1. Dự án Phát triển Ngành Lâm nghiệp: Dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, bao gồm 2 khoản:
- Khoản tài trợ theo Hiệp định Tín dụng Phát triển số 3953-VN ký ngày 4/4/2005 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. NHCSXH và Bộ Tài chính ký Hiệp định vay phụ ngày 28/4/2005. Tổng số khoảng 32,71 triệu USD (tương đương 22.600.000 SDR), được rút vốn đến ngày 27/2/2013, thực hiện dự án tại 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi (trừ huyện Bình Sơn), Bình Định (trừ huyện Hoài Ân) và Thừa Thiên Huế. Tiền gốc NHCSXH hoàn trả cho Bộ Tài chính theo 25 kỳ bán niên bằng nhau (4% số gốc) vào các ngày 15/5 và 15/11 hàng năm, kỳ trả gốc đầu tiên ngày 15/11/2012 và kỳ cuối cùng ngày 15/11/2024.
- Khoản tài trợ bổ sung theo Hiệp định Tài trợ bổ sung số 5070-VN ký ngày 26/11/2012 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. NHCSXH và Bộ Tài chính ký Hiệp định vay phụ ngày 26/11/2012. Tổng số khoảng 11,85 triệu USD (tương đương 7.750.000 SDR) được rút vốn đến ngày 31/3/2015, thực hiện dự án tại 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá và Nghệ An. Tiền gốc NHCSXH hoàn trả cho Bộ Tài chính vào các ngày 15/5 và 15/11 hàng năm, kỳ trả gốc đầu tiên ngày 15/11/2017 và kỳ cuối cùng ngày 15/11/2036.
* Phương thức cho vay:
- NHCSXH cho vay trực tiếp đến người vay tại Hội sở NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện.
- NHCSXH cho vay trực tiếp đến người vay nhưng có ủy thác 1 số công việc cho bốn tổ chức chính trị - xã hội và người vay tham gia Tổ TK&VV. Bốn Tổ chức chính trị - xã hội là: Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
* Lãi suất cho vay:
- Không thấp hơn lãi suất cho vay hộ nghèo của NHCSXH, trường hợp Chính phủ có quyết định thay đổi mức lãi suất cho vay hộ nghèo thì lãi suất cho vay của NHCSXH đến các hộ trồng rừng sẽ thay đổi tương ứng, hiện nay là: %/ tháng.
- Lãi suất nợ quá hạn: bằng 150% của lãi suất cho vay trong hạn.
2. Dự án toàn dân tham gia quản lý nguồn tỉnh Tuyên Quang (IFAD)
Dự án được thực hiện theo Hiệp định VN-328 ngày 13/5/1993 giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế, có hiệu lực từ tháng 8/1993 và Thỏa thuận vay vốn phụ giữa Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam và Bộ Tài Chính ký ngày 20/9/1993. Sau đó, dự án được chuyển sang cho Ngân hàng Phục vụ người nghèo và nay là NHCSXH. Thời hạn rút vốn cuối cùng là 31/12/2001. Tổng nguồn vốn vay Bộ Tài chính là 2.660.000 SDR (quy đổi ra VNĐ là 47,724 tỷ đồng). Lãi suất trả BTC được tính bằng 2/3 của hiệu số giữa lãi suất cho vay bình quân đến hộ trừ đi tổng của chi phí nghiệp vụ (0,5%/tháng) và tỷ lệ trích lập quỹ rủi ro (0,25%/tháng).
Phương thức cho vay: được thực hiện như ủy thác cho vay đối với hộ nghèo hiện hành của NHCSXH.
Lãi suất cho vay: theo lãi suất cho vay của NHNo trên địa bàn. Lãi suất cho vay hiện nay: Ngắn hạn là 1%/tháng và trung hạn là 1,15%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
3. Dự án đa dạng hoá thu nhập nông thôn tại Tỉnh Tuyên Quang (RIPD)
Dự án được thực hiện theo Hiệp định vay phụ số 578-VN ký ngày 05/6/2003 giữa Bộ Tài Chính và NHCSXH. Tổng nguồn vốn của dự án đã nhận từ 06/8/2004 đến 17/7/2009 là 2.219.712,61 USD (quy ra VNĐ là 36,084 tỷ đồng). Thời hạn vay vốn là 19 năm, bắt đầu từ 2003 đến khi kết thúc dự án là 01/12/2022. Lãi suất phải trả BTC là 0,75%/năm. Tiền gốc và lãi trả vào các ngày 01/6 và 01/12 hàng năm, gốc bắt đầu trả từ 01/6/2009 đến 01/12/2022. Tiền gốc trả BTC 2 kỳ/năm (mỗi kỳ 79,572 USD).
Phương thức cho vay: áp dụng phương thức bán buôn: NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp đến nhóm TK&VV, nhóm cho vay lại thành viên trong nhóm.
Lãi suất cho vay tới nhóm TK&VV hiện nay bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo hiện hành của NHCSXH. Lãi suất cho vay lại thành viên thực hiện theo lãi suất thương mại của NHNo&PTNT áp dụng trên địa bàn. Chênh lệch giữa lãi suất vay Ngân hàng và lãi suất cho vay thành viên, Nhóm TK&VV được giữ lại thành nguồn để cho vay các thành viên của nhóm. Lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
4. Dự án bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển miền Nam Việt Nam (CWDP)
- Dự án được thực hiện theo Hiệp định tài chính ký ngày 12/11/2004 giữa Bộ Tài Chính và NHCSXH. Thời hạn vay vốn là 10 năm, bắt đầu từ 2004 đến 2014, trong đó thời hạn rút vốn cuối cùng là ngày 31/3/2006. Tổng nguồn vốn của dự án là 5.200.000DKK (tương đương 650.000 USD, thực tế đã nhận từ 25/02/2005 đến 07/12/2006 là 10,053 tỷ đồng) vay lại của BTC với lãi suất 0%, thời hạn vay là 10 năm (2004-2014).
- Các tỉnh thực hiện Dự án: Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng .
- Phương thức cho vay: được thực hiện như ủy thác cho vay đối với hộ nghèo hiện hành của NHCSXH.
- Lãi suất cho vay: được xác định căn cứ theo mặt bằng lãi suất cho vay thương mại trên địa bàn. Hiện nay, lãi suất cho vay là 1%/tháng, lãi suất quá hạn là 130% lãi suất khi cho vay.
5. Chương trình cho vay Doanh nghiệp nhỏ và vừa (KFW)
a) Chương trình được thực hiện từ nguồn vốn vay của CHLB Đức thông qua Ngân hàng Tái Thiết Đức (KFW) để thiết lập Quỹ tín dụng quay vòng nhằm cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc vùng dự án, gồm 2 hợp phần:
- KFW1: Được thực hiện theo Hợp đồng cho vay lại ký ngày 08/4/2005 giữa Bộ Tài Chính và NHCSXH. Tổng nguồn vốn của dự án là 7.000.000 EURO (quy ra VNĐ là 140,084 tỷ đồng). Thời hạn vay vốn là 20 năm, trong đó có 05 năm ân hạn, bắt đầu từ 08/4/2005 đến khi kết thúc dự án là 30/12/2025. Lãi suất phải trả BTC là 0,75%/năm. Trả gốc khoản vay cho BTC theo 30 kỳ bán niên hàng năm, số tiền trả mỗi kỳ là 231.000 EURO, riêng kỳ cuối 30/12/2025 là 301.000 EURO. Thời gian trả nợ gốc bắt đầu từ ngày 30/6/2010 và kết thúc vào ngày 30/12/2025. Lãi suất trả Bộ Tài chính là 0,75%/năm.
- KFW2: Được thực hiện theo Hợp đồng cho vay lại ký ngày 25/7/2007 giữa Bộ Tài Chính và NHCSXH. Tổng nguồn vốn đã nhận từ BTC là 77,370 tỷ đồng. Thời hạn vay vốn là 20 năm, trong đó có 05 năm ân hạn, bắt đầu từ 25/7/2007 đến khi kết thúc dự án là 30/12/2027. Lãi suất phải trả BTC là 5,4%/năm. Tiền lãi phải trả hàng năm 2 kỳ vào 30/6 và 30/12.
b) Các đơn vị thực hiện dự án (21 đơn vị): Sở giao dịch, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
c) Phương thức cho vay: Tuỳ đặc điểm về luân chuyển vốn của mỗi khoản vay và khả năng quản lý vốn của NHCSXH, NHCSXH cùng với khách hàng lựa chọn một trong hai phương thức cho vay sau đây:
- Cho vay từng lần: Phương thức cho vay này áp dụng đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn từng lần. Mỗi lần vay vốn, khách hàng phải cùng NHCSXH lập thủ tục vay vốn theo quy định và ký kết hợp đồng tín dụng.
- Cho vay theo dự án đầu tư: Bên cho vay cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư khác.
d) Lãi suất cho vay:hiện nay: 0,9%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất trong hạn.
6. Dự án thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, tạo việc làm cho những người sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người sau cai nghiện ma tuý
Dự án được thực hiện theo Hợp đồng thực hiện dự án giữa Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế (FHI) và NHCSXH Việt Nam (Đơn vị tiếp nhận tài trợ) theo quỹ tài trợ cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ số 486-A-00-06-00009-00 ký ngày ngày 27/4/2011 và Biên bản ghi nhớ ký ngày 27/4/2011 giữa NHCSXH, Tổ chức Chemonics Quốc tế và Tổ chức FHI Việt Nam. Tổng số vốn tài trợ không hoàn lại khoảng 49,9 ngàn USD. Đơn vị thực hiện Dự án tại 03 quận của TP Hồ Chí Minh.
- Phương thức cho vay: NHCSXH cho vay trực tiếp đến người vay nhưng có ủy thác 1 số công việc cho bốn tổ chức chính trị - xã hội và người vay tham gia Tổ TK&VV. Bốn Tổ chức chính trị - xã hội là: Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Lãi suất cho vay: bằng lãi suất chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, ở thời điểm hiện hành là 0,65%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
7. Dự án Dự án mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật: Cho vay quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do người khuyết tật làm chủ”
- Dự án được thực hiện bởi Bản đề xuất Dự án đã được Quỹ Nippon chấp nhận tài trợ về tiếp nhận thực hiện dự án tháng 4 năm 2012; Thỏa thuận Dự án với Chủ tịch Quỹ Nippon ngày 19/10/2012 và Biên bản tiếp nhận Dự án giữa NHCSXH với Chủ tịch Quỹ Nippon.
Tổng nguồn vốn tài trợ không hoàn lại: 600.000 USD trong đó:
+ 450.000 USD: Quỹ quay vòng để cung cấp các khoản vay tài chính vi mô cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng, phục vụ hay do người khuyết tật làm chủ tại Đà Nẵng. Khoản tài trợ được giải ngân 150.000 USD vào đầu mỗi năm (cho 3 năm đầu tiên) để thiết lập quỹ quay vòng 450.000 USD.
+ 150.000 USD: Đào tạo cho người vay và cán bộ NHCSXH (50.000 USD cho mỗi năm).
- Địa bàn thực hiện dự án: Đà Nẵng.
- Phương thức cho vay:
+ NHCSXH cho vay trực tiếp đến người vay tại Hội sở Ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện: đối với Hộ gia đình và Hộ kinh doanh có mức vay trên 30 triệu đồng, Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ NHCSXH cho vay trực tiếp đến người vay nhưng có ủy thác 1 số công việc cho bốn tổ chức chính trị - xã hội và người vay tham gia Tổ TK&VV. Bốn Tổ chức chính trị - xã hội là: Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: đối với người vay là Hộ gia đình, Hộ kinh doanh có mức cho vay đến 30 triệu đồng.
- Lãi suất cho vay: bằng lãi suất chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH (hiện nay là 0,65%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% của lãi suất trong hạn.
8. Các Chương trình cho vay khác bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại các địa phương
- Tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại các địa phương đến 31/12/2012 khoảng 686 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.