơn 8.400 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã và đang đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Phóng viên: Như vậy kết quả mà NHCSXH đạt được trong 10 năm là rất lớn, thực sự góp phần đắc lực trong công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Vậy để có được kết quả đó, bài học kinh nghiệm rút ra là gì, thưa đồng chí?
Trả lời: 10 năm qua, thành công của NHCSXH đáng được ghi nhận và biểu dương, khích lệ. Và trên thực tế đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các cấp uỷ, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Để có được những thành công lớn, từ thực tiễn chúng ta rút ra một số bài học:
Một là, tranh thủ được sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ thì mọi việc khó đều thành công. Trước hết là khai thác và phát huy sức mạnh của toàn xã hội góp phần xây dựng NHCSXH trưởng thành như ngày nay. Đã tổ chức thực hiện có kết quả phương châm là Trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm là giải pháp quyết định sự thắng lợi toàn diện, góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời là giải pháp quan trọng hàng đầu để tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển sự lớn mạnh bền vững của chi nhánh trong tương lai.
Hai là, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong việc thực hiện phương thức tín dụng cho vay trực tiếp, uỷ thác một số nội dung công việc và giải ngân tại xã, thực hiện công khai, minh bạch tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và NHCSXH các cấp.
Ba là, phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với mọi hoạt động của NHCSXH.
Bốn là, coi trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ trong ngành có tâm huyết, tinh thông nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự. Tạo lập lòng tin với khách hàng là nhân tố quyết định mọi thành công.
Năm là, thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền làm cho mọi chủ trương chính sách đến kịp thời với người dân để người dân cùng thực hiện đúng chính sách.
Phóng viên: Để NHCSXH thực hiện tốt hơn nữa vai trò là “bà đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới cần phải tập trung thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, và những giải pháp gì?
Trả lời: Trong giai đoạn tới nhiệm vụ của NHCSXH tỉnh Nghệ An cần phải bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về triển khai Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước, đồng thời phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác và mục tiêu cụ thể cần phải đạt được đó là:
- 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn và các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
- Nguồn vốn và dư nợ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%.
- Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ.
- Phối hợp lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Để đạt được những mục tiêu trên, cần tập trung vào một số giải pháp chính:
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách và chất lượng dịch vụ uỷ thác.
Chủ động, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương và đến cộng đồng dân cư. Tích cực thu hồi nợ đến hạn, tăng vòng quay vốn tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.
Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước, chế độ của ngành, các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong tín dụng chính sách. Chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ. Chú trọng phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác để mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ ngân hàng cho cán bộ quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội, coi trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện nghiêm túc chương trình giao ban theo định kỳ giữa NHCSXH và tổ chức hội các cấp, nhất là cấp xã. Thực hiện tốt quy chế hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm việc bình xét, lựa chọn các hộ gia đình vay vốn được công khai, dân chủ và chính xác.
Triển khai đồng bộ công tác kiểm tra tại Ban đại diện các cấp, NHCSXH và các tổ chức nhận ủy thác. Trên cơ sở có chương trình kiểm tra hàng tháng, quý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đối chiếu của các tổ chức nhận ủy thác. Khuyến khích nhân nhân phản ánh ý kiến về hoạt động của NHCSXH thông qua các hộp thư góp ý tại UBND xã, phường.
Tổ chức tốt hơn các hoạt động thông tin tuyên truyền về tín dụng chính sách thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao quan điểm nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể xã hội về một chủ trương và mô hình đúng đắn, một địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời làm cho mọi người dân hiểu rõ hơn về NHCSXH là có vay, có trả gốc và lãi, xoá bỏ tư tưởng vốn cho, vốn trợ cấp của Nhà nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hữu nghĩa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thành công nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm
- » Nước sạch về tận nhà
- » “Bóng hồng” một lòng với sự nghiệp xóa nghèo
- » Làm giàu giữa rừng
- » Tấm gương tâm huyết & năng động
- » Chị Phạm Thị Hằng Nga: Phát huy tốt vai trò nhận ủy thác vốn
- » Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên tỉnh Yên Bái
- » Minh Long có trên 5 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn
- » Tổng giám đốc làm việc với chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông
- » Hà Tĩnh tăng cường quản lý vốn vay