Tín dụng học sinh, sinh viên ở An Giang: Khi dân chủ được phát huy

23/01/2013
(VBSP) Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc thực hiện các chương trình tín dụng, trong đó có tín dụng học sinh, sinh viên Lãnh đạo NHCSXH tỉnh An Giang cho rằng, đó là nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình giải ngân vốn. Đồng thời, có sự phối hợp giữa NHCSXH, các đoàn thể, nhà trường và người vay, tạo mắt xích trong công tác quản lý học sinh, sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường...
600-Untitled-2

Làm thủ tục vay vốn Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên

Đồng thuận

Ở An Giang, từ cấp tỉnh xuống đến các huyện, xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn đều thấm nhuần quan điểm Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Do vậy, chương trình đã tạo được sự đồng thuận cao trong các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân. Từ cán bộ tín dụng đến người dân đều mong muốn đồng vốn được giải ngân đến đúng đối tượng một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp nhiều học sinh, sinh viên được đến trường, theo đuổi ước mơ đèn sách.

Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Phước Be - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Mỹ Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới cho biết, ấp có 11% hộ nghèo và cận nghèo, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm thuê cho các cơ sở sản xuất gạch ngói. Mặc dù, khó khăn, nhưng theo ông Be, người dân Mỹ Hòa có truyền thống hiếu học, gia đình nào cũng cố gắng cho con em đến trường. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên không ít gia đình đành để con cái bỏ dở giấc mơ học tập. Sau khi có Quyết định 157, ông Be trở thành người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Qua bình xét từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông xác định được 61 hộ có con em là sinh viên đang theo học đủ điều kiện vay.

Đến thời điểm 31/12/2012, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Mỹ Hoà đã kết nạp được 47 thành viên, quản lý 6 chương trình tín dụng với tổng số tiền 488,3 triệu đồng; tổng dư nợ hơn 1.740 triệu đồng với 138 hộ, trong đó, dư nợ cho vay học sinh, sinh viên là 932,1 triệu đồng với 61 hộ vay. “Trong sinh hoạt tổ hàng tháng, tôi luôn nhắc nhở hộ vay phải sử dụng vốn đúng mục đích. Các tổ viên khá tự giác chấp hành quy chế hoạt động, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, ông Be chia sẻ.

Ông Phạm Văn Dũng ngụ ấp Kiến Quới 2, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới vay vốn của NHCSXH cho con đi học tâm sự: “Dù rất quyết tâm cho con học hành đến nơi đến chốn nhưng với thu nhập từ vài công đất thì lo cho con học là một gánh nặng lớn. Rất mừng là chúng tôi đã được NHCSXH đồng hành trong việc lo cho con cái đến trường”.

Tuy làm việc cực khổ nhưng vợ chồng ông rất mừng vì 2 con đều học hành giỏi giang. Năm 2007, con trai ông thi đậu vào trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, cũng thời điểm này, NHCSXH triển khai Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo Quyết định 157. Vậy là bao lo toan, suy tư được cởi trói, ông Dũng như “trúng số độc đắc”. Năm 2012, con trai lớn của ông tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi và được tuyển thẳng học thạc sĩ. Đồng thời, con trai thứ cũng đậu Đại học An Giang với điểm rất cao.

“Không riêng gia đình tôi, trong cả nước còn nhiều gia đình khác nhờ Chính phủ mà con cháu được học hành, cung cấp cho đất nước những cán bộ có trình độ, đáp ứng một phần chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Dũng khẳng định.

Góp phần vào thành công của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên còn có công của các hội, đoàn thể. Đoàn Thanh niên là một trong số đó. Phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, đời sống của nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, nhất là gia đình có con em đang đi học. Chung tay, góp sức cùng chính quyền, Đoàn thanh niên phường Châu Phú A đã triển khai ký văn bản thỏa thuận, hợp đồng ủy thác với NHCSXH, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ủy thác cho vay. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Đoàn đã cho 256 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền 2.325 triệu đồng.

Tạo nguồn lực cho tương lai

Đa phần các huyện, thị của An Giang là vùng nông thôn, trên 80% người dân sống nhờ vào đồng ruộng, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Để thoát nghèo, đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là xây dựng đội ngũ nhân lực có tri thức, Thoại Sơn cũng đang làm theo cách đó.

Là huyện nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, có diện tích sản xuất nông nghiệp 41.482ha, khoảng 80% người dân sinh sống bằng nghề nông, Thoại Sơn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn khá cao. Tính đến đầu năm 2012, toàn huyện có 2.464 hộ nghèo (5,86 %); 2.620 hộ cận nghèo (6,2%), vì vậy Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thực sự giúp họ trong việc lo cho con đến trường. Hầu hết Lãnh đạo huyện khi chúng tôi tiếp xúc đều đánh giá cao Chương trình tín dụng này, góp phần san sẻ gánh nặng với các hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em được học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Sau 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, tính đến ngày 31/12/2012, doanh số cho vay của huyện Thoại Sơn đạt hơn 61.405 triệu đồng, doanh số thu nợ trên 2.094 triệu đồng, dư nợ 59.555 triệu đồng.

Có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác nhưng Lãnh đạo thành phố Long Xuyên cũng không lơ là trong quá trình đưa nguồn vốn đến với học sinh, sinh viên. Ông Lê Văn Phước - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin và nguồn vốn trong thời gian nhanh nhất, ngay sau khi có Quyết định 157, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo cho các phường, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ đó, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã tạo được sự đồng thuận cao và tạo niềm tin trong nhân dân. Sau 5 năm thực hiện, dư nợ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên ở Long Xuyên đạt 44.719 triệu đồng, gồm 2.794 hộ còn dư nợ.

“Nhờ sự quan tâm kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp nhiệt tình của chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của hệ thống mạng lưới giao dịch lưu động của NHCSXH đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin và nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời”, ông Phước chia sẻ.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 31/12/2012, doanh số cho vay Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đạt 644.393 triệu đồng với hơn 48 nghìn HSSV được vay vốn, doanh số thu nợ 50.683 triệu đồng, tổng số HSSV còn dư nợ là 33.819 người với 600.488 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh, Lãnh đạo chi nhánh cho rằng: “Mô hình hoạt động của NHCSXH mang tính xã hội hóa cao, với mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tận khóm, ấp và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể phối hợp chặt chẽ thì nơi đó việc tổ chức thực hiện khẩn trương, nhanh chóng và chính xác. Việc NHCSXH thực hiện chính sách ưu đãi đối với trường hợp hộ vay trả nợ trước hạn đã động viên, khuyến khích được trách nhiệm trả nợ của người vay. Do vậy, nhiều trường hợp người vay tự nguyện trả gốc, lãi hàng tháng cho ngân hàng trước hạn”.

Duy Phong

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác