“Vua” dứa vùng biên
Đã 23 năm, nhưng ông Thào Dìn vẫn nhớ như in, ngày đó - ông kể, năm 1991, nhà mình cùng 20 hộ người Mông phải rời bỏ vùng đất Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai) kéo nhau về bản Cốc Phương tìm vùng đất mới. Có đất, nhưng người Mông vẫn canh tác theo phương thức cổ truyền: đốt nương làm rẫy, chọc lỗ tra ngô, trồng sắn, năm nào không đủ ăn thì vào rừng đào củ mài. “Đói thì đầu gối phải bò”, ông cùng dân bản phải đi làm thuê cho người Lống Pâu, Hà Khẩu, Vân Nam (Trung Quốc). Bên đó người ta trồng nhiều chuối, dứa lắm, hết làm cỏ, bỏ phân, đến mùa dứa chín lại sang bẻ và gùi dứa thuê lấy tiền, gạo về nuôi vợ, con. Nhiều đêm nằm không ngủ, Thào Dìn tự hỏi: “Lống Pâu cách mình có một con suối nhỏ mà sao người ta làm ăn giỏi thế, giàu thế? Mình cũng có đất, có rừng mà sao nghèo mãi không thôi”? Vừa làm thuê, vừa quan sát, âm thầm học hỏi, nhất là cách pha chế thuốc sinh học kích thích cây dứa ra quả, cách tiếp thị khách mua dứa. Cuối năm 1994, khi đã tin chắc mình sẽ trồng được dứa, chuối như người Lống Pâu, Thào Dìn không nhận gạo từ tay ông chủ. Số tiền công ông chuyển sang mua dứa giống. Thấy ông chủ ngạc nhiên, Thào Dìn khiêm tốn nói: “Tôi về làm thử nếu không được sẽ làm thuê cho ông suốt đời”. Cuộc “làm thử” thành công. Năm 1995, ông bóp bụng mua 1 vạn gốc dứa rồi huy động vợ con, anh em gùi lên đồi trồng trong vòng 1 tuần. 18 tháng sau, đồi dứa cho quả chín đều. Ông mừng, vì 1 vạn gốc được 5 tấn quả, giá 1 nghìn đồng/kg, sẽ được 5 triệu đồng. Nhưng, ngày đó đường lên bản Cốc Phương chỉ là một lối mòn, ông phải thuê người gùi dứa đi xa 4 - 5 km để bán. Tính ra, dứa được mùa, nhưng lãi không được bao nhiêu.
Vụ thứ 2, ông dồn vốn mua thêm 1 vạn gốc nữa. Mùa thu hoạch, 10 tấn dứa vừa gùi về nhà, trời đổ mưa kéo dài hơn 1 tuần, dứa thối. Ông lỗ tiếp 10 triệu đồng. Hơi sợ, nhưng chưa “quá tam ba bận”, ông bàn với vợ bán 5 con trâu khỏe, vay NHCSXH 30 triệu đồng trong chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, sang Lống Pâu mua 3 vạn gốc dứa giống về trồng. Vụ này, dứa chín, trời mỉm cười với chàng trai trẻ người Mông có chí thoát nghèo, đường vào bản được Nhà nước mở rộng. “Thiên thời và địa lợi”, không phải thuê người gùi dứa đi bán đường xa, kết thúc vụ dứa thu được 15 triệu đồng. Qua bước “khởi đầu nan”, những mùa sau ông liên tiếp gặt hái thắng lợi.
Từ năm 2007 đến nay do luôn thắng đậm, bà con Bản Lầu gọi ông là “vua” dứa, còn được bà con nhân dân tin tưởng, chính quyền xã đề bạt ông làm Trưởng thôn Cốc Phương. Đầu năm 2013, nhân chuyến thăm và làm việc với tỉnh Lào Cai, huyện biên giới Mường Khương, Thào Dìn đã vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình. Trong căn nhà mới xây khang trang, hiện đại ước tính tiền tỷ, ngoài sân có cả ô tô tải chở hàng, Tổng Bí thư hỏi chủ nhà về việc trồng dứa, chuối có gì khó khăn, như: vốn, lao động, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông thưa, nhà có 7,5ha dứa, 3ha chuối. Về vốn, lúc đầu khó khăn vay NHCSXH hết nghèo thì nhường lại cho người khác. Về lao động, chỉ khi trồng hay vào mùa thu hoạch mới thuê người làm. Mỗi năm gia đình thu 700 triệu đồng. Có dứa là có người mua. Bản Lầu là xã có quan hệ hợp tác và hữu nghị với người dân bên kia biên giới, sản lượng dứa, chuối họ tiêu thụ là chính.
Từ chỗ chỉ có 20 hộ từ Pha Long chuyển về, giờ bản Cốc Phương có tới 45 hộ người Mông định cư. Làm cho mình giàu rồi, Thào Dìn còn mong những hiểu biết trong “cái đầu” của mình sang đầu người khác. Ông “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn tường tận cho bà con từ cách trồng đến chăm sóc dứa, chuối sao cho hiệu quả. Nhờ biết tiếng Quan Hỏa anh làm luôn “tham tán thương mại” để mặc cả giá bán, ký kết thỏa thuận với thương lái Trung Quốc giúp bà con. Mấy năm nay ở Cốc Phương hộ nào cũng trồng dứa, chuối; hộ ít 5 - 7 ngàn gốc, hộ nhiều 20 - 50 ngàn gốc, mỗi năm thu nhập bình quân 200 triệu đồng/hộ. Cả bản hết nghèo, nhưng nhiều hộ vẫn tiếp tục vay vốn NHCSXH trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, với mức vay 30 triệu đồng/hộ.
Khởi đầu từ bản Cốc Phương, giờ 21 thôn, bản trong xã Bản Lầu đều trồng dứa, chuối, trở thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, với diện tích 750ha dứa, 200ha chuối (còn phát triển trong những năm tới). Mỗi năm mang về cho dân Bản Lầu hàng chục tỷ đồng. Năm 2012, xã Bản Lầu có tổng dư nợ của NHCSXH 24 tỷ đồng, với 9 chương trình cho vay, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (gần 8,7 tỷ đồng).
Bản Lầu đang ngày càng có nhiều “vua” dứa như ông Thào Dìn.
Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng ưu đãi ở Hà Tĩnh có dư nợ tăng trưởng khá, chất lượng được nâng cao
- » UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội) tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH
- » Xã Pờ Ê được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- » Hướng mới của nông dân Vĩnh Thanh
- » Huyện Mê Linh (Hà Nội) tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH
- » Âm vang phố Ràng
- » Xác định đúng đối tượng thì hiệu quả cao
- » Hội nghị tổng kết 10 năm thành lập NHCSXH thị xã Thái Hòa (Nghệ An)
- » NHCSXH huyện Tiên Du (Bắc Ninh): 10 năm qua doanh số cho vay đạt 344 tỷ đồng
- » Cùng lên xóm núi Tân Quảng