Dẫn nước sạch về thôn, bản nghèo trên đỉnh Hoàng Su Phì
“Nhà mình đã có bể nước sạch như dưới xuôi”
Bên công trình nước sạch vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, ông Lù Văn Minh, dân tộc Nùng ở bản Qua II, xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) không giấu được phấn khởi, cho phóng viên biết “mình được Chính phủ hỗ trợ 2 triệu đồng, cộng với tiền vay ưu đãi từ NHCSXH huyện. Mình mua xi măng, bỏ công đóng gạch, xuống sông vét cát. Rồi lại được Đoàn Thanh niên giúp công xây dựng. Nhà mình đã có bể nước sạch để ăn. Lại còn xây được cả nhà tắm, nhà vệ sinh như ở dưới xuôi, mừng lắm”.
Ông Sả Minh Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Không chỉ nhà ông Minh, trong xã đã có 200 hộ đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng, La Chí, Mông cũng được hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ tính riêng trong năm 2012 đã có 45 công trình mới được xây dựng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Ông Diễm cho biết thêm, từ các nguồn tài trợ, đồng bào cùng góp công, góp sức, xã đã xây xong công trình cấp nước sinh hoạt cho khu trung tâm phục vụ cho trường Mầm Non, Trạm xá xã và UBND xã. Sang năm mới, bể tích nước từ trên nguồn vừa hoàn thành sẽ cung cấp nước cho trường cấp I, cấp II nội trú. Các cháu học sinh sẽ đỡ khổ vì đã có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt.
Hà Giang có đặc thù địa hình đồi, núi đá chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết, khí hậu có nhiều diễn biến bất thường, địa hình thôn bản lại rộng, đồng bào sống phân tán, nên rất khó để xây dựng những công trình cấp nước tập trung, cấp nước liên xã. Do vậy, việc xây dựng công trình nước sạch tại hộ gia đình, cấp nước tại bản có ý nghĩa quan trọng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Hồng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi đã đưa gần 115 tỷ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ giúp gần 16,5 nghìn hộ đồng bào trong tỉnh xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để phục vụ sinh hoạt”.
Cả nước có thêm gần 1,7 triệu người dân nông thôn được dùng nước sạch
Cùng với Hà Giang, trong năm 2012 Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, số người được sử dụng nước hợp vệ sinh ngày một tăng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hạ Thanh Hằng - Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Tính đến nay, đã có hơn 80% người dân nông thôn trong cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhờ đó đã có thêm gần 1,7 triệu người dân nông thôn có nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Đáng phấn khởi là, người dân nông thôn ở nhiều tỉnh thành như: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bến Tre; Vĩnh Long, Kon Tum, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La… không chỉ ý thức đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn phục vụ cho sinh hoạt tại gia đình mình, mà còn tham gia quản lý, vận hành hiệu quả các công trình cấp nước tập trung tại mỗi thôn, bản để phục vụ sinh hoạt của cộng đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ từ vốn ưu đãi của Chính phủ cho nhân dân vay đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong cả nước lên tới gần 10.631.286 triệuđồng. Nhờ có nguồn vốn trên, người dân nông thôn trên toàn quốc đã xây dựng được trên 4,2 triệu công trình nước sạch và công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch lên 82% trong năm 2013
Bà Hạ Thanh Hằng - Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, trong năm 2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu nâng tổng số dân nông thôn trong cả nước có nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 82%. Theo đó, Bộ phấn đấu cấp nước hợp vệ sinh cho thêm khoảng 1,2 triệu dân với khoảng 1 nghìn công trình cấp nước mới.
Ông Nguyễn Văn Lý cũng thông tin rằng năm 2013, NHCSXH Việt Nam dự kiến dành khoảng 3 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để giúp nhân dân đầu tư công trình nước sạch tại mỗi gia đình, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thay đổi dần tập quán lạc hậu của nông thôn miền núi về sử dụng nước, chăn nuôi và vệ sinh ở làng, bản.
Đức Thành
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo, làm giàu từ nuôi gà đồi
- » THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
- » THÔNG BÁO về việc mời chào hàng cạnh tranh
- » Người Tổ trưởng tận tâm
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Cần Thơ tổng kết hoạt động năm 2012
- » Nâng cao chất lượng uỷ thác tín dụng
- » Kết quả năm 2012 của NHCSXH tỉnh Tuyên Quang
- » Được mùa dưa hấu Tết Quý Tỵ
- » Xuân về trên quê mới Lâm Hà
- » Đảng bộ xã Hùng Lợi quan tâm lãnh đạo công tác giảm nghèo