Cơ cấu tổ chức

Năm 1993 - 1994, Chính phủ đã thành lập Quỹ cho vay ưu đãi người nghèo trên cơ sở góp vốn từ 3 ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 100 tỷ đồng, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam 200 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam 132 tỷ đồng.

Tháng 8 năm 1995 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Ngân hàng Phục vụ người nghèo chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1996 với số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, bộ máy quản lý điều hành gọn nhẹ, việc cho vay ủy thác hoàn toàn qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Sau 7 năm hoạt động 1996 - 2002 tổng nguồn vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo đã lên tới 7.083 tỷ đồng với hơn 2 triệu hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất với tổng dư nợ 7.022 tỷ đồng.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 đã nêu rõ “Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Phân biệt chức năng của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại Nhà nước, chức năng cho vay của Ngân hàng Chính sách với chức năng kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Thương mại”. Về mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết IX: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ, giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm đối với những vùng nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo”. Vì vậy, việc thiết lập một loại hình Ngân hàng Chính sách cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo là một tất yếu khách quan cho tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo.

Hoạt động của NHCSXH là không vì mục đích lợi nhuận. Sự ra đời của NHCSXH có vai trò rất quan trọng là cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện gần gũi với các cơ quan công quyền ở địa phương, giúp các cơ quan này gần dân và hiểu dân hơn.

Từ khi thành lập, chỉ có 3 chương trình tín dụng, nay đã được Chính phủ giao 18 chương trình tín dụng trong nước và một số chương trình nhận ủy thác của nước ngoài, mà chương trình nào cũng thiết thực, ý nghĩa. Đây thật sự là niềm vui đối với các đối tượng chính sách vì họ tiếp tục có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, nhất là dựa trên tiền đề thành công của 7 năm hoạt động Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Hoạt động của NHCSXH đã và đang được tiếp tục xã hội hóa, ngoài số cán bộ trong biên chế thực hiện nhiệm vụ trong hệ thống NHCSXH từ Trung ương đến tỉnh, huyện còn có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay vốn thông qua trên 203,5 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp thôn, bản trong cả nước, với hàng trăm nghìn cán bộ không biên chế đang sát cánh cùng ngân hàng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến với 100% số xã trong cả nước; đã hỗ trợ vốn cho trên 13,4 triệu lượt hộ nghèo; số khách hàng còn dư nợ là gần 8,4 triệu khách hàng, tăng hơn 6,4 triệu khách hàng so với 7 năm hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo; dư nợ bình quân cho vay hộ nghèo tăng từ 2,5 triệu đồng/hộ năm 2002 lên 13,00 triệu đồng/hộ vào tháng 10 năm 2012.

Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp 2,8 triệu hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; thu hút được 3,0 triệu lao động có việc làm mới; xây dựng được gần 4,5 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 3,0 lượt triệu học sinh, sinh viên; 100 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long; hơn 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ chính sách chưa có nhà ở; gần 100 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; nợ xấu giảm dần từ 13,75% khi nhận bàn giao (theo kết quả kiểm kê nợ) xuống còn 1,31% vào tháng 10 năm 2012.

NHCSXH còn là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế: Hiệp hội tín dụng nông nghiệp nông thôn Châu Á Thái Bình Dương (APRACA) từ năm 2006; Hiệp hội Ngân hàng Phục vụ người nghèo (BWTP) từ năm 2007; Phong trào tín dụng vi mô toàn cầu (MCS) từ năm 1997. Ngoài ra, NHCSXH còn hợp tác với các tổ chức tài chính và phát triển quốc tế (Chính phủ, phi Chính phủ) như: WB, ADB, AFD, JBIC, KFW, USAID, DFID, AusAID, DANIDA,… thu hút vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay, NHCSXH đang hỗ trợ kỹ thuật cho Ngân hàng Chính sách Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (NAYOBY).

Kết quả về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ đói nghèo mỗi năm là 2%, đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo ở mức 5,25%, NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể xã hội hóa hoạt động; góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2011 - 2015; quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực sự trở thành lực lượng kinh tế hữu hiệu nhằm ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

  • Sơ đồ tổ chức hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội:

  • Sơ đồ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội: