Cùng lên xóm núi Tân Quảng

27/01/2013
(VBSP) Ngày 18/12 - ngày giao dịch cuối cùng của năm Dương lịch 2012 giữa Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Thành với các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Gặp dịp, tôi được Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch bố trí đi cùng Đoàn công tác của đơn vị về xã Tân Thành gặp gỡ, hỏi chuyện các “thượng đế” có mặt ngày hôm đó.

Nhưng thật quá bất ngờ! Chắc là đã có thông tin trước qua điện thoại di động cho nên khi chiếc xe ô tô chở Đoàn công tác vừa dừng trước cổng vào sân Hội trường UBND xã Tân Thành thì một chị trạc tuổi 50 hối hả đến chào Đoàn và theo đó, có sự hội ý nhanh với cán bộ nghiệp vụ tín dụng, mời tôi lên xe cùng đi cơ sở… Qua hỏi chuyện, tôi mới biết đó là chị Nguyễn Thị Duyên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Quảng, xã Tân Thành - người Tổ trưởng duy nhất trong khối Hội Phụ nữ các xã trong huyện vinh dự được lên diễn đàn đọc tham luận, báo cáo thành tích tại Hội nghị toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên vừa diễn ra. Chị Duyên tâm sự: xã Tân Thành được tách ra từ xã Đức Thành mới vài chục năm nay. Kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được phát triển đồng bộ như các xã khác. Là một xã miền núi, đất rộng, người thưa. Cả vùng đất Tân Thành rộng hàng trăm ha, trước đây là nơi lập nghiệp của Tổng đội thanh niên xung phong của tỉnh Nghệ An, với thế mạnh là chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu nhiều hơn trồng lúa. Dân cư ở đây, vì thế mà cũng phổ biến là người từ các xã, huyện khác trong tỉnh như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… Nhà ở của dân cư viền quanh chân núi, ven khe suối quây quần bên nhau, hình thành các Tổ liên gia đầm ấm. Là xóm, xã miền núi, sinh sau đẻ muộn, đời sống còn khó khăn cho nên rất gắn bó, quan hệ thân thiết, nhờ cậy vào sự hỗ trợ của các Ngân hàng thương mại, mà trước hết là NHCSXH. Từ các chương trình tín dụng xóa đói, giảm nghèo; xuất khẩu lao động có thời hạn; học sinh, sinh viên; sản xuất kinh doanh; làm nhà mới; nước sạch và vệ sinh môi trường… đều dựa vào nguồn vốn cưu mang (giá rẻ) của NHCSXH. Chương trình nào cũng vậy, khi có chủ trương, chính sách của Nhà nước ban hành, có cơ chế quản lý, vận hành của NHCSXH là cán bộ xã mà trực tiếp là các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn học tập trước, nắm chắc các nội dung, cách làm cũng như các quy định thực hiện đối với người được hưởng thu, sử dụng vốn… sau đó mới thông tin, phổ biến tới từng người dân, từng đối tượng vay vốn. Với Tổ tiết kiệm và vay vốn Tân Quảng, nhiều lúc cán bộ Tổ thường “đóng vai” cán bộ cấp trên chất vấn người vay vốn: Tiền này của ngân hàng nào? cách  sử dụng của gia đình? bao giờ đến hạn trả nợ? nếu không trả đúng hạn thì sao?… để người vay luôn nhớ tới trách nhiệm của mình. Trong các chương trình tín dụng của NHCSXH; Tân Quảng vay vốn nhiều nhất là để xóa đói, giảm nghèo và học sinh, sinh viên học tập. Nhân dân trong xóm, trong xã thường nói với nhau, càng nghèo càng phải cố gắng học hành thành đạt để có công ăn việc làm ổn định, giúp đỡ bố mẹ đẩy lùi thiếu thốn, khó khăn. Đồng vốn hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua kênh chuyển tải của NHCSXH đã trở thành động lực, niềm tin của lớp trẻ xóm Tân Quảng, xã Tân Thành nói riêng và cả xứ Nghệ nói chung. 

Trong thực tế, Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình thực tế, bình xét công khai, cho vay đúng đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách cho nên các thành viên của tổ luôn sử dụng vốn đúng mục đích, nội dung xin vay, nộp lãi hàng tháng, theo đó là tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Theo Tổ trưởng Nguyễn Thị Duyên, tính đến ngày 22/9/2012, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Quảng đang có 50 thành viên dư nợ, với tổng số tiền hơn 1.163 nghìn đồng, gửi tiết kiệm 11.206 nghìn đồng. Trong đó có 25 hộ vay vốn cho học sinh, sinh viên (36 sinh viên) với dư nợ 667 nghìn đồng. Tổng doanh số cho vay học sinh, sinh viên 5 năm qua là 1.952 triệu đồng; doanh số thu nợ 425 triệu đồng. Cho đến thời điểm này chính quyền địa phương, NHCSXH cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm chưa hề thấy một khách hàng nào sử dụng sai mục đích hoặc chây ỳ trả lãi hàng tháng, mà ngược lại, ai cũng suôn sẻ, thành đạt, an toàn. Tổ trưởng Nguyễn Thị Duyên dẫn tôi đến hỏi chuyện gia đình vợ chồng Hoàng Liên Sơn - Trần Thị Tuyết từ huyện Diễn Châu và xã vùng sâu Vịnh Thành, Yên Thành lên Tân Quảng lập nghiệp. Bắt đầu từ năm 2009, anh chị được vay vốn cho 3 con đi học ở các trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, Y tế Ninh Bình và Đại học kỹ thuật Vinh. Hai cháu đầu Hoàng Thị Mến và Hoàng Thị Giang, học hành thành đạt, tốt nghiệp đã có công ăn, việc làm toại nguyện. Từ đây, thu nhập của Mến và Giang, góp lại, bố mẹ bắt đầu trả nợ gốc sòng phẳng cho Nhà nước. Ngoài ra, năm 2011, gia đình còn được xã, xóm xét duyệt cho vay 20 triệu đồng hộ nghèo phát triển kinh tế, thời hạn 3 năm. Có đồng vốn ngân hàng, lợn, bò, gà, vịt phát triển. Có đồng ra, đồng vào. Năm 2012 xuất hiện một bước ngoặt đáng mừng, dấu ấn khó quên, đó là gia đình anh chị Tuyết - Sơn được chính quyền và nhân dân trong xóm, trong xã công nhận hết nghèo. Hai ngôi nhà ngói, có trần chống nóng được dựng lên, nền nhà bóng loáng gạch hoa mát rượi… Tạm biệt gia đình anh chị Tuyết - Sơn, chúng tôi lên xe, nổ máy chạy vòng vo quanh xóm chừng nửa cây số đến thăm một gia đình nghèo khác được vay 20 triệu đồng đang nuôi trâu, bò, lợn nái và lợn thịt. Đó là gia đình anh chị Hoàng Xuân Sáu (mù mắt) và Đặng Thị Toán, tuổi đời chưa tới 35. Gia đình hiện có 6 nhân khẩu: vợ chồng hai cháu nhỏ 9 và 10 tuổi; và hai ông bà nội tuổi ngoài 70. Vậy là, chỉ một mình chị Toán tất bật với nghề nông, chân lấm tay bùn làm ra bắp ngô, củ khoai, hạt gạo nuôi sống sáu nhân khẩu trong nhà. Bữa ăn đạm bạc; no, đói đan xen. Đường vào nhà chỉ là một lối mòn, cỏ mọc xanh rì… Đồ đạc trong nhà chưa có cái gì đáng giá. Xem ra cái vất vả, đói nghèo còn đeo đuổi lâu dài. Đồng vốn của NHCSXH còn phải gắn bó quay vòng nhiều năm nữa với gia đình chị Toán… 

Số lượng hộ nghèo trên địa bàn Tân Quảng được vay vốn của NHCSXH làm ăn suôn sẻ còn nhiều nhưng thời gian khảo sát, du hành của chúng tôi thì đã hết. Tạm biệt xóm núi Tân Quảng, chúng tôi vội vã trở về Hội trường UBND xã - Điểm giao dịch hàng tháng để Tổ trưởng Nguyễn Thị Duyên làm tiếp công việc của mình là nộp lãi của các tổ viên cho NHCSXH huyện nhà. Đúng 13 giờ cùng ngày mới có động tác bắt tay, chào! 

Thanh Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác