Xuân về trên quê mới Lâm Hà

05/02/2013
(VBSP) Hơn 30 năm kể từ khi rời vùng ven Hà Thành vào miền nam Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới tại xã Hòa Bình, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có lẽ năm nay người dân chuẩn bị đón mùa xuân mới, ăn một cái Tết khấm khá nhất. Vào những ngày này nơi đây đang diễn ra cảnh nhộn nhịp thu hái cà phê, gặt lúa và nghe được tiếng cười nói vang khắp các bản làng thôn xóm.
600Xuan-ve-tren-que...-doc

Anh Lê Hoàng Phương xóm Tân Bình, xã Hòa Bình đang kiểm tra chất lượng kén tằm

Bác Trần Thị Nụ ở xóm Tân Bình, xã Hòa Bình vui vẻ cho biết: “Nhà tôi rời huyện Gia Lâm, Hà Nội năm 1978 theo diện đi kinh tế mới. Vào đây nhà trồng cà phê, nuôi tằm kéo tơ, dù cuộc sống chưa sung túc lắm nhưng thoát hẳn nghèo khó rồi vì được vay vốn ưu đãi hơn 60 triệu đồng vừa để trồng trọt, chăn nuôi, vừa để khoan giếng lấy nước sạch cho người sử dụng và sản xuất, lại lo cho con cái về thành phố học đại học Bách khoa nữa đấy, mấy chục năm đi xây dựng kinh tế mới, năm nay nhà tôi nhất định ăn Tết Quý Tỵ to hơn, đàng hoàng bởi đồng ruộng được mùa, con cái tốt nghiệp đại học loại ưu tú và đặc biệt gia đình đã hết nợ vay của NHCSXH”.

Rời nhà bác Nụ, chúng tôi đến nhà anh Lê Hoàng Phương ở thôn Tân Hà khi anh đang hí húi buộc cành đào to, đầy nụ giữa ngôi nhà mới xây. Anh Phương là chủ cơ sở sản xuất tằm giống, đồng thời là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Tân Hà nhờ có nghề sửa xe máy, chữa máy cày, máy bơm nước giỏi nên được nhiều nơi mời gọi đi làm với lương bổng khá hậu hĩnh nhưng anh quyết ở nhà bám đất, bám ruộng. Ở lại quê nhà, anh vay vốn NHCSXH vừa khai phá đất đồi trồng cà phê hồ tiêu, vừa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi tằm giống. Anh bảo rằng, thu nhập nếu so với thành thị thì chẳng đáng là bao nhưng ở quê là khá lắm rồi thì đi làm gì cho khổ, lại xa vợ xa con.

Theo anh Phương, năm 1981 gia đình anh rời huyện Từ Liêm, Hà Nội, vào huyện Lâm Hà làm kinh tế mới. Cuộc sống ban đầu rất vất vả do nơi đây rừng núi hoang vu, người dân thưa thớt, lúc đầu nhiều người chịu không nổi phải trở về quê do căn bệnh sốt rét hoành hành kinh khủng. Thế nhưng nhờ cần cù, chịu khó và được các dự án, chương trình của Chính phủ như 134, 135 hỗ trợ, nhất là thời gian qua được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ từ kênh NHCSXH tiếp sức kịp thời, đầy đủ làm cho người dân vùng kinh tế mới vượt qua khó khăn thử thách, cuộc sống ngày càng no đủ. Được biết Tổ tiết kiệm và vay vốn do anh Phương làm Tổ trưởng có 47 thành viên tình nguyện tham gia đến nay có số dư nợ với NHCSXH gần 900 triệu đồng. Bà con đã sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư thâm canh cây cà phê, hồ tiêu, trồng dâu nuôi tằm, xây dựng 89 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Điều đáng mừng hơn, năm nào ở Tổ tiết kiệm và vay vốn của anh Phương cũng có khá nhiều con em thi đậu các trường đại học, cao đẳng và năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, chỉ riêng thôn Tân Hà đã có 17 gia đình được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên của NHCSXH huyện Lâm Hà để yên tâm học tập đến nơi đến chốn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thanh - Chủ tịch, Trưởng ban xây dựng nông thôn mới xã Hòa Bình cho biết, năm nay là năm mà người dân Hòa Bình đón cái Tết tuyệt vời nhất, không khí đón xuân rất đầm ấm và phấn khởi. Thời gian qua, NHCSXH đã cho bà con vùng kinh tế mới vay 22,7 tỷ đồng. Hầu hết đồng vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích, góp phần thúc đẩy phát triển các cây trồng chủ lực của xã như cà phê, hồ tiêu, ngô lai, mía… đều được mùa, được giá, nên các hộ đều tự nguyện nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn. Hiện cả xã không có nợ quá hạn và hộ nghèo chỉ còn 4,5%;  số hộ là giàu có đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nhiều.

Xã cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích như hội hoa xuân, văn nghệ truyền thống… để năm nay thực sự là một cái Tết no ấm, yên bình đã về với người dân trên quê hương mới.

Thanh Hiền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác