Tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH quận Tây Hồ (Hà Nội)

04/02/2013
(VBSP) NHCSXH Quận đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động (2003 - 2012), triển khai phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2020. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Kim Phung - Phó giám đốc NHCSXH thành phố Hà Nội.

600Tong-ket-10-nam-hoat-don

Qua 10 năm hoạt động, mô hình tổ chức của NHCSXH quận Tây Hồ không ngừng được hoàn thiện, mạng lưới hoạt động đã mở rộng đến 8/8 phường, đưa các sản phẩm dịch vụ và tiện ích đến gần hơn với người nghèo và các đối tượng chính sách. Hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH quận đã phát huy tốt vai trò được giao, thực hiện quản trị hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách, hoạch định và giám sát việc thực thi chính sách tín dụng của Nhà nước trên địa bàn. Xây dựng và hoàn thiện quy trình chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng thông qua phương thức uỷ thác cho vay đối với các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giảm biên chế, tiết giảm chi phí quản lý.

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, NHCSXH đã huy động được nhiều cán bộ có tâm huyết từ các cơ quan chính quyền, hội, đoàn thể tham gia quản trị và nhận uỷ thác quản lý vốn vay. Hiện có hàng trăm cán bộ của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân đang tham gia thực hiện dịch vụ uỷ thác cho NHCSXH. Ngoài ra, việc tổ chức giao dịch công khai tại phường đã tạo điều kiện để mọi người dân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, an sinh xã hội. Thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi, NHCSXH đã khẳng định là một công cụ hữu hiệu của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cơ chế cho vay ngày càng hoàn thiện, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ được thực hiện thông thoáng, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, nhân dân ở mọi khâu của quá trình cho vay. Bên cạnh công tác cho vay vốn, NHCSXH đã thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm từ cộng đồng người nghèo thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm đã hoàn thiện mô hình tài chính vi mô, giúp người nghèo kế hoạch hoá chi tiêu quỹ tài chính gia đình. Nguồn vốn huy động được sử dung cho vay lại ngay các thành viên trong Tổ nên đã khuyến khích các thành viên tham gia gửi tiền.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH trong 10 năm qua đã bộc lộ những mặt hạn chế như: Nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm; Một số phường chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền chính sách, rà soát, điều tra cập nhật hộ nghèo mới phát sinh còn chậm, trong bình xét cho vay còn lúng túng, e dè, cả nể, ngại triển khai cho vay; Chất lượng tín dụng chính sách từng bước được nâng cao nhưng chưa đồng đều giữa các phường, các chương trình tín dụng; Mức cho vay giải quyết việc làm không còn phù hợp với tình hình hiện nay, không phù hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp; thời hạn cho vay theo quy định hiện hành chưa phù hợp với các đối tượng chính sách; Thiếu cơ chế lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn; giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội; Các tổ chức nhận uỷ thác ở một số phường chưa bao quát toàn diện đến các công đoạn được uỷ thác, nhất là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động của các tổ, khả năng quản lý vốn chưa cao; Một bộ phận hộ vay mới thoát nghèo, đã đến hạn trả nợ nhưng phát sinh tâm lý không muốn trả nợ do khó tiếp cận với vốn vay của các Ngân hàng Thương mại.

Thực hiện Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, quận Tây Hồ đã xây dựng phương hướng đến năm 2020 là “Phát triển NHCSXH quận theo hướng ổn định bền bững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Phấn đấu, huy động đủ nguồn lực để 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH quận cung cấp”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Phung - Phó giám đốc NHCSXH thành phố Hà Nội nhất trí cao với báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH quận Tây Hồ. Đồng chí khẳng định, kết quả 10 năm hoạt động của NHCSXH quận rất ấn tượng, tính đến cuối năm 2012, tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 45,5 tỷ đồng so với khi mới thành lập 2003, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đều đạt trên 30%; Tỷ lệ cho vay giải quyết việc làm tăng trưởng mạnh, đạt tỷ lệ 542%, bình quân tăng 2,2 tỷ đồng/năm. Phương thức cho vay uỷ thác được thực hiện tốt, thể hiện tính dân chủ cao; đáp ứng đủ nguồn vốn cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, toàn quận không có trường hợp học sinh bỏ học vì nghèo. Nhân đây, đồng chí cũng đề nghị quận cần bố trí thêm nguồn vốn cho vay để đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Việc đánh giá chỉ tiêu nghèo hiện nay còn nhiều bất cập, do đó cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tế hơn nữa; đề ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề xử lý nợ quá hạn còn tồn tại.

Nhân dịp này, UBND quận đã tặng giấy khen 20 tập thể và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm hoạt động của NHCSXH quận Tây Hồ (2003 - 2012).

Bạch Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác