Nâng cao chất lượng uỷ thác tín dụng

06/02/2013
(VBSP) Thông qua nhiều chương trình cho vay, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã giúp nhiều hộ dân có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và trả nợ vay đúng kỳ hạn cho ngân hàng.
600Nang-cao-chat-luong-uy-t

Nhờ vốn vay ưu đãi của Chính phủ mà bà con nghèo ở huyện Cái Nước có điều kiện tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống

Qua đó, đưa hoạt động của NHCSXH tỉnh Cà Mau ngày càng được nâng cao và đi vào ổn định, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong tỉnh.

Bà Trần Thị Sự - Giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, phấn khởi cho biết, năm 2012, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được những chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra như: tăng trưởng nguồn vốn để đầu tư các chương trình tín dụng chính sách, thực hiện tốt công tác xử lý nợ đến hạn, nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, chất lượng hoạt động của các ngân hàng được nâng lên, công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện.

Đặc biệt, việc thực hiện một số chỉ tiêu theo Đề án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách hoàn thành vượt mức theo lộ trình được phê duyệt…

Năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn cho 9.678 hộ nghèo, giải quyết việc làm cho 3.017 lao động, 4.589 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để chi phí học tập, xây dựng 6.030 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông dân, 128 căn nhà cho hộ nghèo…

Đưa vốn đến gần dân hơn

Với phương châm “đưa vốn đến gần dân hơn”, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, đến nay toàn tỉnh có 100/101 Điểm giao dịch cấp xã. Các Điểm giao dịch chính là nơi hội tụ của ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân cùng thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các chương trình vay vốn tại địa phương.

Trước hết, tại các Điểm giao dịch, NHCSXH công khai các chế độ, chính sách, lãi suất cho vay từng chương trình, công khai danh sách hộ gia đình được giải ngân vay và dư nợ vốn, thông báo các quy định mới về các chương trình tín dụng… thông qua bảng thông báo.

Đây không chỉ là phương tiện để công khai, minh bạch các chương trình cho vay ưu đãi, mà còn là một hình thức tuyên truyền hiệu quả giúp nhân dân nắm rõ các quy định và nâng cao hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của từng chương trình cho vay, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đối tượng sử dụng vốn.

Bà Trần Thị Sự cho biết thêm, trên cơ sở sự phối hợp, hỗ trợ đắc lực của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp… NHCSXH sớm mở rộng hoạt động, đến nay đã xây dựng được 2.753 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 100 điểm giao dịch, để thực hiện tốt trọng trách của mình là vừa huy động nguồn vốn trong dân, vừa đưa nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đến tay người nghèo, hộ nghèo, hộ trong diện chính sách, giúp họ từng bước thoát nghèo vững chắc.

Nhờ vậy, tổng dư nợ tín dụng tính đến hết năm 2012 thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với năm 2011, trong đó có trên 11 tỷ đồng huy động được từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nâng cao chất lượng uỷ thác tín dụng

Hiện nay, 11/11 chương trình tín dụng chính sách đều được uỷ thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể thông qua hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH hiện đang uỷ thác cho vay đối với 4 tổ chức hội, đoàn thể với hơn 2.700 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Để từng bước nâng cao năng lực hoạt động của các tổ, thời gian qua, NHCSXH phối hợp chặt chẽ với các tổ chức uỷ thác, chính quyền các địa phương tăng cường rà soát, sắp xếp, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Từng bước trang bị kiến thức, nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn cách xử lý các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tăng cường tuyên truyền ở cơ sở thông qua những buổi giao dịch tại các xã, thị trấn, tuyên truyền cơ chế, chính sách mới cho những thành viên trong các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn qua đó cũng kịp thời nắm bắt, triển khai và đưa nguồn vốn đến với các hộ nghèo, hộ chính sách đúng đối tượng…. Nhờ chú trọng đến công tác kiện toàn tổ chức nên các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đã phát huy hiệu quả vai trò uỷ thác, trở thành cầu nối quan trọng của NHCSXH trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn tại cơ sở.

Hoạt động vay vốn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh được thực hiện khá chặt chẽ, các cấp hội tuân thủ nghiêm ngặt những công đoạn, quy trình cho vay. Nhờ đó, chất lượng tín dụng uỷ thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ngày càng được nâng lên.

Cùng với việc duy trì các Điểm giao dịch tại xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ chức nhận uỷ thác đang khẳng định vị trí và vai trò không thể thiếu trong hoạt động tín dụng của NHCSXH.

Hồng Phượng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác