“Chiếc cần câu” của người nghèo huyện Ia Pa

15/03/2013
(VBSP) Huyện Ia Pa (Gia Lai) được thành lập cuối năm 2002. Đây là một trong 4 huyện nghèo nhất tỉnh. Tất cả 9 xã trong huyện đều thuộc diện khó khăn, trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn. Thời điểm mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện lên đến 40% (theo tiêu chí cũ), trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 82,37%. Xuất phát điểm thấp cộng với điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí hạn chế đã đặt ra những thách thức lớn cho công tác giảm nghèo tại đây.
Chiec can cau cua nguoi... doc

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa

Là một trong những kênh chủ yếu cung cấp vốn ưu đãi cho người nghèo, ngay từ khi thành lập (tháng 7/2003), NHCSXH huyện Ia Pa đã tiến hành khảo sát tình hình nghèo đói trên địa bàn, chủ động giải ngân kịp thời vụ sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể làm tốt chương trình ủy thác, gắn với tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phối hợp với các ngành chức năng của huyện hướng dẫn họ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. 

Về phần mình, ngân hàng thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp sai sót, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ… 

Chính sự nỗ lực của đơn vị đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong 10 năm qua, NHCSXH huyện Ia Pa đạt doanh số cho vay 187,3 tỷ đồng, với 15.149 lượt hộ vay; doanh số thu nợ 64,9 tỷ đồng; tổng dư nợ đến cuối năm 2012 đạt 123,4 tỷ đồng, với 9.061 khách hàng dư nợ, tăng 119,9 tỷ đồng so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng trưởng dư nợ 56%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ quá hạn (loại trừ nguồn vốn ngân sách giao) được khống chế ở mức 0,82% tổng dư nợ, vượt chỉ tiêu đề ra. 

Cùng với việc giải ngân kịp thời nguồn vốn phục vụ xóa nghèo, đơn vị tính toán điều chỉnh các khoản vay phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tính đến nay dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm 49,17%, giải quyết việc làm chiếm 2,76%, dư nợ cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 11,34%, dư nợ cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 6,44%, dư nợ hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn chiếm 26,09%, còn lại là các chương trình khác. 

Riêng với chương trình cho vay hộ nghèo, doanh số cho vay trong 10 năm đạt trên 106 tỷ đồng, doanh số thu nợ gần 46 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 60 tỷ đồng (tăng gấp 76,8 lần so với năm 2003). Đây được xem là chương trình tín dụng có chất lượng, được người dân sử dụng đúng mục đích và hiệu quả của địa phương. 

Đề cập đến hiệu quả các nguồn vốn vay, ông Lê Hoài Nam - Giám đốc NHCSXH huyện Ia Pa cho biết: “Nguồn vốn vay đã được người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đầu tư cho con em đi học… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết một phần nạn thất nghiệp ở nông thôn”. 

Thực tế 10 năm qua, nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp cho 753 hộ thoát nghèo bền vững, 3.453 hộ tuy chưa thoát nghèo nhưng đã từng bước cải thiện đời sống, đồng thời có chuyển biến tích cực trong nhận thức, không trông chờ ỷ lại vào sự cứu trợ của Nhà nước. Cá biệt có hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá từ xuất phát điểm là đồng vốn ưu đãi của Chính phủ. 

Tại Hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động của NHCSXH huyện Ia Pa, nhiều đại biểu đã ghi nhận sự nỗ lực vì người nghèo của tập thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Tại đây, các đại biểu cũng chỉ ra những yếu tố không thuận lợi đối với chương trình giảm nghèo. Đó là, tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng đến nay Ia Pa vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh và của cả nước. Là huyện thuần nông nhưng điều kiện để sản xuất nông nghiệp không thuận lợi. Đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện chiếm tỷ lệ cao, dân trí thấp, thiếu phương pháp làm ăn phát triển kinh tế. 

Cùng với đó là năng lực của một số cán bộ nhận ủy thác ở cơ sở còn hạn chế… Trong bối cảnh ấy, cùng với sự quan tâm của hệ thống chính trị trong huyện, NHCSXH huyện Ia Pa cần nỗ lực hơn nữa để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được giải ngân đúng mục đích, hiệu quả, là “chiếc cần câu” của người nghèo. 

Duy Lê

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác