SẢN PHẨM TIỀN GỬI TIẾT KIỆM CHO TỔ VIÊN TỔ TIẾT KIỆM VÀ VAY VỐN - CÔNG CỤ HỮU ÍCH

CHO NGƯỜI NGHÈO

 

Vào những năm 2000, hầu hết người nghèo ở Việt Nam mong muốn tham gia vào hệ thống tiết kiệm nhưng trong thực tế lại gặp khó khăn để tìm được một tổ chức đáng tin cậy, thuận lợi.Trước thực trạng đó, ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tiến hành nghiên cứu thí điểm và triển khai sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV). Giao dịch tiền gửi được thực hiện tại điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch cố định trong tháng. Mức tiền gửi theo thoả thuận của các thành viên trong Tổ. Tiền gửi tiết kiệm có tác dụng thúc đẩy các thành viên của tổ thực hiện tiết kiệm để trả nợ gốc, lãi. Thủ tục tiết kiệm đơn giản, người gửi có thể trực tiếp rút tại điểm giao dịch hoặc tại phòng giao dịch.

Sau 9 năm triển khai, qua nhiều lần nghiên cứu cải tiến, đến nay sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV của NHCSXH tuy còn một số điểm cần cải thiện trong thời gian tới nhưng có thể được coi là sản phẩm tiền gửi ưu việt nhất hiện tại dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Xây dựng ý tưởng

Vào những năm đầu 2000, người nghèo ở Việt Nam không còn xa lạ đối với thực hành tiết kiệm. Một số tổ chức tín dụng (như các Ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, NHCSXH) đã thực hiện huy động tiết kiệm các vùng nông thôn nhưng phương pháp thực hiện và các sản phẩm tiết kiệm không phù hợp với người nghèo.

Các nghiên cứu thời gian đó chỉ ra rằng hầu hết người nghèo mong muốn tham gia vào hệ thống tiết kiệm nhưng trong thực tế lại gặp khó khăn để tìm được một tổ chức đáng tin cậy, thuận lợi và đơn giản để gửi những khoản tiền nhỏ của họ (Năm 2003, số món tiền gửi nhỏ hơn 31,39 USD chỉ chiếm 2% tổng số tiền gửi).

NHCSXH có nhận tiền gửi của hộ vay qua Tổ TK&VV. Tuy nhiên, việc thực hiện huy động tiết kiệm qua Tổ đã bộc lộ một số bất cập: chưa thực sự khuyến khích được hộ nghèo thực hành tiết kiệm và còn xảy ra tình trạng Tổ trưởng chiếm dụng tiền tiết kiệm của tổ viên. Quy định tiết kiệm khi đó chưa khuyến khích thực hành tiết kiệm của hộ nghèo thể hiện ở: chỉ có một số ít Tổ có thực hiện và duy trì khá đều, phần lớn hầu như không thực hiện, số tiền gửi định kỳ rất nhỏ, phần lớn là tiết kiệm bắt buộc và được xem như là điều kiện để gia nhập Tổ; tỷ trọng nguồn huy động tiết kiệm này rất nhỏ, không đáng kể so với tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH. Đến tháng 9/2006, NHCSXH mới huy động khoảng 350 tỷ đồng tiết kiệm từ các hộ nghèo trong khi dư nợ cho vay hộ nghèo trong cùng thời kỳ đạt 18,791 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm từ các hộ nghèo chỉ đạt 1,86% tổng dư nợ cho vay hộ nghèo. Trước thực trạng trên, NHCSXH đã có thông báo tạm ngừng huy động tiết kiệm qua Tổ nhằm củng cố và nghiên cứu phương thức thực hiện mới, hiệu quả hơn, khắc phục các bất cập.

Số dư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là hộ nghèo của NHCSXH chỉ là một phần nhỏ do chính sách huy động khi đó còn có điểm chưa phù hợp. Từ nhận thức về thực trạng huy động tiết kiệm không hiệu quả của thị trường tài chính nông thôn, NHCSXH đã tiến hành một nghiên cứu để tìm ra các giải pháp phù hợp thực tế thuận lợi cho hộ nghèo gửi tiết kiệm, xóa bỏ những trở ngại từ các qui định nội bộ cũng như tuân thủ quy định từ các cơ quan Nhà nước dưới sự tài trợ của Quỹ Ford. Các hoạt động nghiên cứu và thí điểm đã được tiến hành với mong muốn hoạt động tiết kiệm của NHCSXH sẽ có khả năng giúp bảo vệ hàng triệu hộ gia đình khỏi những tổn thương là đặc trưng tiêu biểu tồn tại thực tế hàng ngày của họ. Tiết kiệm có thể giúp hộ nghèo giải quyết ổn thoả những biến động về thu nhập và duy trì mức tiêu dùng ngay cả trong thời kỳ đói kém. Các dịch vụ tiết kiệm có thể dùng như là khoản đề phòng cho các trường hợp nguy cấp, rủi ro kinh doanh, những thay đổi theo mùa vụ và các trường hợp như lũ lụt hay rủi ro nhân mạng có thể đẩy gia đình nghèo đến cảnh cơ cực.

Thí điểm triển khai sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV

Trong năm 2007, NHCSXH đã nhận được sự tài trợ của Quỹ Ford cho dự án “Tăng cường dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo thông qua nghiên cứu và thử nghiệm trên các phương tiện mới huy động của NHCSXH” để khởi động một chương trình tiết kiệm thí điểm. Dự án được thực hiện tại 3 tỉnh đặc trưng cho các vùng khác nhau ở Việt Nam (Hòa Bình, Hải Phòng, Gia Lai), 4 huyện ở mỗi tỉnh và 3 xã ở mỗi huyện.

Mô tả sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV

Với sản phẩm thí điểm, NHCSXH nhận tiền gửi của người nghèo là thành viên các Tổ TK&VV thông qua Tổ trưởng. Các Tổ trưởng nhận tiền gửi từ các thành viên trong tổ, sau đó hàng tháng hoặc hàng quý nộp cho cán bộ NHCSXH tại Điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch xã theo quy định. Mỗi Tổ chỉ có một sổ tiết kiệm để theo dõi các khoản tiết kiệm của Tổ viên.

Thu tiết kiệm

Tổ TK&VV thực hiện thu tiền tiết kiệm từ thành viên. Mỗi thành viên được phát một sổ tiết kiệm theo mẫu của dự án có đóng dấu “FORD”. Mỗi lần thu tiền Ban quản lý Tổ hạch toán vào sổ của người gửi và ký xác nhận vào sổ. Ban quản lý Tổ ghi chép phát sinh và số dư tiền tiết kiệm vào sổ theo dõi cho vay thu nợ, thu lãi, tiết kiệm (theo mẫu). Tổ viên ký vào cột người nộp tiền. Số tiền gửi tiết kiệm được bỏ vào hòm tôn do Dự án trang bị cho Tổ trước sự chứng kiến của người nộp tiền.

Trong trường hợp tổ viên vì lý do khách quan, chưa có tiền để gửi tiết kiệm định kỳ theo đúng thời hạn Tổ TK&VV đã quy định thì tổ viên được gửi tiết kiệm chậm nộp kỳ này vào kỳ tiếp theo, việc chậm nộp như vậy không quá 3 lần liên tiếp đối với gửi theo tháng và 2 lần liên tiếp đối với gửi theo quý.

Tổ TK&VV gửi toàn bộ tiền tiết kiệm huy động từ thành viên vào NHCSXH tại điểm giao dịch xã. Tổ trưởng hoặc 1 thành viên khác của Ban quản lý Tổ là người đại diện cho Tổ TK&VV đứng tên trên Sổ tiết kiệm của Tổ TK&VV. Khi nộp tiền, Tổ trưởng hoặc Ban quản lý Tổ phải mang theo Sổ theo dõi cho vay - thu nợ - thu lãi của thành viên để làm căn cứ cho cán bộ Ngân hàng thu và viết giấy gửi tiền vào NHCSXH. Số dư tiền gửi tiết kiệm của từng tổ viên được NHCSXH công bố công khai tại nơi giao dịch cùng với Sao kê số dư tiền vay.

Rút tiền gửi tiết kiệm:

Đến kỳ hạn trả nợ tiền vay theo phân kỳ trả nợ trên Sổ tiết kiệm và vay vốn hoặc Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế uớc nhận nợ hoặc định kỳ 6 tháng 1 lần, NHCSXH thỏa thuận với khách hàng được tự động trích số dư tiền gửi tiết kiệm của từng tổ viên để thu hồi nợ.

Khi tổ viên đã trả hết nợ (cả gốc và lãi) cho NHCSXH, nếu có nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm, tổ viên được trực tiếp rút tiền tại Điểm giao dịch của NHCSXH sau khi NHCSXH và Tổ TK&VV đối chiếu số dư, xác nhận vào Sổ theo dõi tiền gửi tiết kiệm của Tổ viên.

Hình thức tiết kiệm:Tiết kiệm Định kỳ

Mức gửi phụ thuộc vào khả năng kinh tế của từng tổ viên, không khống chế mức gửi tối đa. Mức gửi tối thiểu một lần là 20.000 đồng/ tổ viên.

Lãi suất:

Áp dụng như mức lãi suất NHCSXH trả cho tiền gửi tiết kiệm của kỳ hạn 03 tháng huy động tiết kiệm từ cộng đồng dân cư tại thời điểm trả lãi.

Kết quả thực hiện

Tính đến 31/12/2009, dự án đã huy động được 1.526 triệu đồng với số dư tiết kiệm đạt 1.300.005.000 đồng.

Bảng 1. Kết quả thực hiện dự án thí điểm sản phẩm tiền gửi cho thành viên tổ TK&VV

STT

Tiêu chí

Đơn vị

Hòa Bình

Hải Phòng

Gia Lai

Tổng

1

Số huyện tham gia dự án

Huyện

4

4

4

12

2

Số xã tham gia dự án

12

12

12

36

3

Số tổ TKVV

Nhóm

60

69

60

189

4

Số khách hàng gửi TK

Hộ

2.405

2.708

1.589

6.702

5

Số tiền tiết kiệm huy động

Triệu đồng

274.903

868.350

383.000

1.526.253

6

Số dư tiền tiết kiệm

Triệu đồng

335.655

868.350

195.000

1.300.005

Tất cả hộ vay, người dân được phỏng vấn kể cả đại diện chính quyền đều cho rằng đây là hình thức dịch vụ tiết kiệm có triển vọng, dễ tiếp cận và có hiệu quả.

Dự án đã tạo cho hộ nghèo ý thức và thói quen tiết kiệm, có những dự phòng rủi ro như ốm đau, hoặc để tích lũy tài sản dành cho những chi tiêu lớn hơn hoặc bất thường, góp phần giảm tình trạng vay nặng lãi hoặc tham gia hụi họ không an toàn, ngoài ra có thể tiết kiệm để trả nợ ngay tại nơi cư trú theo thời gian linh hoạt mà không phải bắt buộc theo tuần như ở một số dự án Tài chính vi mô. Việc gửi tiết kiệm cũng giúp hộ vay kiểm soát được tài chính, tránh được những khoản chi tiêu không cần thiết, có chỗ gửi an toàn tránh được mất tiền ngay tại nhà do không có chỗ cất giấu an toàn. Người gửi là những hộ nghèo cũng nhận ra chỗ cất giữ an toàn là quan trọng nhất và thậm chí còn quan trọng hơn lãi suất với những món gửi nhỏ.

Ngân hàng cũng huy động được khoản tiền nhàn rỗi trong dân và cũng tái đầu tư nguồn huy động để cho vay hộ nghèo tham gia dự án.

Sản phẩm tiết kiệm ở dạng đơn giản, dễ thực hiện, dễ tiếp cận và được người dân chấp nhận và hưởng ứng, tuy nhiên vẫn còn có một số hạn chế như sau:

Tuy nhiên để nhận thức và hiểu rõ lợi ích, bản chất của tiết kiệm thì người hưởng lợi, đặc biệt là hộ nghèo, ngay cả tổ tiết kiệm và một số cán bộ ngân hàng, hội đoàn thể vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn. Đôi khi tiết kiệm vẫn chỉ được coi là sự bắt buộc vì có liên quan trách nhiệm trả nợ vốn vay.

 Mức huy động tiết kiệm qui định tối thiểu 20.000 đ là chưa hợp lý. Một số hộ nghèo ở Hòa Bình chỉ có khả năng tiết kiệm ở mức thấp hơn. Vì vậy cần thay đổi mức tối thiểu này để đảm bảo khả năng của người nghèo.

Lãi suất tiết kiệm qui định theo lãi suất tiền gửi 3 tháng vào thời điểm thanh toán lãi nên ngay từ đầu người gửi không biết sẽ được hưởng lãi suất bao nhiêu, không tạo ra sự thu hút hoặc rõ ràng. Ngoài ra ngân hàng không dự tính được mức lãi phải thanh toán và bị động về chi phí cho chi trả lãi.

Qui định cụ thể hơn về trường hợp người gửi không phải là thành viên của Tổ TK&VV chưa rõ ràng. Một số nơi Tổ TK&VV huy động tiết kiệm của người không phải thành viên vẫn thực hiện và thu hút được nhiều người gửi vì sự tín nhiệm của khách hàng đối với chương trình.

 Thẻ tiết kiệm bằng giấy A4 phô tô và chỉ là quan hệ giữa Tổ và người gửi chưa đảm bảo sự tín nhiệm và tính pháp lý chặt chẽ (tổ không có đủ thẩm quyền phát hành thẻ mà chủ yếu là minh chứng về sự giao nhận tiền gửi).

 Việc trích tiền gửi của tổ viên để thanh toán nợ định kỳ hoặc khi đến hạn cũng chưa đảm bảo yếu tố pháp lý chặt chẽ trong quan hệ tiền gửi, tiền vay. Ngoài ra việc trích thu nợ không khuyến khích người gửi tiền theo đúng bản chất tiết kiệm và còn mang tính chất bắt buộc, không tạo ra động cơ khuyến khích gửi tiền tự nguyện vì mục đích và nhu cầu sử dụng của người gửi.

   Ban quản lý Tổ TK&VV thu lãi của tổ viên Tổ TK&VV thì được trả hoa hồng, tuy nhiên khi thu tiết kiệm thì không có chi hoa hồng, vì vậy chưa khuyến khích tổ tích cực vận động người gửi và tăng doanh số thu tiết kiệm.

Trước những kết quả và phân tích về nguyên nhân, NHCSXH đề xuất chỉnh sửa sản phẩm tiết kiệm cho phù hợp và tiến hành triển khai sản phẩm trên toàn quốc.

Triển khai dịch vụ toàn quốc

Đầu năm 2009, dựa trên những kết quả ban đầu từ dự án tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, NHCSXH đã nghiên cứu và hoàn thiện mô hình tiết kiệm mới theo đặc thù riêng có của NHCSXH: “Huy động tiết kiệm từ cộng đồng người nghèo thông qua Tổ TK&VV”. Rút kinh nghiệm từ dự án tiền gửi thí điểm, sản phẩm triển khai toàn quốc của NHCSXH được thực hiện với những điểm cải tiến rõ rệt.

Thứ nhất, người nghèo được gửi tiền tiết kiệm với những khoản tiền nhỏ (từ 1.000 đồng) thay vì hạn chế số tiền tối thiểu là 20.000 đồng như trước, bước đầu đã tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo lập vốn tự có và quen dần với hoạt động tài chính.

Thứ hai, tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, căn cứ theo quy ước gửi tiền tiết kiệm của các thành viên trong Tổ TK&VV, được Tổ trưởng Tổ TK&VV tiếp nhận. Tổ trưởng là người đại diện cho Tổ TK&VV đứng tên trên Sổ Tiết kiệm của Tổ TK&VV. Tổ viên được quyền rút tiền gửi tiết kiệm của mình tại Điểm giao dịch xã/phường cố định của NHCSXH hoặc tại trụ sở NHCSXH.

Thứ ba, NHCSXH áp dụng 02 hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn bao gồm tiền gửi ban đầu, là số tiền tiết kiệm mà mỗi tổ viên gửi lần đầu khi gia nhập Tổ, và tiền gửi định kỳ là số tiền mà mỗi tổ viên gửi vào Tổ định kỳ hàng tháng.Lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng một loại lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Ngân hàng thực hiện chi trả lãi theo định kỳ vào các ngày 30/6 và 31/12 hàng năm, hoặc vào ngày tổ viên hoặc Tổ TK&VV tất toán tiền gửi tiết kiệm theo phương thức nhập lãi vào gốc trên Sổ Tiết kiệm của Tổ.

Thứ tư, thay vì chỉ được rút khi đã trả hết nợ, người gửi tiền có thể gửi hoặc rút tiền tiết kiệm theo nhu cầu của họ. Mặc dù, Tổ trưởng chỉ giao dịch với ngân hàng vào ngày cố định hàng tháng, khi các thành viên cần phải rút tiền tiết kiệm của họ hoặc sử dụng tiết kiệm để trả lãi vay cho NHCSXH trong khoảng thời gian khác trong tháng, họ vẫn có thể rút tiền từ Tổ trưởng. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng không bắt buộc trừ tiết kiệm vào nợ vay chỉ khi người gửi có nhu cầu và tự nguyện nhờ thanh toán.

Khi các thành viên cần phải rút tiền tiết kiệm của họ hoặc sử dụng tiết kiệm để trả lãi vay cho NHCSXH, các thành viên phải thông báo cho Tổ trưởng trước về số tiền tiết kiệm mà họ muốn rút. Ban quản lý Tổ sẽ quyết định thanh toán dựa trên số dư tiết kiệm Tổ đang giữ. Nếu số dư không đủ để cho tổ viên rút tiền, Tổ trưởng có trách nhiệm lập danh sách các khoản rút tiền tiết kiệm và nộp cho ngân hàng tại ngày giao dịch rút tiền.

Thứ năm, NHCSXH quyết định dành ưu đãi đối với Tổ trưởng Tổ TK&VV, cụ thể, Tổ trưởng Tổ TK&VV nhận được hoa hồng là 0,1% mỗi tháng trên số dư bình quân tiền gửi của các tổ viên thu được hàng tháng của Tổ. Hoa hồng được trả ngay sau khi ngân hàng nhận tiền tiết kiệm từ Tổ trưởng. Nếu một số thành viên của Tổ đến ngân hàng trực tiếp để gửi tiền, không thông qua Tổ, Tổ trưởng vẫn nhận được hoa hồng cho số tiền gửi đó. Do đó, các Tổ trưởng sẽ tích cực khuyến khích các thành viên của mình thực hành tiết kiệm với NHCSXH.

Ưu điểm của sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV

Khả năng tiếp cận- chi phí giao dịch thấp

NHCSXH không tính phí bất kỳ khoản phí dịch vụ hoặc yêu cầu bất kỳ số dư tối thiểu nào đối với người gửi, đặc biệt là so với các Ngân hàng thương mại vào thời điểm đó thường yêu cầu một khoản tiền gửi ban đầu tối thiểu là 50.000 đồng và/hoặc một khoản phí giao dịch (như tại VBARD). Khách hàng đánh giá dịch vụ tiết kiệm của NHCSXH có hướng dẫn dễ hiểu, cán bộ hướng dẫn thân thiện. Hơn nữa, dịch vụ (tiền gửi và rút tiền) được thực hiện ngay gần nơi ở của khách hàng do đó hầu như khách hàng không phải tốn chi phí đi lại, nhất là đối với những vùng miền núi việc đi lại dù chỉ là đến trụ sở UBND xã có thể mất cả ngày, do đó giảm được nhiều chi phí cơ hội cho khách hàng.

Bên cạnh đó, bằng cách ủy quyền thu tiền gửi cho các Tổ TK&VV, NHCSXH không cần nhiều nhân viên và cơ sở vật chất ở cấp địa phương. Vì vậy dù có lượng khách hàng lên đến trên 7 triệu người, NHCSXH chỉ có hơn 9000 cán bộ trên toàn quốc, là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nhân viên trên khách hàng thấp nhất trong ngành tài chính vi mô.

Mạng lưới rộng lớn

Trong số các ngân hàng tại Việt Nam, có thể nói rằng NHCSXH đã có mạng lưới rộng nhất và khả năng tiếp cận cao nhất đến các đối tượng khách hàng mục tiêu. NHCSXH có 63 chi nhánh cấp tỉnh và 629 phòng giao dịch cấp huyện, 10.917 điểm giao dịch xã và 192 nghìn Tổ TK&VV hoạt động tại các thôn, bản. Điều này có nghĩa là NHCSXH có cánh tay nối dài đến tận làng, bản, thậm chí đến tận cửa nhà khách hàng thông qua các Tổ trưởng Tổ TK&VV. Các khách hàng tiết kiệm của NHCSXH chỉ phải mất vài bước chân từ nhà để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng bằng cách gặp gỡ với Tổ trưởng, người trong cùng một làng và được ngân hàng ủy thác. Bằng cách này, NHCSXH là tổ chức tín dụng gần nhất với bất kỳ khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV.

Thời gian linh hoạt

Người gửi tiền của NHCSXH không cần phải đi đến các chi nhánh ngân hàng để gửi tiền trong giờ làm việc như tại các ngân hàng thương mại khác. Thời gian giao dịch gần như là 24/7 vì họ có thể đến gửi tiền và rút tiền tại Tổ trưởng của họ bất cứ lúc nào thuận tiện cho họ, có thể là buổi tối hoặc trong giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, hoạt động này cũng không mất nhiều thời gian do Tổ trưởng ở cùng làng, cách một quãng đường ngắn, có thể đi bộ được.

Yêu cầu tối thiểu thấp đối với tiết kiệm

NHCSXH quy định rằng khách hàng có thể tiết kiệm thậm chí từ 1.000 đồng, một số tiền rất nhỏ, vì vậy, ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể tiết kiệm với NHCSXH.

Uy tín tổ chức cao

Là ngân hàng chính sách duy nhất cung cấp các chương trình cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đến tận vùng sâu, vùng xa trong gần 14 năm qua, NHCSXH đã đạt được danh tiếng và uy tín sâu rộng  trong cộng đồng người nghèo. Cơ cấu tổ chức của ngân hàng có đại diện hội đồng quản trị là thành viên từ chính quyền địa phương, do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương đứng đầu. Sự phối hợp mạnh mẽ này đem lại hỗ trợ lớn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cho ngân hàng từ chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, thỏa thuận ủy thác của NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội cũng làm cho ngân hàng trở nên gần gũi hơn với cộng đồng. Hầu hết người dân ở khu vực nông thôn là thành viên của một trong bốn tổ chức  Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội nông dân.

NHCSXH đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh là một ngân hàng của Chính phủ cung cấp các dịch vụ tài chính ưu đãi cho người nghèo và không vì lợi nhuận, một ngân hàng tồn tại và phát triển vì lợi ích dài hạn của cộng đồng, lợi ích của tổ chức phát triển bền vững dựa trên cơ sở lợi ích cộng đồng phát triển bền vững. Đây là một lợi thế rất mạnh của NHCSXH trong việc triển khai các dịch vụ của mình trong cộng đồng không chỉ huy động Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV.

Tính minh bạch

Quy trình huy động Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV qua Tổ trưởng Tổ TK&VV khá minh bạch khi các Tổ trưởng nhận tiền và ghi chép tại cuốn sổ của mình và của khách hàng. NHCSXH sau khi nhận tiền gửi từ các Tổ trưởng lại xác nhận 1 lần nữa bằng cách thông báo số dư tiết kiệm công khai tại các điểm giao dịch. Ngoài ra, NHCSXH cũng thông báo mức lãi suất hiện tại, hoặc khi thay đổi theo quy định, số dư tài khoản tiết kiệm Tổ nhóm và cách thức số tiền tiết kiệm được sử dụng (rút, gửi, trả lãi vay v.v.) Người gửi tiền có thể đến Điểm giao dịch xã và kiểm tra thông tin để tránh gian lận của các Tổ trưởng (nếu có).

Hạn chế

Tuy nhiên, sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV của NHCSXH vẫn còn những điểm bất cập hiện vẫn đang được NHCSXH nghiên cứu phát triển

Thiếu đa dạng sản phẩm

NHCSXH chỉ có một sản phẩm Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV, tức là yêu cầu gửi tiền theo lịch trình (tùy thuộc thỏa thuận trong từng Tổ TK&VV, dựa vào khả năng của các tổ viên và điều kiện kinh tế của địa phương) và rút tiền không giới hạn. Dòng sản phẩm này chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn loại tài khoản có tính thanh khoản cao. Trong thực tế, hầu hết người tiết kiệm nghèo mong muốn loại tài khoản tiết kiệm giúp họ có thể (1) gửi khoản tiền nhỏ, khối lượng khác nhau thường xuyên và (2) tiếp cận các khoản tiền lớn trong ngắn, trung bình, hoặc dài hạn. Mỗi tiết kiệm sẽ có nhu cầu khác nhau để tiết kiệm của họ, ví dụ, tiết kiệm dài hạn để đầu tư, tiết kiệm trung bình cho các loại cây trồng vv. Họ hy vọng sản phẩm tiết kiệm để cung cấp cho họ lợi ích cao với thời gian dài.

Mục đích cuối cùng của ngân hàng trong việc thực hiện chương trình tiết kiệm là để giúp đỡ người nghèo được sử dụng dịch vụ gửi tiền tiết kiệm và có tiền để trả gốc của các khoản vay, nhưng với việc rút tiền không giới hạn, người nghèo không thể chờ đợi cho đến khi họ có một khoản tiền khá cao để rút.

Thanh khoản chưa cao

Rút tiền ba bên dẫn đến thanh khoản thấp. Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV của NHCSXH cho phép khách hàng rút tiền không giới hạn nhưng quy trình này phải đi qua Tổ trưởng tổ TK&VV. Người gửi có thể rút tiền từ các Tổ trưởng nếu những Tổ trưởng này có đủ số dư tiền tiết kiệm của Tổ trong tay, nếu không, họ phải chờ đến ngày giao dịch của ngân hàng hoặc phải đến NHCSXH huyện để rút tiền mặt. Vì vậy, không có gì là đảm bảo rằng khách hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào họ muốn hoặc mỗi tháng một lần vào ngày giao dịch của ngân hàng. Sự hiện diện của Tổ trưởng trong rút tiền tiết kiệm có thể là một rào cản trong mối quan hệ rút tiết kiệm giữa khách hàng và NHCSXH.

Lãi suất thấp

Lãi suất tiền gửi qua Tổ  áp dụng lãi suất không kỳ hạn bình quân của ngân hàng thương mại trong cùng khu vực. Lãi suất hiện nay không thấp so với các ngân hàng thương mại khác, tuy nhiên, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm tiết kiệm trung và dài hạn. Mặc dù lãi suất ít ảnh hưởng đến quyết định của người tiết kiệm. Lãi suất thấp làm cho mọi người nghĩ rằng tiền gửi ngân hàng không phải là một khoản đầu tư hiệu quả và họ có thể bị thu hút bởi các hình thức tiết kiệm không chính thức thường có lợi nhuận cao hơn hoặc trở lại với phương pháp tiết kiệm truyền thống giống như mua vàng.

Rút tiền qua Tổ trưởng có thể gây  chiếm dụng

Các Tổ trưởng chịu trách nhiệm về tính nhất quán về ghi chép giữa sổ sách của họ và của các thành viên. Tuy nhiên, NHCSXH huyện khó có thể kiểm tra số lượng lớn tất cả danh sách thành viên Tổ gửi tiền và so sánh với sổ sách của Tổ trưởng mỗi phiên giao dịch xã, NHCSXH chỉ có thể kiểm tra ngẫu nhiên một vài Tổ cùng một lúc.Vì vậy sai phạm là khó tránh khỏi và dễ dẫn đến việc Tổ trưởng chiếm dụng tiền gửi của tổ viên.

Chỉ giới hạn trong thành viên các tổ TK&VV

Sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV chỉ giới hạn trong đối tượng là thành viên các tổ  TK&VV, những người nghèo ở địa phương không tham gia vay vốn từ NHCSXH chưa thể gửi tiền tại các Điểm giao dịch xã của ngân hàng

Cải tiến phù hợp vào năm 2014

Trước những thực tế về sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, NHCSXH đã có văn bản số 4198/NHCS-TDNN ngày 16/12/2014 để khắc phục một số nhược điểm trước đây của sản phẩm và vì NHCSXH đã phát triển được hệ thống corebanking hiện đại với hiệu suất quản lý dữ liệu cao, theo đó, (i) thay vì một tài khoản chung, mỗi tổ viên Tổ TK&VV gửi tiền tại NHCSXH được mở và sử dụng một tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Việc rút tiền không phải thông qua Ban quản lý Tổ TK&VV mà tổ viên trực tiếp đến rút tiền tại Điểm giao dịch hoặc trụ sở NHCSXH; (ii) Để tránh việc người gửi rút tiền không không cần thiết  NHCSXH quy định số dư tài khoản tiền gửi tổ viên Tổ TK&VV trước hết phải dành trả nợ gốc, lãi.. Tổ viên Tổ TK&VV chỉ được rút tiền mặt ra khỏi tài khoản tiền gửi tổ viên Tổ TK&VV khi hộ gia đình của tổ viên đó không còn nợ NHCSXH.

Kết quả thực hiện đến 31/8/2016

Sau quá trình cải tiến, hoạt động tiền gửi của hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhiều chuyển biến tích cực hơn trước. Cán bộ NHCSXH, Hội đoàn thể, Ban quản lý Tổ TK&VV và người vay đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hành tiết kiệm. Hàng ngày, tổ viên tạo thói quen tiết kiệm thường xuyên để có tiền gửi hàng tháng, nhằm tích lũy sử dụng trong tương lai trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho NHCSXH và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Việc NHCSXH tổ chức nhận tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV là một dịch vụ của NHCSXH phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc làm này của NHCSXH đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, Ban quản lý Tổ TK&VV và người vay nên đã đạt được kết quả đáng kể, cụ thể bảng 2 dưới đây:

Bảng 2. Huy động Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV của NHCSXH tính đến tháng 31/8/2016

(Đơn vị triệu đồng, tổ, tổ viên)

STT

Năm

Tổng số Tổ TK&VV

Số Tổ TK&VV có số dư tiền gửi tiết kiệm

Số hộ có số dư tiền gửi tiết kiệm

Số dư tiền gửi tiết kiệm

Ghi chú

1

2011

204.514

 

163.604

 

3.552.717

 

1.318.729

 

 

2

2012

204.505

 

182.656

 

 1.719.689

 

  2.049.593

 

 

3

2013

199.603

 

189.741

 

4.813.512

 

2.714.380

 

Số tổ TK&VV  giảm do NHCSXH thực hiện củng cố lại tổ TK&VV tập trung vào chất lượng

4

2014

196.606

 

192.881

 

5.490.054

 

3.399.987

 

5

2015

192.936

191.478

6.016.399

4.258.512

6

31/8/2016

191.023

190.242

6.312.639

4.830.383

 

Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV của NHCSXH cho thấy chiều hướng tăng trưởng tốt kể từ khi được phát triển, đặc biệt, kể từ sau lần sửa đổi cơ chế sản phẩm năm 2014, số dư tiền gửi và số khách hàng tham gia gửi tiền có mức tăng đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với tổng nguồn vốn hoặc dư nợ cho vay NHCSXH (tính đến 31/8/2016, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt gần 158 nghìn tỷ đồng, dư nợ gần 151 nghìn tỷ đồng), sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chưa phản ánh năng lực thực sự của một ngân hàng lớn trong tài chính vi mô như NHCSXH.

Nguyên nhân được chỉ ra là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách vẫn còn hạn chế dẫn đến một bộ phận không nhỏ người nghèo và đối tượng chính sách khác hiểu chưa đầy đủ về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc nhận tiền gửi của NHCSXH. Một số điểm hạn chế về sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV vẫn chưa được giải quyết triệt để vì chi phí quá cao, chỉ có thể giải quyết được khi ứng dụng công nghệ trong thời gian tới.

Xu hướng phát triển trong thời gian tới

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, NHCSXH đặt mục tiêu trở thành một định chế tài chính hướng tới bền vững với mục tiêu trọng tâm là tiến tới cân bằng và dần dần tự vững về tài chính. NHCSXH xác định 3 hoạt động để có thể đạt tự vững tài chính, đó là: (i) tăng dần lãi suất cho vay theo lộ trình hợp lý, đặt trọng tâm vào ưu đãi qua cách tiếp cận (ii) tăng cường huy động vốn bao gồm huy động Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV và (iii) phát triển các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn vv. Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV vẫn được xác định là một hoạt động cần phát triển của NHCSXH. Hiện tại, NHCSXH vẫn đang nghiên cứu những phương pháp cải tiến sản phẩm của mình.

Áp dụng công nghệ ngân hàng di động giúp gửi và rút tiền linh hoạt hơn

Bên cạnh các phương thức sử dụng Tổ TK&VV như cầu nối giữa khách hàng và ngân hàng, NHCSXH hiện đang xem xét phát triển kênh ngân hàng qua điện thoại di động để phục vụ khách hàng tốt hơn. Sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV đã giúp khách hàng có thể gửi tiền và rút tiền tại Điểm giao dịch xã thuận tiện, nhưng sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV vẫn còn đơn giản với số tiền tiết kiệm chủ yếu là cố định hàng tháng và thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về gửi tiền tiết kiệm nếu có tiền và rút ra nếu cần thiết.

Ngân hàng qua điện thoại di động trong tương lai bước đầu sẽ cho phép tổ trưởng Tổ TK&VV đại diện cho khách hàng NHCSXH kích hoạt giao dịch tài chính trên điện thoại di động của tổ trưởng, bao gồm trả nợ, thu và rút tiền gửi, gửi thông tin xác nhận giao dịch cho khách hàng. Qua đó sẽ giảm thiểu chi phí cơ hội của hoạt động cho NHCSXH tại các Điểm giao dịch xã, giảm thiểu rủi ro chiếm dụng và giúp cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng đa dạng.

Giai đoạn tiếp theo từng khách hàng cá nhân của NHCSXH có thể được giao dịch trực tiếp với ngân hàng quan điện thoại di động để thực hiện gửi tiền tiết kiệm và rút tiền tại các đại lý hoặc qua chuyển khoảng SMS từ tài khoản tiết kiệm để thực hiện thanh toán hoặc trả nợ. Dịch vụ này có thể giảm thiểu nguy cơ sai lầm ghi sổ tiết kiệm hoặc mất mát, tăng cường tiếp cận dịch vụ với các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa với thời gian hoàn toàn 24/7. Ngoài ra, dịch vụ có thể tạo thuận lợi trong việc phát triển các sản phẩm tiết kiệm tự nguyện đa dạng dựa trên nhu cầu và khả năng của khách hàng.

Mở rộng cơ hội cho các đối tượng khách hàng không là thành viên tổ TK&VV

Nhiều người nghèo không còn nhu cầu vay vốn nhưng có nhu cầu về tiết kiệm trong trường hợp khẩn cấp hoặc cho nhu cầu trong tương lai. Hiện tại sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV mới chỉ dành cho các thành viên tổ TK&VV, những người nghèo hoặc người dân muốn gửi tiết kiệm thay vì được tận dụng hệ thống Điểm giao dịch xã của NHCSXH thì vẫn phải đến Phòng giao dịch NHCSXH mới có thể nhận được dịch vụ của ngân hàng.

Để khắc phục hạn chế này, bên cạnh sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, NHCSXH đã ban hành hướng dẫn về quy trình huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã.  Theo đó mọi cá nhân là người Việt Nam, đủ năng lực hành vi dân sự đều có thể gửi tiền tiết kiệm bằng đồng Việt Nam tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được áp dụng theo lãi suất của các sản phẩm cùng loại, cùng kỳ hạn của NHCSXH nơi giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Mức tiền gửi tối thiểu là 500.000 đồng (thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu của các ngân hàng thương mại khác quy định thường là từ 1.000.000 đồng trở lên) và khách hàng có thể rút trước hạn theo quy định. Dịch vụ này sẽ thay đổi cơ bản về cơ cấu dịch vụ tài chính trên khu vực nông thôn Việt Nam, chuyển từ tín dụng là chủ yếu sang tín dụng – tiết kiệm và tiến tới triển khai các dịch vụ tài chính khác cho người nghèo.

Sau 9 năm triển khai kể từ dự án thí điểm, sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV đã được người nghèo và các đối tượng chính sách đón nhận và trở thành sản phẩm quen thuộc với các hộ vay vốn NHCSXH. Sản phẩm đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách biết dành dụm trong chi tiêu, tạo thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tích lũy sử dụng trong tương lai, trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi tiền vay cho NHCSXH. Sản phẩm đáp ứng tại điểm giao dịch xã nên chi phí đi lại thấp; huy động được số tiền nhỏ; đặc biệt các tổ viên thúc đẩy và kiểm soát lẫn nhau thực hành tiết kiệm.  Đối với sản phẩm tài chính ngân hàng đáp ứng cho đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác thì sản phẩm hiện tại và tương lai của NHCSXH là sản phẩm phù hợp nhất, ưu việt nhất đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách tại Việt Nam.