Xã Pờ Ê được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

31/01/2013
(VBSP) Trên cao nguyên KonPLong (Kom Tum) có một xã vùng sâu, vùng 100% đồng bào dân tộc thiểu số nằm về phía Đông Trường Sơn, dọc theo Quốc lộ 24 đó là xã Pờ Ê. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây là căn cứ địa Cách mạng. Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ và nhân dân xã Pờ Ê cùng chung sức, chung lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng đất căn cứ Cách mạng.

60011384

Trong những năm đầu xây dựng cuộc sống mới, xã Pờ Ê còn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân không ổn định, phương thức canh tác lạc hậu, mang nặng tính tự cung tự cấp, thiếu vốn liếng, thiếu cả kiến thức sản xuất. Trước thực trạng đó, Lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành của huyện đã thường xuyên phối hợp với xã vận động bà con thực hiện định canh, định cư, lập vườn, khai hoang và làm ruộng nước. Cùng với đó, Nhà nước đã tăng cường đưa các chương trình, dư án, trong đó ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách nhằm hỗ trợ cho xã Pờ Ê xoá nghèo, phát triển sản xuất. Ông Chủ tịch UBND huyện KonPLong Võ Trị Toàn cho biết, năm 2008, huyện quyết định triển khai dự án đầu tư mạnh nguồn vốn ưu đãi, xây dựng mô hình làng định cư và chọn xã Pờ Ê làm điểm thực hiện phương châm huy động mọi nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, trong đó: nguồn vốn ưu đãi đóng vai trò chủ đạo để triển khai nhằm đưa Pờ Ê thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu và xây dựng mô hình nông thôn mới.

Ngay những ngày đầu bắt tay vào thực hiện dự án, cùng các ban, ngành, NHCSXH huyện đã tổ chức giải quyết kịp thời 2,4 tỷ đồng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi. Kế tiếp là sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tiến hành cho vay vốn ưu đãi để tất cả các hộ dân của xã Pờ Ê xây dựng nhà vệ sinh hợp lý và bắc đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước về tận nhà sử dụng. Việc làm này đã góp phần làm cho đồng bào dân tộc thiểu số bỏ dần tập quán du canh du cư cũng như tệ nạn dùng nước sông suối nhiễm bẩn làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, môi trường… Sau 4 năm triển khai dự án, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Pờ Ê từ 29,7%  (năm  2007) xuống 18% (cuối năm 2012).

Chị E Nai Hằng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phấn khởi nói: “Muốn giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc xa xôi thì phải để đồng bào trực tiếp được nghe, được hưởng những lợi ích thực tế mà dự án mang lại. Những năm qua, đồng bào Pờ Ê đã được vay khá nhiều vốn ưu đãi của Chính phủ với 6 chương trình và tổng dư nợ 16,7 tỷ đồng. Vì được hưởng thụ sự ưu đãi đó mà dân quê mình nay rất tin tưởng Nhà nước, yêu mến cán bộ NHCSXH. Mọi người mách bảo nhau, cố gắng dùng đồng vốn vay vào việc nuôi đàn trâu bò vỗ béo, trồng lúa nước xanh tốt, đặc biệt từ bỏ hẳn chuyện bỏ buôn làng, nương rẫy để vào rừng chặt phá rừng bừa bãi”. Ngày nay, đến với xã Pờ Ê, vùng căn cứ Cách mạng, chúng ta bắt gặp diện mạo mới của làng quê Tây Nguyên. Mọi người, mọi nhà nghèo khó trước đây đều được vay vốn NHCSXH để đầu tư trồng cà phê, chăn nuôi gia súc gia cầm, 100% hộ đồng bào dân tộc có nước sạch có điện lưới dùng trong sinh hoạt, sản xuất. Một số gia đình nhờ vốn vay ưu đãi làm điểm tựa, không chỉ thoát nghèo, mà vươn lên giàu có từ nghề làm ruộng, trồng rừng, mua sắm cả máy cày đất, ô tô vận tải chuyên chở vật tư, sản phẩm nông nghiệp. Những hộ dân như ông Krem, chị Nai Thuỷ, anh E Kan… mới khi nào còn nghèo khổ, nay đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi trồng hàng chục ha cà phê, và xây nhà ở kiên cố để kịp đón xuân, ăn Tết Quý Tỵ này.

Tuy vậy, theo ông Bí thư Đảng uỷ xã Pờ Ê, E Kiều, hiện vùng đất này vẫn còn một số khó khăn hạn chế đến tiến độ của dự án đó là đời sống của nhân dân còn nghèo; các thành phần kinh tế chưa phát triển và các nguồn vốn, kể cả vốn chính sách có hạn… Mong rằng những khó khăn trên sớm được khắc phục để Pờ Ê xóa nghèo nhanh, bền vững và xây dựng cuộc sống tươi đẹp trên Tây Nguyên.

Hạnh Hữu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác