Tiếp bước cho học sinh, sinh viên trên đất nghèo, hiếu học

21/02/2013
(VBSP) Ước mơ đến với giảng đường đại học tưởng chừng sẽ xa vời, gian truân hơn với nhiều sinh viên nghèo hiếu học và gia đình họ nếu không có Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Qua 5 năm thực hiện, trên mảnh đất xứ Nghệ nghèo hiếu học, sức lan tỏa của đồng vốn ưu đãi đã thực sự mở ra chân trời kiến thức cho nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
600.20.2.91

Chị Lê Thị Ánh Tuyết đang kể về thành tích học tập của các con

Những ngày này, gió lạnh tràn về bỗng thấy thời gian cứ trôi vùn vụt. Trong căn nhà nhỏ ở khối 16, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), lại thêm một mùa xuân nữa 3 mẹ con chị Lê Thị Ánh Tuyết vắng bóng người chồng, người cha. Cơn bạo bệnh cách đây 5 năm đã mất đi chỗ dựa của cả gia đình, để từ đó bao nhiêu khó nhọc hằn lên đôi vai gầy của chị. Quãng thời gian khó khăn rồi cũng qua đi dù cho nỗi nhớ dành cho anh vẫn còn đong đầy. Chị Tuyết một mình cần mẫn làm 3 sào ruộng, lúc nông nhàn mở thêm cửa hàng bán hoa để gồng gánh nuôi con khôn lớn. Hôm chúng tôi đến thăm cũng vừa lúc chị Tuyết đang làm đất chuẩn bị cho vụ lúa xuân, lau vội khuôn mặt còn lấm lem bùn đất, chị bảo: “Vụ mùa đến rồi mà nhà ít người quá, mình phải tranh thủ làm đất cho xong còn kịp vào vụ với bà con”. Căn nhà nhỏ chợt thấy rộng thênh thang nếu không có vô số Bằng khen của 2 cô con gái được treo kín trên tường. “Anh bệnh nặng lâu ngày, bao nhiêu chuyến ra Hà Nội chạy chữa làm gia đình thêm khánh kiệt. Căn nhà mới xây bằng sự hỗ trợ của địa phương và hai bên nội ngoại. Chứ năm trước mấy mẹ con phải nhờ tường nhà của 2 hàng xóm rồi gác tôn lên mà ở”, mắt chị ngấn lệ.

Giữa thị trấn Hưng Nguyên đang thay da đổi thịt từng ngày, mẹ con chị Tuyết là một trong những hộ đặc biệt nghèo khó. Niềm an ủi, hy vọng duy nhất của chị đó là hai cô con gái đều chăm ngoan, học giỏi, thương mẹ. Cháu đầu từng là học sinh của trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) ngôi trường nức tiếng hàng đầu cả nước, cháu thứ hai cũng là học sinh giỏi cấp huyện. Thế nhưng, cảnh nhà éo le, có lúc con đường đến với giảng đường của các con chị tưởng chừng đứt gánh giữa đường nếu không có sự giúp đỡ của NHCSXH. “Cách đây 3 năm, cháu lớn nhà tôi thi đậu 2 trường đại học, một ở Hà Nội, một ở TP. Vinh nhưng gia cảnh khó khăn quá, tưởng chừng không thể nhập học được. May là lúc đó có chương trình vốn vay dành cho học sinh, sinh viên nên gia đình bàn bạc khuyên cháu nhập học ngành khoa học môi trường ở Đại học Vinh. Cháu cũng hiểu hoàn cảnh gia đình và chọn trường gần nhà, chịu khó đi về để đỡ đi nhiều khoản chi tiêu, sinh hoạt nếu so với học ở Hà Nội”, chị nhớ lại. Thương mẹ, em Cao Thị Hằng (con gái chị Tuyết) luôn là học sinh đứng tốp đầu của khoa suốt 3 năm liền. Vì thế, câu chuyện ngày cuối năm trong căn nhà đơn sơ càng về sau càng thêm ấm cúng. “Cả 3 năm học tôi vay cho cháu gần 24 triệu đồng để đóng học phí và mua sắm dụng cụ học tập. Cũng may mắn là điều kiện cho vay dễ dàng, lãi suất thấp nên gia đình mới vay được chứ không lấy đâu ra tài sản gì thế chấp đi vay ngân hàng khác cho con học”, chị giải thích.

Chia tay căn nhà nhỏ của chị Tuyết, chúng tôi tìm đến gia đình chị Tô Thị Trâm và anh Nguyễn Xuân Thanh ở cùng khối. Không lâm vào cảnh mẹ góa con côi nhưng bệnh tật liên miên khiến gia cảnh hết sức nghèo khó, thuộc diện hộ cận nghèo. Cuộc sống của 4 người chỉ dựa vào mấy sào ruộng và sức vóc người cha đi làm thợ nề ở TP. Vinh. Thu nhập eo hẹp cũng chỉ đủ đảm bảo sinh hoạt cơ bản cho cả nhà giữa trung tâm huyện lỵ cho đến khi lần lượt con trai lớn, rồi con út đậu vào đại học, cao đẳng. Bao nhiêu khoản phải chi tiêu từ tiền học phí, tiền mua dụng cụ học tập… hiện ra trước mắt khiến tấm lòng của người làm cha làm mẹ hết sức trăn trở. Chị Trâm bộc bạch: “Nhận giấy báo con đậu vào đại học lòng vừa mừng vừa lo. Cháu mà không đi học thì tương lai biết thế nào, còn đi học thì nhà khổ quá lấy tiền đâu ra?”. Nhưng đó là câu hỏi của gần 5 năm về trước bởi sau đó, gia đình chị đã được tiếp cận nguồn vốn vay dành cho học sinh, sinh viên. Bây giờ, con trai đầu là em Nguyễn Tiến Dũng đã là sinh viên năm cuối ngành xây dựng, Đại học Vinh. Hôm chúng tôi đến, Dũng đang cật lực làm đồ án tốt nghiệp bên máy tính để hoàn thành giấc mơ giảng đường đại học với kết quả tốt nhất. “Hè này ra trường rồi anh à. Em đang tập trung làm đồ án thật tốt. Phấn đấu nhận tấm bằng giỏi để đi làm phụ giúp nuôi em trai ăn học và nhẹ gánh nhọc nhằn cho ba mẹ”, Dũng chia sẻ.

Vốn vay NHCSXH không những giúp cho Dũng có điều kiện học tập suốt hơn 4 năm qua mà còn chắp cánh ước mơ giảng đường cho cậu em trai Nguyễn Tiến Giáp theo học trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng ở Quảng Ninh 2 năm nay. Tính ra tổng vốn vay cho 2 con học tập của gia đình anh Thanh cũng đã lên cả vài chục triệu đồng, những con số khô khan nhưng hết sức ý nghĩa bởi như lời anh: “Làm lụng quanh năm cũng không có đủ số tiền đó, nếu không vay ưu đãi được thì gắng lắm cũng chỉ có 1 cháu đi học. Vậy mà, bây giờ cả 2 cháu được đến trường học hành đến nơi đến chốn, tương lai sẽ không khổ như bố mẹ. Nông dân nghèo như chúng tôi mừng lắm”. Chồng vừa dứt lời, chị Trâm vui vẻ nói: “Cái hay của vốn vay ưu đãi là được điều chỉnh theo từng năm phù hợp với mức tăng học phí. Nhưng những gia đình nông dân nghèo như chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước cho vay nhiều hơn để không chỉ đảm bảo học phí cho các cháu mà còn có điều kiện phụ thêm mua sắm thiết bị phục vụ học tập”. Căn nhà nhỏ đơn sơ ấm lên những tiếng cười giòn tan ẩn chứa bao hy vọng, niềm vui của những bậc làm cha làm mẹ khi con cái được Nhà nước tạo điều kiện học tập thành tài. “Bao nhiêu bộn bề, lo toan cho con giờ sắp đến ngày hái quả”, chị Trâm vui vẻ cho biết.

Rời Hưng Nguyên, theo quốc lộ 46, chúng tôi ngược lên Thanh Chương gặp gia đình cựu chiến binh Bùi Xuân Giáp, tại thôn 7, xã Thanh Mỹ. Có lẽ trong hàng vạn niềm vui của các gia đình được vay vốn theo Chương trình cho vay học sinh, sinh viên trên khắp cả nước thì gia đình ông Giáp cảm nhận sâu sắc nhất hiệu quả của chương trình cho vay này. Bởi ở xã nghèo này, không ai là không biết đến gương hiếu học của các con ông. Năm người con đều đã và đang theo học tại trường Đại học Vinh, Đại học Y khoa Hà Nội. Đất Thanh Chương vốn khô cằn sỏi đá, mang trên mình thương tật, gia đình lại đông con nên cuộc sống hết sức khó khăn nhưng ông quyết tâm đầu tư cho con học thành tài. “Nhà nghèo, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng, vất vả lắm!. Nhưng tôi luôn tâm niệm, dù có hoàn cảnh bần cùng đến mấy cũng phải lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, vì chỉ có sự học thì các con mới có tương lai, mới thoát cảnh nghèo như bố mẹ”, ông Giáp chia sẻ: “Nói là làm, tôi cùng vợ chật vật bươn chải công việc đồng áng, ngoài thời gian làm ruộng thì vợ chồng tìm việc làm thêm tần tảo để có tiền lo cho con. Đúng thời điểm khó khăn ấy, gia đình tôi nhận được tin vui, Nhà nước có chính sách cho sinh viên nghèo vay vốn để đi học, theo Quyết định 157. Đây thực sự là cứu cánh và chỗ dựa vững chắc cho gia đình trong lúc khó khăn”.

60092

Phụ huynh học sinh, sinh viên ở Nghệ An nhận vốn vay tại ngân hàng

Ảnh: Phương Đông

Trong 5 năm chương trình triển khai thực hiện cũng là những năm ông Giáp chấm dứt cảnh phải đi vay mượn tiền bên ngoài với lãi suất cao để chu cấp cho con học tập. Gia đình đã vay NHCSXH huyện Thanh Chương với tổng số tiền 83,2 triệu đồng và đã đều đặn trả tiền lãi được hơn 9,8 triệu đồng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, thương cha mẹ một nắng hai sương, các con ông đều chăm ngoan và học giỏi. “Hiện nay, tôi có 3 cháu ra trường, đã xin được việc làm ổn định, kể từ năm 2012 các cháu có thu nhập và thực hiện trả nợ cho ngân hàng cũng như phụ giúp bố mẹ nuôi các em tiếp tục ăn học”, ông Giáp tự hào. Nói xong ông đưa tôi xem những bức ảnh của con trong chiếc áo cử nhân với nụ cười rạng rỡ. Nụ cười mãn nguyện của người cha vượt qua bao nhọc nhằn, nối nhịp cầu đưa con đến bến bờ thành công. “Tôi vẫn tiếp tục vay cho 2 đứa còn lại ăn học. Nhưng giá như, có chính sách ưu đãi đối với những hộ gia đình tại vùng nông thôn có điều kiện kinh tế đang còn khó khăn nuôi 2 con trở lên học đại học, cao đẳng thì nông dân nghèo như chúng tôi thêm phấn khởi chú à”, ông Giáp kiến nghị.

Những địa danh mà chúng tôi đã đi qua, những gia đình nghèo hiếu học mà chúng tôi được tiếp xúc đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về một miền đất hiếu học đã nức tiếng từ bao đời. Phía sau nụ cười rạng rỡ của những phận đời nghèo khó và bước chân tự tin lên giảng đường của các con là hành trình âm thầm của nhiều cán bộ tín dụng NHCSXH tại Nghệ An “cõng” những đồng vốn ân nghĩa của Nhà nước vượt non ngàn đến với họ.

Thành Duy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác