Làm giàu từ trồng cam trên cao nguyên Lang Biang

31/01/2013
(VBSP) Trên cao nguyên Lang Biang thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), hiện đang có một trang trại rộng khoảng 6,7ha trồng trái cây đặc sản, như cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, quýt Tích Giang, quả phật thủ… Đó chính là trang trại của anh Nguyễn Phú Đức (quê ở tận ngoài Bắc thuộc xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc ngoại thành Hà Nội, nơi nổi tiếng của trái cây cam đường Canh, bưởi Phú Diễn) vào Tây Nguyên lập nghiệp đã ngót 10 năm nay.
60011393

Cây cam Canh trĩu quả, phải buộc dây đỡ, của anh Nguyễn Phú Đức

Tiếp khách tham quan ngay giữa đồi cam, quýt, chủ trang trại Nguyễn Phú Đức kể chuyện: “Tôi học xong trung học cơ sở, cộng thêm 3 năm đi bộ đội nghĩa vụ, sau đó về quê xứ Đoài Hà Tây làm kinh tế. Lúc đầu tôi cũng làm ruộng, trồng cam như bao người khác, bởi quê tôi có nghề truyền thống trồng cam Canh và quýt Tích Giang. Nhưng do đất đai có hạn, vốn ít, cho nên “cày mãi” cũng chẳng ăn thua, quanh năm vẫn thiếu trước, hụt sau, vì thế đầu năm 2002, trong một lần vào Lâm Đồng thăm gia đình họ mạc, thấy đất đai vùng Lạc Dương còn khá rộng, quanh năm mát mẻ, rất phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả, rau xanh, vì thế tôi có ý tưởng mang giống cam Canh vào để trồng từ đó. Mình chỉ cần có đất, có vốn cùng với quyết tâm, kỹ thuật trồng trọt có sẵn thì chắc chắn sẽ làm giàu được”.

Để thực hiện ước mơ thoát nghèo, làm giàu bằng nghề truyền thống trồng các loại cây ăn trái trên quê mới, anh Đức đã cùng vợ con chuyển vào định cư ở xã Đa Sa, Lạc Dương, Lâm Đồng. Hành trang của họ lúc bấy giờ ngoài một ít tiền đủ sinh hoạt cho gia đình trong 3 tháng. Đủ trả tiền đất và một số cây giống có sẵn của nhà như: cam Canh, bưởi Diễn, quýt Tích Giang… Vừa vào đến vùng đất mới, vợ chồng anh đã “nhập gia tuỳ tục”, tham gia sinh hoạt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân của thôn và may mắn được bình xét vay ngay 20 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện. Với sự thuận lợi đó, lại được bàn tay lao động cần mẫn của cả 2 vợ chồng, cây cam, cây quýt gốc Hà Thành lớn nhanh như thổi, chỉ sau hơn một năm, vườn đồi cây ăn trái đã cho thu hoạch. Những trái cam Canh đầu mùa to bằng vốc tay, mỏng vỏ, màu vàng ươm, ăn ngọn lịm, không thua kém gì ở ngoài Bắc. Hơn thế nữa, cam Canh trồng trên cao nguyên lại bán được giá, khách hàng tìm đến tận vườn giành nhau mua hết.

Theo anh Đức kể thì việc NHCSXH giải quyết cho gia đình anh cùng nhiều hộ dân từ các nơi vừa “chân ướt chân ráo” chuyển đến sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên vay vốn ưu đãi chính là nguồn tiếp sức, cổ vũ kịp thời, để nông dân  chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất nông nghiệp, vừa xoá nghèo bền vững, vừa nâng cao đời sống cũng như thu nhập của người dân ngày một cao hơn. Chính đồng vốn từ NHCSXH huyện Lạc Dương đã góp phần đắc lực gây dựng nên trang trại vườn cây ăn trái phong phú của Nguyễn Phú Đức. Từ những vụ cam quýt bội thu, làm ăn được, có lãi lớn, anh Đức lại đầu tư vào mua 6ha đồi hoang, cải tạo thành đất vườn chuyên trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Trước Tết vừa rồi, anh còn vào tận Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mua giống cam Mỹ về bổ xung cho trang trại của mình. Ngoài ra, anh còn trồng thêm 2ha hồng giòn Đà Lạt.

Sau 8 năm gắn bó nghề trồng cây ăn trái trên cao nguyên, anh Đức đã là một trong những người tiên phong trong việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi và kỹ thuật mới trong việc mang các giống cam quýt đặc sản lên vùng đất mới để phát triển và làm giàu. Tính ra mỗi năm gia đình anh thu nhập đến 700 triệu đồng, chưa kể mỗi dịp Tết đến xuân về anh bán được rất nhiều cam quýt cảnh. Trang trại của anh đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động tại địa phương. Con gái lớn của anh đang học năm thứ 4 trường Đại học công nghệ sinh học để khi tốt nghiệp sẽ về cao nguyên làm kỹ thuật của trang trại. Không dừng lại ở đấy, anh Đức đang lập dự án vay 500 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để mở rộng trang trại và quyết tâm xây dựng thương hiệu “Cam Canh Đà Lạt” đưa đặc sản cam ngọt của quê hương mình đi đến tận thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Chúng ta tin tưởng và chúc mừng ước mơ của chủ trang trại trên cao nguyên Lang Biang thành hiện thực.

Trần Văn Đởng

Một bình luận cho bài viết "Làm giàu từ trồng cam trên cao nguyên Lang Biang"

  1. Nguyễn Chí Quyết Góp ý:

    Không biết giờ vườn nhà anh còn lưu giữ giống quýt Tích Giang hay không? Mình muốn tìm lưu lại giống quýt quê hương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác