Tín dụng cho HSSV: Nhà trường - cầu nối quan trọng

04/03/2013
(VBSP) Sau 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đã thực hiện tốt công tác xác nhận cho HSSV, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho các em đăng ký vay vốn, cam kết trả nợ trước khi ra trường. Không chỉ là cầu nối giữa NHCSXH và HSSV, các trường còn đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo thu hồi vốn để duy trì và phát triển chương trình.

60023

Cầu nối thông tin

Sau khi có Quyết định 157, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, dự báo quy mô HSSV theo từng giai đoạn; hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thực hiện công tác tín dụng đào tạo đối với HSSV; chỉ đạo các trường  tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đối với HSSV trong tuần giáo dục công dân - HSSV đầu khóa. Các trường trong cả nước còn tổ chức họp với HSSV trước khi tốt nghiệp về thu hồi vốn, hướng dẫn HSSV ký cam kết trả nợ sau khi tốt nghiệp và xác nhận theo mẫu đã thống nhất với NHCSXH. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo các trường thành lập trung tâm hỗ trợ HSSV và quan hệ với doanh nghiệp để giúp các em tìm việc làm sau tốt nghiệp.

“Hiện, cơ cấu cho vay theo trình độ đào tạo như sau: Sinh viên đại học dư nợ 16.559 tỷ đồng, với 924 nghìn sinh viên, chiếm 39,9% tổng số HSSV đang còn dư nợ; sinh viên cao đẳng dư nợ 12.146 tỷ đồng, với 802 nghìn sinh viên, chiếm 34,6%; học sinh học trung cấp dư nợ 6.005 tỷ đồng, với 503 nghìn học sinh, sinh viên, chiếm 21,7%; học sinh học nghề (bao gồm cả cao đẳng nghề, trung cấp nghề, học nghề dưới 1 năm) dư nợ 1.091 tỷ đồng, với 86 nghìn học sinh, chiếm 3,8%”.

PGS., TS. Trần Thị Thanh Hiền - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, nhà trường đã ban hành nhiều văn bản, thông báo triển khai hướng dẫn của cơ quan cấp trên về tín dụng HSSV. Đồng thời, trường cũng đưa vào nội dung sinh hoạt đầu năm, đầu khóa đến toàn thể sinh viên về quy trình, thủ tục, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng này, nhắc nhở sinh viên có ý thức sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả trong việc học tập và sinh hoạt. Trường cũng in văn bản hướng dẫn của NHCSXH vào tài liệu cho giáo viên cố vấn học tập để tư vấn, nhắc nhở, hướng dẫn sinh viên sử dụng vốn vay đúng mục đích; đưa thông tin, các văn bản quy định lên Website và viết phần mềm quản lý thông tin về sinh viên vay vốn…

Bà Hiền cho rằng, chương trình đã góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn cho người học, tạo động lực cho HSSV phấn đấu vươn lên trong học tập, tạo sự công bằng trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, nhất là đối với học sinh, sinh viên diện chính sách, dân tộc thiểu số, gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

PGS., TS. Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc trường Đại học Đà Nẵng cho biết, nhà trường xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách là một giải pháp quan trọng để đưa chính sách tín dụng ưu dãi đến với học sinh, sinh viên. Đại học Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với NHCSXH hướng dẫn, tập huấn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng cho HSSV. Đặc biệt, nhà trường đã chỉ đạo các trường thành viên, đơn vị cấp dưới tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng học sinh, sinh viên đến toàn bộ học sinh, sinh viên thông qua tuần giáo dục công dân vào đầu năm học và các đợt tư vấn tuyển sinh, thực hiện các buổi đối thoại với HSSV về quyền lợi, nghĩa vụ và chế độ chính sách đối với HSSV.

Vẫn “chưa khớp”

Tuy nhiên, theo bà Hiền, hiện, thời gian giải ngân của NHCSXH và thời gian thu học phí của trường có sự khác nhau nên đã ảnh hưởng đến việc đóng học phí của học sinh, sinh viên, do vậy nhà trường vẫn chưa có thông tin về việc học sinh, sinh viên thực hiện cam kết trả nợ ngân hàng khi ra trường. Mức học phí đã được xác định theo lộ trình theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP nhưng định mức vay vốn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg chưa xác định mức tăng phù hợp với mức tăng học phí.

Ông Dưỡng nêu quan điểm, do quy định không buộc học sinh, sinh viên phải báo cáo kết quả vay vốn cho nhà trường nên bộ phận quản lý đang gặp khó khăn trong việc theo dõi và nắm bắt số liệu chính xác. Một số ít học sinh, sinh viên ghi thông tin không đủ, đôi khi nhầm lẫn, sai sót, gây khó khăn trong việc quản lý và trả nợ sau này.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại các cơ sở đào tạo và địa phương, việc thực hiện cho vay vốn cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Nhà trường chỉ nắm số lượng sinh viên cấp giấy xác nhận vay vốn chứ chưa nắm được số lượng sinh viên đã nhận tiền vay. Thông tin trên website vayvondihoc.moet.gov.vn chưa đầy đủ, chính xác để nhà trường sử dụng. Việc triển khai xác nhận cho học sinh, sinh viên vay vốn giữa mẫu giấy xác nhận mới và giấy xác nhận cũ gây lúng túng, khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học sinh, sinh viên.

Để thực hiện tốt chương trình trong những năm tiếp theo, thiết nghĩ, chúng ta cần tăng cường vai trò của các trường trong việc triển khai thực hiện chương trình, nhằm nắm bắt tình hình học sinh, sinh viên vay vốn, phối hợp quản lý việc sử dụng nguồn vốn vay; tổ chức tốt công tác tuyên truyền sâu, rộng trong toàn thể học sinh, sinh viên về ý nghĩa, mục đích của chương trình, nhắc nhở các em được vay vốn sử dụng vốn hiệu quả, sau khi tốt nghiệp có trách nhiệm trả nợ để đảm bảo nguồn vốn cho vay của chương trình.

Hải Ninh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác