Đường sáng tới trường…
Khi ước mơ thành hiện thực
Qua 5 năm thực hiện, bằng nhiều cách làm hay và hiệu quả NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng đưa Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên vào cuộc sống góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Từ nguồn vốn vay này đã giúp hàng nghìn học sinh, sinh viên tại Quảng Ninh được đi học. Đặc biệt là đối với đối tượng học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo… nguồn vốn chính sách dường như là “phao cứu sinh” duy nhất để các em vượt khó theo đuổi giấc mơ tới trường.
Em Nguyễn Thị Mai, khu 1, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô cho biết: Em sinh ra và lớn lên ở huyện đảo Cô Tô - một huyện đảo cách xa đất liền. Mọi điều kiện về vật chất và tinh thần vô cùng thiếu thốn. Gia đình em rất khó khăn, thu nhập chính nhờ vào nghề đi biển và mấy sào ruộng nên đời sống vô cùng chật vật. Năm 2007 bố em không may bị bệnh hiểm nghèo nên mọi gánh nặng dồn hết lên vai mẹ. Cùng lúc đó em nhận được giấy báo đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội 2. Các anh chị em khác trong gia đình cũng đều đang theo học ở một số trường đại học, cao đẳng… Trong lúc gia đình đang khó khăn, với chúng em, cánh cổng trường đại học dường như đã khép lại. May mắn là nguồn vốn của NHCSXH đã hỗ trợ kịp thời để chúng em có vốn đi học.
Nhắc lại chặng đường đi học đầy khó khăn nhưng cũng có nhiều kỷ niệm của mình, em Lại Thị Hải, tổ 5, khu 3, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long không khỏi bồi hồi, xúc động. Hải cho biết: Cách đây 5 năm, em thi đỗ vào trường Đại học Lao động xã hội Hà Nội. Rồi lần lượt 3 em của em đều thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Nhìn thấy các con của mình đỗ đạt, bố mẹ em rất phấn khởi và tự hào. Thế nhưng, gia đình rất khó khăn, bố em là thương binh hạng 4/4, mẹ làm công nhân Công ty môi trường đô thị. Chi phí trang trải cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi 3,5 triệu đồng/tháng của mẹ. Với số tiền đó để trang trải cho cuộc sống của cả gia đình còn không đủ làm sao có thể lo cho cuộc sống xa nhà của 4 chị em. Bởi vậy mà nguồn vốn vay của NHCSXH như là “chiếc phao cứu sinh” để chúng em có thể tiếp tục đi học, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Đó cũng là động lực để chúng em cố gắng phấn đầu học tập, ra trường có việc làm ổn định và trả các món nợ đó.
Trường hợp của Mai và Hải chỉ là hai trong số hàng nghìn học sinh, sinh viên của tỉnh Quảng Ninh đã và đang được nguồn vốn tín dụng Chương trình học sinh, sinh viên hỗ trợ đi học. Sau 5 năm triển khai, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tại Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực; từng bước khẳng định đây là chính sách đúng đắn có ý nghĩa xã hội cao, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, con em gia đình chính sách có điều kiện học tập. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 22.600 học sinh, sinh viên được vay vốn với doanh số cho vay gần 280 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 61 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2012, tổng dư nợ của chương trình đạt 217 tỷ đồng. Trong đó, cho vay đối tượng hộ nghèo chiếm 32,30% tổng dư nợ; hộ cận nghèo chiếm 6,95%; hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính 60,73% và học sinh, sinh viên mồ côi chiếm 0,02%. Về cơ bản, các đối tượng cho vay đã sử dụng đúng mục đích của nguồn vốn là phục vụ cho quá trình học tập. Nguồn vốn vay của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ cho con tới trường.
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay
Được biết hiện nay, tại 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều đã có các Điểm giao dịch của NHCSXH thực hiện việc trao các khoản vay hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Số lần giao dịch cũng được tăng trong tháng từ 2 - 3 lần để kịp thời giải ngân cho vay, kiên quyết không để hồ sơ tồn đọng. Thực tế qua 5 năm triển khai Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã có những kết quả rất tốt. Từ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh trang trải việc học cho con em mình, hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh, sinh viên. Số học sinh, sinh viên này sau khi hoàn tất việc học đã trở thành những lao động có tay nghề nuôi sống được bản thân và có những đóng góp nhất định cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn gặp một số khó khăn nhất định. Một số địa bàn xác định hộ vay còn lúng túng giữa hộ cận nghèo và hộ khó khăn tạm thời làm ảnh hưởng tới chất lượng chương trình. Việc xác nhận của các cơ sở đào tạo còn chưa được quan tâm đúng mức, thông tin trên giấy xác nhận đôi lúc còn chưa chính xác, thông tin cung cấp thiếu gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác nhận thông tin ban đầu để giải quyết. Hiện nay, vẫn chưa tạo được cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với NHCSXH trong việc quản lý và sử dụng vốn vay của học sinh, sinh viên như: Có bao nhiêu học sinh, sinh viên nhà trường xác nhận được vay vốn; học sinh, sinh viên vay vốn học tập sau khi hoàn thành khóa học phải cam kết trả nợ gửi cơ sở đào tạo như chuyển cam kết đến ngân hàng nơi cho vay để theo dõi, đôn đốc thu nợ chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra, tín dụng chính sách về học sinh, sinh viên liên quan đến nhiều Sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể trong khi các đơn vị này là kiêm nhiệm nên việc dành thời lượng đi kiểm tra, theo dõi vốn vay còn hạn chế chưa được thường xuyên do đó việc tháo gỡ các vướng mắc phát sinh chưa kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để nguồn vốn vay đối với đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy hiệu quả, ngân hàng đề nghị chính quyền địa phương thực hiện phân loại, thống kê, xác nhận đúng đối tượng cần vay vốn. Đối với các cơ sở đào tạo cấp giấy xác nhận cho học sinh, sinh viên cần điền đầy đủ, chính xác nội dung theo mẫu hiện hành. Bên cạnh đó, Chính phủ và địa phương nên chăng xem xét thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên đi du học ngoài ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận gần hơn với trình độ lao động ở các nước tiên tiến. Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, hội, đoàn thể để triển khai chương trình một cách có hiệu quả hơn nữa. Phấn đấu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 30%, đến cuối năm 2013 đạt 471 tỷ đồng, không để nợ quá hạn.
Với những cố gắng này, hy vọng nguồn vốn chương trình học sinh, sinh viên của NHCSXH tiếp tục soi sáng con đường đến trường của học sinh, sinh viên nghèo mà hiếu học…
Hồng Nhung
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thêm niềm tin để làm giàu
- » 10 năm trưởng thành cùng NHCSXH
- » Xã Đạo Đức nỗ lực phát triển kinh tế bền vững
- » Vốn ưu đãi "nâng cánh" người nghèo
- » NHCSXH gặp mặt đầu xuân Quý Tỵ
- » Thống đốc NHNN gặp mặt cán bộ, công chức ngành Ngân hàng đầu xuân Quý Tỵ
- » Dẫn nước sạch về thôn, bản nghèo trên đỉnh Hoàng Su Phì
- » Thoát nghèo, làm giàu từ nuôi gà đồi
- » THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
- » THÔNG BÁO về việc mời chào hàng cạnh tranh