“Bóng hồng” một lòng với sự nghiệp xóa nghèo

19/03/2013
(VBSP) Được đánh giá cao về công tác chuyên môn cũng như lòng nhiệt tình đối với công việc, chị Nguyễn Minh Nguyệt - Tổ trưởng Kế toán thuộc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vẫn luôn miệt mài nỗ lực bởi chị đã một lòng gắn bó với sự nghiệp xóa nghèo ở Đam Rông.
600Bong-hong-mot-long-voi-s

Chị Nguyễn Thị Nguyệt trong một buổi kiểm tra hộ vay vốn và giải đáp cho hộ vay về những khoản vay

Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 là 22,17%), được thành lập năm 2004 từ một số xã tách ra từ hai huyện Lạc Dương và Lâm Hà. Hiện, Đam Rông có 8 xã, chưa có thị trấn, 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy công tác xóa nghèo nói chung, hoạt động tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách khác nói riêng, ở địa phương còn vô vàn khó khăn, vất vả. 

Chị Nguyễn Minh Nguyệt về công tác ở NHCSXH huyện Đam Rông từ những ngày đầu đơn vị được thành lập và đi vào hoạt động năm 2005. “Khi đó, trụ sở không có đường đến xã hết sức khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Vì vậy, công tác quản lý tín dụng rất vất vả. Thế nhưng, tôi đã xác định gắn bó với công việc của mình nên qua từng buổi giao dịch, tôi đã tích lũy thêm kinh nghiệm - chị Nguyệt nói - Đến giờ, tôi thực sự yêu quý công việc của mình, cũng thực sự cảm động khi được giao những đồng vốn ưu đãi đến tận tay bà con hộ nghèo, mà nhờ vốn vay ưu đãi đó cuộc sống họ đã vượt lên đói nghèo. Khi đó, tôi thấy công việc có ý nghĩa biết bao đối với chính bản thân tôi và với cộng đồng”. 

Là Tổ trưởng Tổ kế toán - Ngân quỹ, ngoài việc xây dựng chương trình công tác của tổ, kiểm tra kế toán và kho quỹ của đơn vị cũng như công việc chuyên môn khác, chị Nguyệt còn trực tiếp phụ trách các chương trình cho vay theo địa bàn tại các Điểm giao dịch lưu động xã. 

Ông Trương Văn Chương - Phó giám đốc NHCSXH Đam Rông - cho biết: “Có được kết quả hoạt động tín dụng như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của tập thể NHCSXH huyện Đam Rông thì sự đóng góp của cá nhân chị Nguyệt là đáng kể. Mặc dù, là một cán bộ nữ nhà ở xa, con nhỏ nhưng chị luôn hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn, thường xuyên tham mưu cho Ban giám đốc trong triển khai thực hiện công tác kế toán, tài chính và kho quỹ, kiểm soát chứng từ của tổ giao dịch lưu động, hướng dẫn nghiệp vụ kế toán cho các nhân viên trong Tổ kế toán…”. 

Để chất lượng tín dụng ưu đãi ngày càng nâng cao, công việc tuyên truyền chủ trương, chính sách đến từng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như hộ vay là việc làm cần thiết. Thông qua những buổi giao dịch lưu động tại xã, anh chị em cán bộ tín dụng NHCSXH còn giao ban với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa tuyên truyền, vừa nắm bắt nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của người dân trong việc sử dụng cũng như trách nhiệm với vốn vay ưu đãi. Anh Sơn Hòa, dân tộc Khmer, đến từ miền Tây Nam Bộ hiện đang định cư tại thôn Phi Rút, xã Darsal, huyện Đam Rông, là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Cựu chiến binh chia sẻ: “Sau những buổi giao dịch, chúng tôi được chị Nguyệt và các anh chị cán bộ NHCSXH giải đáp những phản ánh của bà con về chủ trương, chính sách, những nghiệp vụ cần thiết cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, phân tích ý nghĩa của vốn vay ưu đãi…”. 

Những thành công của NHCSXH huyện Đam Rông những năm qua là sự cố gắng của tập thể cán bộ NHCSXH huyện, trong đó có đóng góp không nhỏ của những cá nhân điển hình, tâm huyết với nghề, nhiệt tình trong công tác tín dụng như chị Nguyễn Minh Nguyệt. 

Việt Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác