Phát triển cây đậu tương tại vùng quê Tiến Thuận

02/02/2013
600Phat-trien-cay-dau-tuong

Nông dân chọn cây đậu tương làm động lực xóa nghèo là đúng hướng

Với chủ trương ngăn ngừa tình trạng đó và giúp đỡ người dân vùng biên giới có việc làm, thoát nghèo tại chỗ, tỉnh, huyện triển khai nhiều chủ trương, biện pháp, trong đó: coi trọng công tác đầu tư vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Từ mùa xuân năm 2007, nhờ chính sách đổi mới, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở xã Tiến Thuận được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, tiến hành quy hoạch bố trí lại ruộng vườn, chủ động cơ cấu mùa vụ, khôi phục các cơ sở làm nghề thủ công như: mây tre đan, sản xuất bánh tráng…

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế thổ nhưỡng đất đai và được NHCSXH huyện tích cực hỗ trợ, Hội Nông dân xã Tiến Thuận đã chủ động xây dựng, triển khai dự án hướng dẫn nông dân vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi vào việc khai hoang, phục hóa, trồng thử nghiệm cây đậu tương trên vùng đất đồi. 377 hộ dân được vay vốn chính sách thuận lợi, bình quân mỗi hộ 20 triệu đồng, và tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt. Từ động lực đó, cả dải đồi hoang hơn 300ha được gieo trồng cây đậu tương giống mới, vừa đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho người dân, vừa phủ xanh, làm giàu dinh dưỡng vùng đất trống, đồi trọc nơi biên giới xa xôi. Cùng với đó, là 18,5 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH đã làm cho hệ thống các tuyến giao thông được cải thiện, tạo điều kiện đi lại cũng như thông thương hàng nông sản thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Ngày nay, bà con vùng giáp ranh biên giới có trạm cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhà ở vững chắc, ấm áp để đón xuân, ăn Tết. “Sự đổi thay kỳ diệu nơi biên giới nghèo khó chúng tôi có phần đóng góp lớn lao, hiệu quả của NHCSXH huyện Bến Cầu đấy”, Chị Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch UBND xã Tiến Thuận khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch xã Nguyễn Thị Duyên thì do biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi nên đồng ruộng hoang hóa, từ hồi chiến tranh biên giới năm xưa, nay đã xanh tươi được mùa lúa, đậu tương, cao su. Nhiều hộ nông dân thoát cảnh đói nghèo, đời sống ổn định. Chị Huỳnh Thị Lắm ở ấp Rường Dầu cho biết: Trước đây, cũng như bà con xóm ấp, cuộc sống gia đình chị no đói phập phù lắm, tháng ngày chỉ biết gánh nặng, vác mướn hàng lậu qua biên giới, kiếm đủ bữa ăn qua ngày đoạn tháng. Chỉ đến khi được vay vốn và thêm nữa là việc cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi, bởi thế cái đầu mới tỉnh táo, sáng sủa ra. Ngoảnh đi ngoảnh lại ngoài việc lựa chọn 1 số con heo giống khỏe và các bao đậu tương hạt to mẩy để bán vừa để trả lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng vừa tích lũy mua sắm thêm vật dụng tiện ích phục vụ sinh hoạt, sản xuất, thì với 1 năm 3 vụ đậu tương sai quả cùng 2 lứa heo giống xuất chuồng, kinh tế gia đình chị Lắm giàu có trông thấy.

Tâm sự với mọi người, chị Lắm xúc động nói: “Nhờ có NHCSXH làm bà đỡ cho cả nhà tôi định cư tại quê nhà làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no, tươi sáng như ngày nay. Tôi luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách thức sử dụng vốn vay ưu đãi để cùng bà con thoát nghèo, làm giàu”.

Cùng với chị Lắm, ở nơi giáp ranh biên giới này đã đang xuất hiện nhiều gương điển hình sử dụng vốn vay ưu đãi thoát nghèo, xây dựng đời sống mới, ấm no, hạnh phúc.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác